VnReview
Hà Nội

SIM “rác” có “dây mơ rễ má” với lợi ích cục bộ

Con số hơn 10,7 triệu SIM kích hoạt sẵn tại các kênh phân phối/đại lí SIM số trên thị trường đã bị khóa cho thấy nhiều điều.

Thứ nhất là sự dễ dãi, bắt tay nhau giữa các nhà mạng và kênh phân phối bỏ mặc người dân đau đầu với SIM "rác" - tin nhắn "rác" suốt một thời gian dài. Thứ hai, ở chừng mức nào đó, trong thời gian qua cơ quan quản lí đã buông xuôi. Thứ ba, một món lợi kết nối giữa nhà mạng với các đại lí, lại gợi nhớ đến vụ việc nhức nhối Sam Media mà nhà mạng cũng đã thu lợi không ít.

Chỉ khác là, trong vụ việc Sam Media, số nạn nhân đong đếm được gần 94.000 thuê bao di động với số tiền Sam Media bỏ túi và chia chác với các bên là 230,5 tỉ đồng (tất nhiên tới giờ thì vụ việc này dường như đã chìm xuồng). Còn trong đại nạn SIM "rác" - tin nhắn "rác", nạn nhân là hầu hết người dùng điện thoại di động, hiện lên đến khoảng 140 triệu thuê bao trên cả nước. Và ròng rã hàng chục năm qua, tin nhắn "rác" phát tán vô tội vạ, gây thiệt hại về kinh tế khó đong đếm được, nhưng sự ảnh hưởng của nó đến lòng tin người dùng, đến trật tự trị an, mới càng khó lường hết.

Chỉ trong một tháng "truy quét" và áp lực đến từ vị tư lệnh ngành thông tin và; truyền thông - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đã lòi ra con số hơn 10,7 triệu SIM kích hoạt sẵn. Nếu làm mạnh làm căng hơn nữa, không biết còn lòi ra thêm những con số "chết người", "gây choáng" gì nữa đây? 10,7 triệu SIM kích hoạt sẵn, khách hàng bất kì cứ bỏ ra từ vài chục đến khoảng trăm ngàn đồng, là có ngay SIM để sử dụng, cho cả những việc mờ ám, đen tối, phạm pháp… 10,7 triệu SIM kích hoạt sẵn - 10,7 triệu mối lo ám ảnh người dùng di động và xã hội. Còn tin nhắn "rác" ư? Từ 10,7 triệu SIM kích hoạt sẵn này có thể xả xoành xoạch ra hàng tỉ tin nhắn "rác" mỗi ngày.

Từ góc nhìn bảo mật, chuyên gia Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Công ty An ninh mạng Athena – cho rằng: "SIM "rác" với việc không thể quản lý thông tin người dùng đã vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc an ninh thông tin". Và chuyên gia  Võ Đỗ Thắng cũng nhấn mạnh đến vấn đề mấu chốt: Để dẹp được SIM "rác" trước hết phải quản lí được, kiểm soát được nhà mạng.

Vì sao lâu nay nhà mạng chưa bị quản lí, kiểm soát chặt? Dễ hiểu thôi: Do chưa kiên quyết. Vì sao chưa kiên quyết? Do xuê xoa, nương tay trong xử lí. Dư luận đã nhiều lần đặt vấn đề rồi: Đành rằng nhà mạng lãi nhiều thì cũng có những đóng góp lớn trong nộp ngân sách cho nhà nước, nhưng cần phân minh, đóng góp cần được biểu dương khen thưởng nhưng những hành vi sai quấy gây ra những hệ lụy khó lường phải được xử lí nghiêm. Các nhà mạng lớn có "dây mơ rễ má" và có mối "giao hảo" nhất định với các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ. Nếu có xảy ra sự khó xử lí kiên quyết sai phạm thì cũng dễ hiểu thôi. Song chấp nhận xuê xoa một lần, hai lần không đồng nghĩa cứ mãi mãi giơ cao đánh khẽ. Khi nào những mối quan hệ "giao hảo"/lợi ích cục bộ chưa được quán triệt không để ảnh hưởng đến việc công và cũng là việc chung lợi ích chung, thì khó có thể xử lí tình trạng SIM "rác" tới nơi tới chốn.

Vì sao trong một tháng qua, tin nhắn "rác" quảng cáo, bán hàng.v.v… đã bớt "suồng sả" đổ vào điện thoại của người dùng? Dễ hiểu thôi: Nhà mạng kiểm soát chặt SIM "rác" thì cũng giúp siết lại tin nhắn "rác". Hơn nữa, sau khi Bộ Thông tin & Truyền thông "đánh tiếng" sẽ mời cơ quan công an vào cuộc điều tra, thì các cá nhân, tổ chức xả ra tin nhắn "rác" đã phần nào chùn tay. Đó là mới "đánh tiếng" thôi, nhưng trong một động thái quyết liệt hoàn toàn khác với trước kia.

Trong chiến dịch dẹp loạn SIM "rác" đang diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ chủ yếu thuộc về cơ quan chức năng đã đành. Nhưng từ phía người dùng, thiết nghĩ cũng có thể có những đóng góp thiết thực từ quyền tiêu dùng của mình. Người dùng kê khai thông tin đúng và chính xác là cách đóng góp đầu tiên để dẹp loạn SIM "rác" trong đó hệ lụy nó gây ra có ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người. Nhưng cao hơn, có thể dùng quyền tiêu dùng của chính mình để "nói không" với những nhà mạng xả ra nhiều tin nhắn "rác".

Khoảng ba năm trở lại đây, Hà Nội và TPHCM khá đều đặn trong việc đưa ra danh sách thuê bao thường xuyên xả ra tin nhắn "rác" để yêu cầu nhà mạng liên quan cắt dịch vụ. Công việc này nhất thiết cần phải làm thường xuyên hơn, dày hơn, và có báo cáo Bộ Thông tin & Truyền thông để giám sát. Những cá nhân/tổ chức nào xả ra nhiều tin nhắn "rác" và nhiều lần vi phạm thì cần phải bị xử lí để làm gương, thậm chí dùng chế tài cấm cung cấp dịch vụ cho đối tượng vi phạm trên tất cả các mạng (như cấm bay bên lĩnh vực hàng không).

Quyết liệt nhưng phải từ nhiều phía. Làm quyết liệt không chỉ nhằm xử lí các nhà mạng, kênh phân phối SIM số mà còn phải nâng cao được nhận thức và cải thiện được ý thức của người dùng di động.  

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác