VnReview
Hà Nội

Gia hạn cho lò gạch nung là "ân hạn" cho ô nhiễm

Lò gạch thủ công là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường vào loại số 1 ở nước ta, vì thế ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567, theo đó, đến năm 2020, những lò gạch nung sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trên cả nước. Nhưng thực tế nảy sinh những vấn đề làm cho lộ trình loại bỏ nguồn ô nhiễm này ra khỏi đời sống chậm chạp, không đạt mục tiêu mong muốn.

Còn đó những "Chí phèo"

Vừa rồi tôi đi qua vùng ven thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn thấy những lò gạch thủ công nhả khói. Hỏi người dân vì sao những lò gạch gây ô nhiễm này vẫn còn hoạt động, họ trả lời: "Chúng tôi kêu mãi rồi, cái đó phải hỏi chính quyền". Không chỉ có Yên Lạc mà dọc theo các con đường chúng tôi đi qua như Phú Thọ, Tuyên Quang cũng nhìn thấy khói từ những lò gạch, lò vôi thủ công tỏa ra và trong đầu cứ nghĩ mãi mấy từ "hỏi chính quyền".

Sau Quyết định số 567 của Thủ tướng, chính quyền các tỉnh, thành đều vạch lộ trình loại bỏ lò gạch thủ công truyền thống, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu than, dầu, khí. Với loại lò thủ công truyền thống, lò cải tiến, các tỉnh thành đều có quyết định loại bỏ trong những năm 2013, 2014, 2015, một số tỉnh miền núi kéo dài tới hết năm 2016. Nhưng hiện tại, tỉnh, thành nào cũng còn nhiều lò gạch theo kiểu truyền thống hoặc lò cải tiến bị cấm hoạt động từ những năm trước vẫn lén lút hoạt động, khi bị phát hiện họ lấp liếm, "lò của tôi là lò cải tiến, Chính phủ nói tới năm 2020 mới cấm hết cơ mà". Còn với những ông chủ lò kiểu "Chí phèo" thì bất chấp lệnh cấm, ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn gây gổ với những người thực thi công vụ.;

Với loại lò đứng liên tục, lò vòng, tùy theo điều kiện của từng địa phương quyết định loại bỏ vào các năm 2016, 2017, 2018, 2019, để đến 2020 trên cả nước xóa sổ toàn bộ các lò gạch nung, chuyển sang sản xuất gạch không nung. Xin đơn cử vài ví dụ để cùng nhau hình dung lộ trình xóa lò gạch nung đầy trắc trở: Với Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, các lò gạch đặt gần các thị tứ, thị trấn hết năm 2016 phải xóa sổ. Hà Nội đặt kế hoạch hết năm nay các lò gạch thủ công phải chuyển sang gạch không nung. Vậy chỉ còn hơn 1 tháng nữa, các đơn vị sản xuất gạch thủ công, gạch nung bằng công nghệ cải tiến phải dừng hoạt động. Nhưng theo thông tin mà chúng tôi có được, rất ít tỉnh, thành thực hiện đúng lộ trình.

Đơn cử như các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Quốc Oai, Hà Nội khi cán bộ đi đôn đốc các chủ lò gạch triển khai kế hoạch, chính quyền địa phương và chủ lò đề xuất "xin gia hạn" tiếp tục sản xuất tới hết năm 2018. Một số xã, huyện của các tỉnh, thành khác cũng vậy. Họ đưa ra đủ lý do có vẻ chính đáng như: Xóa bỏ các lò gạch này thì hàng nghìn người lao động ở nông thôn biết làm việc gì; Đang xây dựng nông thôn mới nhu cầu gạch lớn lắm, các loại gạch không nung không đáp ứng nổi thị trường nên xin tiếp tục sản xuất; Vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở, nay chưa hoàn được vốn, ngừng sản xuất lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng rồi sẽ lâm vào tình trạng vỡ nợ; Cơ sở tôi còn ít nguyên vật liệu phải làm hết, nếu ngưng sản xuất thì lãng phí quá v.v... 

Nguyên nhân dẫn tới các lò gạch thủ công phớt lờ lệnh cấm, các lò sắp đến thời hạn phải đóng cửa xin gia hạn, là do:

- Sự vô ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp này, họ chỉ chạy theo lợi ích kinh tế, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, trung bình chi phí xây mỗi lò gạch cải tiến thường mất từ 300 – 500 triệu đồng, tùy thuộc quy mô lò to hay nhỏ. Tiền tu sửa lò hàng năm mất khoảng 50 -70 triệu đồng. Do mức chi phí đầu tư lớn như vậy nên bất chấp lệnh đóng cửa lò của cấp có thẩm quyền, các chủ lò vẫn cứ đốt để hoàn vốn và kiếm lời. Nếu bị phát hiện vi phạm, theo mức xử phạt hành chính, các chủ lò bị phạt nặng nhất là từ 20 -30 triệu đồng/lần đốt. Số tiền này là nhỏ so với lợi nhuận họ thu được từ hàng chục vạn gạch ra lò.

- Các cấp chính quyền buông lỏng quản lý. Xin trích vài dòng của một facebooker khi hỏi chuyện một người về lò gạch: "Tôi không hiểu hết luật lệ môi trường, nhưng cứ ra quê tôi Nam Sách, Hải Dương mà xem, hàng ngày UBND xã cho phát loa truyền thanh cấm đào đất, đốt gạch, vậy mà lượng xe chở đất, than củi... mỗi ngày vào các lò lại một tăng. Những cánh đồng gần lò gạch, lúa, hoa mầu không phát triển được vì ô nhiễm. Quê tôi có còn chính quyền không nhỉ?" . Một số địa phương khi xây dựng các công trình có vốn nhà nước vẫn dùng gạch nung trong khi tuyên truyền cho dân hãy dùng gạch không nung. Việc làm này chẳng khác gì "nối giáo cho giặc". Ban hành một chủ trương nhưng chính quyền các cấp không thường xuyên theo sát xem chủ trương này, chính sách kia đi vào cuộc sống ra sao, mãi tới khi gần tới thời hạn phải báo cáo cấp có thẩm quyền mới nháo nhào kiểm tra, và không loại trừ tiêu cực - nhận tiền lót tay để bỏ qua sai sót, hoặc nhận phạt để được tồn tại.

- Chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư với chủ trương này. Nhiều người là trưởng xóm, trưởng bản, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng chi hội Nông dân, Phụ nữ... biết trên địa bàn mình có lò gạch thủ công vi phạm nhưng làm ngơ, vì quanh đi quẩn lại cũng là anh em, bà con láng giềng, để đất sống cho họ.

Gia hạn cho chủ lò là "ân hạn" cho ô nhiễm!

Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, tại kỳ họp Quốc hội ngày 4/11/2016 đã phải thốt lên: "Ô nhiễm môi trường đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa". Sau sự cố môi trường Formosa các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp và mạnh tay xử lý hơn với những dự án lớn gây ô nhiễm, nhưng còn nhiều nhà máy, công trình quy mô nhỏ, trong đó có lò gạch nung, gây ô nhiễm vẫn chưa được chính quyền cơ sở xử lý đúng mức, hoặc làm ngơ. "Không chịu thêm được nữa" thì chỉ còn cách gồng mình lên mà hành động để ngăn ô nhiễm vượt ngưỡng, đồng thời kéo giảm ô nhiễm xuống, tiến tới loại bỏ nó trong cuộc sống của cộng đồng.

Loại bỏ gạch nung, thay vào đó là loại gạch không nung sử dụng công nghệ mới để giảm bớt ô nhiễm môi trường là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, hợp lòng dân đã được ban hành cách đây 6 năm. Các tỉnh, thành đều đã có kế hoạch, lộ trình thực hiện, hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ chuyển đổi sản xuất phù hợp với từng cơ sở, nay xin gia hạn cho loại hình sản xuất gây ô nhiễm, đe dọa sự sống của chính gia đình mình, cho xã hội, thật khó chấp nhận! Hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền, những người thực thi công vụ phải tỏ rõ bản lĩnh của mình, nói "không" với gạch nung bằng các biện pháp:

- Xử lý không nương tay với các chủ lò gạch truyền thống, lò cải tiến vượt rào, nhất là với chủ lò thuộc loại "Chí phèo", đề nghị cấp thẩm quyền cho tăng mức tiền phạt cao hơn, không chỉ mức 20-30 triệu đồng như hiện nay, mới đủ sức răn đe các chủ vi phạm.

- Không nên gia hạn với các chủ lò gạch đã đến lúc phải ngừng sản xuất. Nếu chúng ta thêm hạn cho họ nghĩa là ta đã "ân hạn" cho sự ô nhiễm, và vô hình trung tạo ra khe hở của kỷ cương, pháp luật. Ông chủ này xin gia hạn được, sao tôi lại không? Địa phương này cho phép gia hạn với chủ lò, sao đia phương tôi lại không? Nếu chủ lò nào thật sự khó khăn về sinh kế khi phải dừng hoạt động, các cấp chính quyền, các hội đoàn cơ sở phải tìm cách giúp họ vượt qua. Hành động như vậy là tăng cường tình đoàn kết, tương thân tương ái và góp phần tích cực thực thi kỷ cương, phép nước về bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.

                                                                                                          Đ.Ngọc

Chủ đề khác