VnReview
Hà Nội

Trung tâm ứng cứu môi trường - việc cần, chưa có

Đặc điểm chung trong xử lý các sự cố môi trường ở nước ta là khá chậm chạp, kẻ từ khi phát hiện các sự cố môi trường đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc phải mất cả nửa tháng, như vụ Formosa mất tới gần 4 tháng. Việc xử lý kéo dài làm cho tổn thất về môi trường, cho người dân càng; nặng nề hơn. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này, phải chăng chúng ta chưa có Trung tâm ứng cứu môi trường?

1 - Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấy, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mức tăng trưởng công nghiệp hằng năm của Việt Nam là 13%, Cả nước có hơn 200 khu công nghiệp (KCN), nhưng chỉ có 60 KCN có trạm xử lý nước thải tập trung (chiếm 42% số KCN đã vận hành). Mỗi ngày, các KCN thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải độc hại ra môi trường. Hầu hết các cụm, điểm, KCN chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn môi trường. Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa kéo theo đô thị hóa. Dân số đô thị nước ta, năm 1996 là 19%, năm 2010 lên tới 30% và sẽ tăng lên 45% vào 2020.

Đây thực sự là sức ép lớn về môi trường trong quản lý đô thị. Riêng Hà Nội, mỗi năm thải vào môi trường nước khoảng 3.600 tấn chất hữu cơ, 320 tấn dầu mỡ, hàng chục tấn kim loại nặng. Đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm. Một số dự án FDI vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men...

Ô nhiễm nguồn nước, không khí ở nước ta đang lan rộng, không chỉ ở các KCN, khu đô thị, mà ở cả những vùng nông thôn. Theo khảo sát của Bộ Y tế, cả nước có gần 4000 cơ sở sản xuất, hơn 1500 làng nghề tạo ra 11 triệu việc làm, nhưng đó cũng là những cơ sở gây ô nhiễm, do sản xuất tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu nên phần lớn các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải và kiểm soát chất thải rắn.

Chưa hết năm 2016, tính tới thời điểm hiện nay, cả nước đã có hơn 20 vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận. Phần lớn là các vụ  là gây ô nhiễm nguồn nước (sông, biển) do cố tình xả thải có chứa các hóa chất độc hại. Ngoài sự cố nôi trường do Formosa gây ra còn có một số vụ như: vỡ hồ chứa bùn thải của nhà máy chì, kẽm của Công ty CKC ở Cao Bằng; các sự cố cá chết xảy ra tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, ô nhiễm tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), nước mưa chảy tràn của nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hòa Bình... Một số vụ gây ô nhiễm khác là do cơ sở buông lỏng quản lý, có những đơn vị hơn 10 năm hoạt động mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không giấy phép xả thải như nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Bình Tân, T.P Hồ Chí Minh).

Hầu như những sự cố môi trường xảy ra chúng ta đều phát hiện muộn và quá trình xử lý lại chậm chạp. Có lẽ một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là vì chúng ta không có Trung tâm ứng cứu môi trường quốc gia. Để một đất nước "phát triển xanh" - phát triển bền vững, rất nhiều nước công nghiệp, bên cạnh việc thành lập các cơ quan quản lý, nghiên cứu môi trường nhằm đưa ra những chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường kịp thời còn có Trung tâm ứng cứu môi trường quốc gia. Đây được coi là "Lực lượng phản ứng nhanh", mỗi khi một sự cố môi trường xảy ra thì ngay lập tức Trung tâm ứng phó quốc gia và các đại diện của địa phương thu nhập tất cả thông tin từ mọi nguồn báo về Trung tâm để có thể ứng cứu kịp thời, tiếp theo mới là đánh giá thiệt hại và phục hồi, sau đó mới là nghiên cứu lâu dài.

Kinh nghiệm cho thấy, các Trung tâm ứng cứu môi trường này biết sử dụng nguồn tin về sự cố môi trường từ công chúng một cách hữu ích. Một thông tin về nguồn nước biến đổi màu, một vài sinh vật, động vật chết... ở một địa phương nào đó báo về Trung tâm ứng cứu cũng được xem xét ngay. Còn ở nước ta, người dân chưa có ý thức đó, hoặc có muốn báo tin nhưng không biết báo cho ai; hoặc có thông tin tới cơ quan quản lý môi trường lại cho là "không đáng tin cậy", hoặc "phao tin để làm rối tình hình". Tôi lần lại một số thông tin trước khi có kết luận chính thức vụ Formosa, thấy nhiều thông tin từ công chúng nói về vụ này đầy thiện ý, nhưng các cơ quan chức năng địa phương đã bỏ qua một cách đáng tiếc. Một Trung tâm ứng cứu dù có mạnh tới đâu thì cũng không có đủ "tai, mắt" trải khắp mọi vùng để giám sát môi trường, chỉ có "tai mắt" của dân mới làm được việc đó.

Với nước ta hiện có rất nhiều cơ quan nghiên cứu, quản lý môi trường, nhưng để xử lý nhanh những vụ việc cụ thể thì chưa có. Vì có nhiều cơ quan, đơn vị liên quan tới quản lý môi trường nên khi sự việc xảy ra thì không biết ai là người chịu trách nhiệm trước hết, hoặc dựa dẫm vào nhau nên xử lý vụ việc rất chậm chạp, hoặc để xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc" như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường tháng 8-2016. Thời gian là vàng, xử lý sự cố môi trường càng chậm thì càng gây thiệt hại lớn hơn cho xã hội. Vì thế, thiết nghĩ, Việt Nam cũng nên lập Trung tâm ứng cứu môi trường quốc gia. Lập Trung tâm này không sợ "phình biên chế", chúng ta chỉ cần sắp xếp, tổ chức lại, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan tới môi trường hiện nay thì sẽ có Trung tâm ứng cứu môi trường tầm cỡ, đủ sức xử lý những sự cố môi trường một cách nhanh nhạy.   

2 - Một trong những thành tựu của quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta là dần dần xóa bỏ cơ chế bao cấp, ''xin- cho" chuyển sang cơ chế kinh tế hóa, tài chính hóa trong quản lý tài nguyên, môi trường. Trước đây nhà nước bỏ ra rất nhiều kinh phí, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho công tác điều tra tài nguyên khoáng sản, khí tượng, thủy văn... nhưng thường là cấp không hoặc với khoản phí không đáng kể cho các nhà đầu tư. Vì thế dẫn tới mất cân đối trong thu chi, không đủ nguồn lực cho công tác quy hoạch tài nguyên và môi trường. Nhưng nay chúng ta có các nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí tài nguyên môi trường. Theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính về nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thu từ thuế Bảo vệ môi trường đã tăng hơn 3 lần trong vòng 5 năm qua, lên khoảng 38.000 tỷ đồng trong năm 2016. Trong khi đó, số chi tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ lên 12.290 tỷ đồng, tương đương khoảng 1% tổng chi ngân sách. Trong năm 2016, số thu cho mục đích bảo vệ môi trường (chỉ tính từ nguồn thu thuế, chưa tính các khoản phí khác) so với chi tương ứng đã cao gấp 3 lần. Tức là thu 3 đồng, chỉ chi có 1 đồng cho môi trường. Nguồn thu này đang có xu hướng tăng nhanh. Ví như, thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải năm 2013 là 632 tỷ đồng đã tăng lên 934 tỷ năm 2014. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cũng tăng từ 2.137 tỷ đồng năm 2012 lên khoảng 2.603 tỷ đồng trong năm 2016.

Ngoài nguồn lực trong nước cho bảo vệ môi trường, Nhà nước đã huy động vốn vay, viện trợ của nước ngoài với tổng số cam kết từ năm 1993 đến nay gần 4,3 tỷ USD, viện trợ giai đoạn 2015-2016 khoảng 152 triệu USD. Trong năm 2016, Chính phủ Nhật cũng sẽ giải ngân khoản vay ODA cho chương trình chống biến đổi khí hậu trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng .

Thế nhưng cả nước hiện có 786 đô thị mà mới chỉ có 40 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn. Có tiền, thậm chí thừa tiền để chi cho mục đích bảo vệ môi trường, nhưng những người cầm cân nảy mực trong lĩnh vực này sao vẫn để  người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép khi tồn tại hàng loạt "điểm nóng" về môi trường tại các khu đô thi, khu công nghiệp, lưu vực sông?... Tôi nhớ lần ông Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong nói trong một hội nghị về môi trường: "Từ 2011, nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ về xuôi ngày càng ô nhiễm. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư 1 trạm quan trắc môi trường xuyên biên giới tại Lào Cai ở phía đầu nguồn sông Hồng thuộc địa phận Lào Cai nhưng chỉ đo được chỉ số cơ bản và đã xuống cấp nên hiệu quả không cao". Có tiền sao không tăng cường đầu tư thêm trạm quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới để kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nước sông Hồng này? Những dẫn chứng trên đây thuộc loại việc "cần nhưng không có". Rõ ràng là tầm nhìn của những người làm trong lĩnh vực này còn hạn hẹp, hay còn vướng trong quy chế chi tiêu? Có tiền nhưng không biết cách chi tiêu đúng mục đích, để dân phải sống trong ô nhiễm âu cũng là một tội lỗi.

Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung của quá trình phát triển bền vững. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là lập ra sách lược tốt để phát triển và khi có sự cố môi trường xảy ra thì phải xử lý nhanh chóng, minh bạch, đúng pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân. Còn với mỗi người dân là nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, biết ửng xử thân thiện và biết tôn trọng môi trường sống quanh ta, tỉnh táo và cảnh giác với những lời kích động mỗi khi có sự cố môi trường xảy ra để không trở thành những "điểm nóng" trong xã hội. 

Đ. Ngọc

Chủ đề khác