VnReview
Hà Nội

Sự thật nào đằng sau Didi Việt Nam?

Cuối cùng thì không chỉ là dư luận thôi mà thực sự đã xuất hiện một ứng dụng đặt xe tương tự như Grab, Uber có tên gọi là Didi Việt Nam. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn còn nhầm tưởng rằng đó là sự mở rộng thị trường của DiDi Chuxing (Trung Quốc). Nhưng trên thực tế, phía Didi Trung Quốc vừa bác bỏ, cho rằng họ bị "lợi dụng thương hiệu".

"Lợi dụng thương hiệu"?

Trong bài đăng trên báo Đầu Tư được VnReview dẫn lại;DiDi Trung Quốc "than" bị lợi dụng thương hiệu tại Việt Nam, DiDi Chuxing tuyên bố rằng một số pháp nhân và cá nhân đã tiến hành những hoạt động tiếp thị và quảng bá gây nhầm lẫn ở Việt Nam dưới danh nghĩa "Công ty Cổ phần Công nghệ DiDi Việt Nam". Tìm kiếm trên Facebook đến thời điểm này vẫn còn tài khoản của một tổ chức có tên gọi "Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Didi Việt Nam" (gọi tắt là Didi Việt Nam) có trụ sở đặt ở tầng 9, Icon4 Tower, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội, số điện thoại liên hệ: 0937983494.

Theo những thông tin trên Facebook, Didi Việt Nam cho biết "được thành lập và đang hoàn tất thủ tục xin giấy phép hoạt động như một ứng dụng gọi xe tương tự Uber, Grab tại Việt Nam. Các nhân viên kỹ thuật đang test các ứng dụng này để hoàn thiện sớm nhất có thể, nhằm đưa ứng dụng ra phục vụ người tiêu dùng. Hiện tại, một số phương tiện tại Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm… Chúng tôi vẫn tiếp nhận đăng ký tham gia của các lái xe và chủ xe trên Fanpage :https://www.facebook.com/dangkydidi/, Website: http://didivietnam.vn/".

Cũng qua bài báo, phía DiDi Chuxing thông qua đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam đã phát đi thông cáo vào ngày 22/10/2016 khẳng định "không có bất kỳ chi nhánh, sự đầu tư hay hoạt động nào tại Việt Nam. Vì thế, những hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại ở Việt Nam của các công ty hay cá nhân nào khác đều là tận dụng danh tiếng của DiDi Chuxing và gây nhầm lẫn cho khách hàng Việt Nam". "DiDi Chuxing và đại diện theo ủy quyền của DiDi Chuxing tại Việt Nam đang tiến hành các biện pháp chống lại các pháp nhân và cá nhân có hành vi lạm dụng các tài sản trí tuệ và khai thác các nhãn hiệu của công ty".

Đến thời điểm này, chưa thấy phía Didi Việt Nam có những phản hồi trước những cáo buộc của DiDi Chuxing, chính vì thế dư luận cũng còn khá "mù mờ" về vụ việc này. Vấn đề liên quan tới lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ khá phức tạp, lúc này chưa thể khẳng định ai đúng ai sai, và cũng chưa rõ thương hiệu DiDi đã được đăng kí bảo hộ ở phạm vi ra sao, có được bảo hộ ở Việt Nam hay chưa.v.v…

Những dấu hiệu đáng ngờ…

Trên Fanpage của Didi Việt Nam tất nhiên không hề tự nhận hay mạo nhận là chi nhánh hay công ty con của DiDi Chuxing đến từ Trung Quốc. Không khẳng định gì cả, cứ chung chung và mập mờ. Nhìn vào fanpage cũng ít thấy được sự tin cậy, chí ít là chưa có sự xác nhận của Facebook, tiếp nữa là từ lời lẽ, thông tin, sự tương tác, số lượt thích và người quan tâm… đều cho thấy sự nghiệp dư, "lè phè".

Nếu những cáo buộc của phía DiDi Chuxing là có lí và đúng là Didi Việt Nam đã "lợi dụng thương hiệu" của họ, trong đó có việc sử dụng câu slogan (khẩu hiệu) "More than a journey", thì đây là một trường hợp xâm phạm sở hữu trí tuệ khá điển hình trong lĩnh vực ứng dụng đặt xe.

Và khi ấy một câu hỏi cần được đặt ra là: Vì sao lại lấy thương hiệu "Didi" mà không là thương hiệu khác?

Tại Việt Nam đang có Grab, Uber, và tất nhiên là không thể nhại nhái theo hai thương hiệu này. Còn thương hiệu ứng dụng đặt xe thứ ba – Easy Taxi, thì đã phá sản khá lâu rồi cũng không thể nhái nốt. Nhìn xung quanh còn ai, có tên tuổi trong cùng lĩnh vực? Chỉ còn DiDi. Thương hiệu này chưa có pháp nhân hay đại diện ở Việt Nam.

DiDi Chuxing dù mới kinh doanh tại thị trường Trung Quốc nhưng đã là một đại gia thực sự trong lĩnh vực ứng dụng đặt xe và cho thuê xe tư. Trước khi mua lại Uber Trung Quốc vài tháng trước, DiDi Chuxing chiếm tới 85% thị phần đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc. Sau khi sáp nhập Uber tại thị trường này, DiDi Chuxing trở thành vô đối với khoảng 99% thị phần. Việc lấy một thương hiệu lớn để sử dụng ở Việt Nam, về nguyên tắc sẽ có sự hỗ trợ nhất định về danh tiếng trong truyền thông và làm thương hiệu. Vấn đề là việc sử dụng thương hiệu DiDi ở đây có đúng luật hay không.

Vì thế câu hỏi "sự thật nào đằng sau Didi Việt Nam?" đang là vấn đề được dư luận thực sự quan tâm và cần làm sáng tỏ. DiDi Chuxing có tiến hành các thủ tục pháp lí "chống lại các pháp nhân và cá nhân có hành vi lạm dụng các tài sản trí tuệ"  hay không là chuyện của doanh nghiệp này. Song trong trường hợp việc đang sử dụng thương hiệu DiDi tại Việt Nam là vi phạm, thì cái được sẽ chẳng thấm vào đâu so với cái mất. Thứ nhất, dư luận ngày càng nhận thức rõ và dị ứng với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai, nếu diễn ra các cuộc đấu về pháp lí cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng đối với Didi Việt Nam. Thứ ba, cho dù có "lợi dụng thương hiệu" lớn để kinh doanh lĩnh vực ứng dụng đặt xe thì cũng chưa có gì bảo đảm sẽ thành công, bởi yếu tố quan trọng hơn ở đây là cách triển khai kinh doanh, nguồn tiền đầu tư và đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng. Một thương hiệu nếu đã bị "tố" là "lợi dụng thương hiệu" của doanh nghiệp khác dù là trong hay ngoài nước, thì không những chẳng củng cố được niềm tin mà còn làm đổ vỡ niềm tin của người tiêu dùng.

Không ai khác mà chính Didi Việt Nam phải làm rõ mình, khẳng định mình là ai, có đang vi phạm về sở hữu trí tuệ và "lợi dụng thương hiệu" cũng như sử dụng slogan của doanh nghiệp khác trái phép hay không? Trong lĩnh vực này, có thương hiệu đàng hoàng, làm ăn đường đường chính chính còn chưa chắc ăn ai, huống hồ nếu còn mập mờ thì ai dám sử dụng dịch vụ?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác