VnReview
Hà Nội

Đằng sau những vụ hăm dọa, đuổi đánh tài xế GrabBike

Tổng cộng đã xảy ra ít nhất 65 vụ tài xế GrabBike bị tài xế xe ôm truyền thống hăm dọa, đuổi đánh… trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015-11/2016. Con số này so trên hàng vài chục ngàn tài xế GrabBike cho ra một tỉ lệ rất nhỏ. Nhưng, đã đến lúc không thể xem đây là vấn đề nhỏ nữa. Ẩn trong những vụ hăm dọa, đuổi đánh này, là những con sóng ngầm…

Một vụ xô xát giữa tài xế GrabBike (mặc đồng phục) với tài xế xe ôm thường. Ảnh cắt từ clip

Những vụ tài xế GrabBike bị hăm dọa đuổi đánh diễn ra trên địa bàn khá rộng tại TPHCM, như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình; 18 vụ), khu vực bến xe An Sương (huyện Hóc Môn; 15 vụ), khu vực vòng xoay Cống Quỳnh - Phạm Ngũ Lão (quận 1; 10 vụ), khu vực bến xe Phương Trang - Lê Hồng Phong (quận 5; 7 vụ), khu vực trạm xe buýt Bến Thành, Công viên 23/9 (quận 1; 4 vụ), và 11 trường hợp khác rải rác ở các khu vực Đại học RMIT (quận 7), Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, quận Tân Phú, quận 6, quận 8, quận Bình Thạnh…).

Hầu hết các vụ hăm dọa, đuổi đánh, xô xát được cho rằng vì tài xế GrabBike (có đồng phục) tranh bến bãi, "hất đổ chén cơm" của xe ôm truyền thống. Tuy nhiên đây chỉ là lập luận từ một phía. Vì trên thực tế, hai phương thức gọi xe và đặt xe hoàn toàn khác nhau. Xe ôm truyền thống thì cần đến bến bãi, địa bàn, xếp tài, hoặc có cuốc chạy nào được gọi qua điện thoại thì cũng là khách quen hay thường xuyên. Trong khi đó "xe ôm kiểu mới" GrabBike nhận đặt xe của khách chủ yếu qua smartphone. Khi nhận được cuộc đặt xe, tài xế GrabBike mới chạy tới điểm đón khách.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Grab Việt Nam – trong cuộc họp báo chia sẻ về vấn đề này cho biết:;"Tình hình tài xế GrabBike bị hăm dọa, đuổi đánh càng ngày càng gia tăng đến mức căng thẳng. Chúng tôi không ủng hộ bạo lực và đã khuyến cáo tài xế GrabBike không được bột phát dùng bạo lực, tuy nhiên, số vụ tài xế GrabBike bị hăm dọa, hành hung xảy ra ngày càng dày hơn trước". Cũng theo ông Tuấn Anh, trong trường hợp nếu tài xế GrabBike không kìm chế, thì với khoảng 20.000 tài xế GrabBike tại TPHCM hiện nay tụ tập thành nhóm để chống cự, đáp trả lại, thì tình hình sẽ rất khó lường. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhập cuộc nhanh chóng để giải quyết vấn đề.

Người đời nhìn vào hiện tượng tài xế GrabBike bị đánh thường lí giải theo hướng "dễ hiểu" rằng do tài xế xe ôm truyền thống bị "cướp cơm chim". Và câu chuyện này chẳng còn mới mẻ gì trong xã hội từ xưa tới nay. Ngay trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng ôtô, Grab và Uber cũng đang được cho rằng "cướp cơm chim" của taxi truyền thống, tạo ra một dư luận xã hội lệch lạc về các phương thức kinh doanh mới ưu việt dựa trên nền tảng công nghệ được gọi là O2O (Online to Offline).

Và chính các "nạn nhân" - những tài xế xe ôm truyền thống, các doanh nghiệp taxi truyền thống, càng muốn lập luận cứng rằng đang có một sự cạnh tranh không lành mạnh (tất nhiên yếu tố Uber không chịu đóng thuế đã làm vấy bẩn loại hình vận tải hành khách thông qua đặt xe bằng ứng dụng di động), và muốn các cơ quan chức năng xác lập lại trật tự vốn dĩ từ trước tới nay họ là "vua" trên thị trường.

Nhưng nghĩ cho cùng, đó chỉ là những cách nói khỏa lấp, lập luận che đậy những điểm yếu, khuyết nhược.

Bởi muốn làm rõ vấn đề để nhìn thấy nguyên nhân thực sự ở đâu, cần phải trả lời rốt ráo câu hỏi: Vì sao xe ôm truyền thống bị "cướp cơm chim", bị "hất đổ chén cơm", còn taxi truyền thống thì bị mất thị phần?

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang diễn ra trên toàn cầu, như một cơn bão cuốn bay tất cả những gì không thể trụ vững. Bởi trong thời đại O2O di động hóa cao độ từ Mobile First đã tiến tới Mobile Only, nhiều giá trị mới đã được xác lập với hiệu quả được định vị khác biệt có lợi cho tất cả các bên, trong đó đặc biệt là hướng đến người tiêu dùng. Điều đó lí giải vì sao được người tiêu dùng quan tâm đón nhận.

Bình thường khi chúng ta muốn đón một xe ôm truyền thống, vấn đề đầu tiên gặp phải là bị hét giá trên trời, phong cách tài xế thì luộm thuộm, lái xe thì tùy hứng, lộ trình khó lường và thông tin về tài xế, hành trình, hành khách gần như chỉ có 2 người biết với nhau (nhưng tài xế thì biết chủ động, còn hành khách thì biết trong bị động). Trong khi đó, đặt xe ôm qua ứng dụng di động, xe đến đón tận nơi, giá cả rẻ hơn từ 40-50% vì đã được công ty qui định và tài xế không có quyền tăng thêm, tài xế lịch sự chu đáo, hành trình được giám sát chặt chẽ qua hệ thống công nghệ với định vị GPS. Bản thân hành khách có thể gửi tất cả thông tin về chuyến xe, về tài xế cho người thân để cùng giám sát, vì thế độ an toàn cao hơn, hành khách cũng như người thân của họ yên tâm hơn. 

Cần nhắc lại một trường hợp điển hình là vụ nữ giám thị Phạm Thị Oanh (23 tuổi, quê ở Hà Nam, sinh viên năm 4, Đại học Sư phạm Huế) sau khi hoàn thành việc coi thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Hà Tĩnh và đáp taxi đến một nhà thờ thì bị tài xế sát hại. Phải gần 2 ngày sau, nghi phạm cũng chính là tài xế taxi mới bị bắt giữ.

Trong trường hợp này, nếu phương tiện vận chuyển là taxi được gọi qua ứng dụng di động, thì tất cả dữ liệu về tài xế cũng như thông tin về hành trình chuyến xe đã được hệ thống lưu giữ và có thể truy xuất trong tích tắc (và tài xế biết điều đó), thì sẽ góp phần hạn chế được những hành vi phạm pháp.

Tất cả những dữ liệu, thông tin của ngành kinh doanh O2O đang được hoạch định trong phạm trù dữ liệu lớn (Big Data). Và tùy vào cách phân tích, ứng xử với những dữ liệu lớn đó mà đưa ra cách quản lí doanh nghiệp, điều hành dịch vụ và chăm sóc khách hàng tối ưu nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thích ứng và biết ứng dụng công nghệ là chìa khóa tạo ra khác biệt trong cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh doanh vượt trội, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ gạt ra bên lề những đối tượng không kịp thích ứng với sự tiến triển của công nghệ. Và như chúng ta đã và đang thấy, không ít những gì thuộc về phương thức kinh doanh truyền thống đang bị "cướp cơm chim", mất thị phần chính từ nguyên nhân sâu xa này. Và việc hăm dọa, đuổi đánh… chính là chỉ dấu của sự bất lực, vô vọng chứ chẳng cứu vãn được gì.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác