VnReview
Hà Nội

Note 7: “Happy ending” và “món nợ nguyên nhân”

Note 7 đoản mệnh nhất lịch sử siêu phẩm smartphone nhưng nó vẫn còn để lại một sự vấn vương, tiếc nuối. Không ít người dùng Việt vẫn muốn giữ lại Note 7 sử dụng chứ không muốn được hoàn tiền. Thôi thì có người thích, có người muốn biến Note 7 thành hàng "quí hiếm"… Nhưng, đằng sau tất cả những sự thông cảm, chia sẻ kia, vẫn còn đó một câu hỏi chưa được giải đáp.

Samsung bị mất 17 tỉ USD theo kênh chứng khoán bị giảm giá 8%, nếu kể cả những mất mát về vật chất, tài chính khác và uy tín thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều và chưa chắc đã dừng lại dù tập đoàn này được đánh giá là nghiêm túc, chuyên nghiệp và dũng cảm khi đưa ra quyết định dừng sản xuất, ngừng bán Note 7 và thu hồi, hoàn tiền cho khách hàng.

Tôi dùng cụm từ "happy ending" ở đây không phải ý chỉ kết thúc vui vẻ với Samsung. "Happy ending" ở đây là đối với không ít khách hàng đã mua Note 7. Họ có thể hoàn trả sản phẩm và nhận tiền mà không phải trả lại tất cả các quà tặng nhận được khi mua máy, cũng không phải trả lãi suất vay cho công ty tài chính trong trường hợp mua trả góp, và thêm nữa còn được tặng 1 voucher trị giá 1,5 triệu đồng (tại Việt Nam) để mua sản phẩm Samsung. Chính sách này, so với chính sách khi Samsung thu hồi máy đợt 1 và cho khách hàng mượn máy Galaxy A3 (phiên bản 2016) để sử dụng tạm nhưng nếu khách hàng sau đó muốn mua luôn sẽ phải thanh toán 60% giá trị A3, có vẻ "được" hơn nhiều.

Khách hàng có được một "happy ending" thì cơ may họ còn ở lại với sản phẩm của Samsung vẫn còn lớn. Voucher trị giá 1,5 triệu đồng, nhưng về thực chất nếu khách hàng mua trở lại sản phẩm Samsung, thì chính hãng này cũng đã có lãi trong đó rồi.

Sự cố Note 7 xảy ra trên toàn cầu nhưng ở Việt Nam, mức tác động tiêu cực của sự cố có vẻ "nhẹ nhàng" hơn ở các thị trường khác. Samsung vẫn rất mạnh ở Việt Nam khi chưa có Note 7. Căn cứ để đưa ra nhận định này là theo nghiên cứu của GfK, trong 6 tháng đầu năm 2016, Samsung đã tăng thêm 5% thị phần trên thị trường smartphone so với cùng kì năm 2015, và đang ở vị trí dẫn đầu. Số lượng Note 7 được đặt mua tại Việt Nam được cho là khoảng 15.000 máy cũng không phải là quá lớn vì thế sự tác động tiêu cực trong dư luận cũng không quá nặng nề.; 

Tuy nhiên, cho dù người dùng vẫn còn yêu mến hay ưa chuộng sản phẩm Samsung thì cũng không thể hoàn toàn thoát khỏi tâm lí băn khoăn, lo lắng khi nghĩ về sự cố Note 7. Và khả năng từ sự cố này có thể dẫn đến lo ngại đối với sản phẩm điện thoại Samsung nói chung cũng đã được nhà phân tích Mark Newman thuộc Công ty nghiên cứu Bernstein đề cập: "Người dùng đang sợ sử dụng sản phẩm Samsung. Samsung nói rằng họ đã sửa chữa, nhưng vấn đề vẫn có thể xảy ra".

"Cuộc đời" Note 7 đã kết thúc nhưng đối với người tiêu dùng thì câu chuyện về sự cố Note 7 chưa được gác lại. Vì sao vậy? Vì họ chưa tỏ tường hết được những giải thích về nguyên nhân sự cố Note 7 cháy nổ.

Cần nhớ lại rằng, ở lần thu hồi thứ nhất Samsung cho rằng Note 7 cháy nổ do lỗi pin và sau đó đã đổi trả, thay mới sản phẩm "Note 7 an toàn" cho khách hàng. Thế nhưng "Note 7 an toàn" vẫn tiếp tục phát cháy và Samsung phải thu hồi một lần nữa cùng với quyết định ngừng bán, ngừng sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc nguyên nhân được cho rằng do "lỗi pin" đưa ra trước đây chưa hẳn là nguyên nhân cuối cùng. Trong suốt hơn một tháng qua, nhiều trang mạng, diễn đàn công nghệ trên thế giới có dẫn ý kiến từ các chuyên gia nghi ngờ rằng Note 7 không chỉ do lỗi pin mà có thể còn do linh kiện, phần cứng khác liên quan. Và trên thực tế thì, cho tới thời điểm này, ngoài nguyên nhân được cho rằng do lỗi pin đã đưa ra trước đây Samsung cũng chưa đưa ra được lí giải nguyên nhân mới nào khác, và việc dừng sản xuất và ngừng bán ra trên thị trường nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng đồng thời phục vụ cho việc tiếp tục điều tra nguyên nhân.

Với người tiêu dùng, lúc này và trong những ngày tới, "món nợ" lớn nhất của Samsung đối với họ chính là việc phải tìm ra cho bằng được nguyên nhân sự cố cháy nổ của Note 7 cũ và mới, và phải công bố minh bạch nguyên nhân này để người dùng dù không còn sử dụng sản phẩm Note 7 nữa nhưng cũng cảm thấy yên tâm khi sử dụng những sản phẩm smartphone khác của Samsung. Thiết nghĩ, một khi Samsung đã dám khai tử Note 7 thì chắc cũng không e ngại gì công bố nguyên nhân thực sự gây ra thảm họa đối với siêu phẩm này. Có chăng là vấn đề thời gian. Thông tin về nguyên nhân gây cháy nổ Note 7 càng muộn được công bố thì những hệ lụy tiêu cực càng lan rộng và khó đoán định về tầm ảnh hưởng.

Nếu Samsung sớm sủa tìm ra nguyên nhân gây cháy nổ Note 7 thì càng sớm làm yên lòng người tiêu dùng. Khi ấy, "happy ending" chính là cái kết làm yên dư luận và kết thúc món nợ nguyên nhân kia.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác