VnReview
Hà Nội

Có một Uber… “đa nhân cách”

Đó là một Uber thương hiệu toàn cầu nhưng… thực thực hư hư rất khó đoán định. Tưởng là Uber đã "hồi tâm chuyển ý" xây dựng hình ảnh tốt đẹp đó nhưng lại ngay lập tức… vi phạm Luật Quảng cáo. Tưởng là Uber đóng thuế rồi thì sẽ tuân thủ nghiêm luật pháp nhưng dư luận lại đang đặt vấn đề rằng thông qua CLB Uber, doanh nghiệp này đang "vẽ đường cho hươu" giúp các tài xế Uber đối phó với cơ quan chức năng.

Uber đóng thuế. Cuối cùng thì Uber cũng đã chịu đóng thuế.

Số tiền thuế Uber đóng là 241 triệu đồng sau hơn 2 năm hoạt động tại Việt Nam (nhưng khoản tiền này được cho là khoản đóng thuế của năm 2014) được tính theo công thức là thuế GTGT tỉ lệ 3% trên phần doanh thu được hưởng và thuế thu nhập doanh nghiệp 2% trên phần doanh thu được hưởng khi ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải.

Dù ít, nhưng thôi thì, Uber đã chịu đóng thuế - vấn đề vốn đã gây sóng gió dư luận lâu nay và cũng chính vì điều này mà Uber bị các cơ quan chức năng chỉ trích cũng như đa phần báo chí truyền thông phê phán.

Bởi với một doanh nghiệp toàn cầu như Uber có giá trị doanh nghiệp được định giá đến lúc này khoảng chừng 50-60 tỉ USD mà lại kiếm đủ cách né tránh thuế, trốn thuế ở các nước nghèo, còn kém phát triển là điều dễ làm hoen ố thương hiệu. Dư luận cho rằng, với một doanh nghiệp lớn (dù đang trong giai đoạn start up – khởi nghiệp) thì cũng cần có một văn hóa lớn và trách nhiệm lớn. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như việc tuân thủ nghiêm pháp luật tại quốc gia mà Uber hoạt động. Việc Uber chỉ biết lấy đi mà không chịu đóng góp – chí ít theo qui định pháp luật là vấn đề nộp thuế - không chỉ gây bất bình, mà còn cho thấy thiếu sự sẻ chia trong trách nhiệm xã hội.

Vậy bây giờ Uber đã chịu đóng thuế rồi thì còn "ôn cố" làm gì. Vâng, không nên cố tình bới móc, nhưng việc "ôn cố tri tân" cũng không hẳn là bới móc mà để nhìn nhận đúng hơn hành vi tuân thủ pháp luật của Uber.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng Uber không thể cứ tiếp tục "bơ bơ" trốn thuế và giúp cho các đối tác của mình trốn thuế tại một thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam. Uber cũng không thể tiếp tục "bơ bơ" nếu muốn làm ăn lâu dài tại thị trường lớn thứ ba Đông Nam Á với sự đẹp đẽ của một thương hiệu toàn cầu. Trên thực tế các cơ quan chức năng Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở, lí lẽ và cả về kĩ thuật, công nghệ để xử lí nếu Uber tiếp tục kéo dài việc trốn thuế. Và nếu Uber và các đối tác tiếp tục như vậy, khả năng cơ quan điều tra vào cuộc là hoàn toàn có thể, đến khi ấy thì có muốn êm thì cũng khó được như ý.

241 triệu đồng, được cho là khoản nộp thuế của năm 2014 khi Uber mới vào Việt Nam. Cho là ít ỏi cũng được, cho là nộp cho có cũng được, thì cũng là đã tuân thủ một phần. Có thể đây là động thái xoa dịu của Uber nhằm tránh mũi dùi dư luận về thuế tiếp tục chĩa vào mình. Nhưng nên nhớ rằng khoản tiền 241 triệu đồng mới chỉ là bắt đầu của một hành trình tuân thủ mà thôi. Cần biết rằng, khoản tiền thuế này của Uber đã đóng chỉ bằng 26,7% khoản tiền của 263 trường hợp xe Uber đã bị phát hiện và bị đề xuất xử phạt từ năm 2015 đến nay (tổng cộng 900 triệu đồng). Tuy nhiên hiện nay để tránh né các đội kiểm tra, các tài xế Uber khi bị phát hiện và xử lí đã âm thầm chụp hình vị trí tổ công tác đang kiểm tra để gửi về cho CLB Uber nhằm qua đó cảnh báo cho các xe khác tránh những khu vực này. Đây là động thái "né trạm", khiến cho Uber lại bị trỉ trích rằng "hướng dẫn cho lái xe cách đối phó cơ quan chức năng".

Hiện nay, Bộ GTVT mới chỉ cấp phép cho hai đơn vị vận tải ứng dụng công nghệ sử dụng xe dưới 9 chỗ chở khách theo hợp đồng điện tử là Grab và Vinasun. Uber đã từng đệ trình hồ sơ xin phép nhưng chưa được chấp nhận. Động thái bước đầu nộp thuế của Uber được cho rằng nhằm tạo dư luận tích cực hỗ trợ cho việc xin phép này. Việc Uber nộp thuế cần được ghi nhận theo hướng tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp này cần cung cấp một cách đầy đủ cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ở từng địa phương là đối tác của Uber để phục vụ cho việc quản lý được minh bạch và thuận lợi hơn.

Thông tin Uber nộp thuế là thực, nhưng thông tin về danh sách đối tác của Uber tại Việt Nam còn "hư hư" vì chưa được cung cấp đầy đủ cho các cơ quan chức năng. Và câu hỏi, liệu Uber có nộp đúng nộp đủ thuế hay chưa còn chưa thể kiểm chứng được cũng là chuyện "hư hư" trong thực tế nộp thuế của họ.

Mới đây, trong sự cố "Sài Gòn thất thủ" – cụm từ được dùng rộng rãi trên Facebook thời gian gần đây và đặc biệt trong trận mưa lớn gây ngập lịch sử tại TPHCM ngày 26/9/2016, Uber đã rất nhanh nhẩu vớ lấy cụm từ này để tranh thủ dùng cho quảng cáo dịch vụ của mình – rằng "Sài Gòn thất thủ nhưng Uber không thất thủ" - như một cơ hội đặt giá để truyền thông kinh doanh. Chỉ có điều, ngày hôm đó, không ít người đi xe Uber đã phải trả với giá quá chát: Cước cao gấp 3-5 lần taxi truyền thống. Vì thế mới lại có dư luận rằng "tận dụng thời cơ Sài Gòn thất thủ Uber kiếm chác". Lại bị vỡ hình ảnh, lại đi ngược lại phương châm chung tay chia sẻ giải quyết các vấn nạn xã hội của doanh nghiệp.

Không biết Uber vớ bẫm được bao nhiêu nhưng thông tin doanh nghiệp này bị Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch "nắm tóc" lại cho thấy sự nhanh nhẩu quảng cáo trên là "lợi bất cập hại", một sự thiếu nghiêm túc và chín chắn của một thương hiệu lớn. Qua đó cũng cho thấy một sự non nớt, một nhận thức và hành động theo hướng "đa nhân cách" của Uber - lẫn lộn đúng – sai, hay – dở và đặc biệt là thiếu chuẩn mực trong truyền thông quảng cáo.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác