VnReview
Hà Nội

GDP, năng suất lao động và khoa học công nghệ - một “vòng tử sinh”

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Nói cách khác, năm 2015, gần 23 người Việt Nam có năng suất làm việc bằng 1 người Singapore. Nghe tin đó như dội gáo nước lạnh vào niềm tự hào "người Việt vốn cần cù và thông minh". Vì sao lại như vậy?;

Mức hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp quá thấp!

"Năng suất lao động là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc, hoặc trên mỗi giờ lao động". Theo định nghĩa trên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì nước nào có GDP lớn hơn sẽ có năng suất lao động cao hơn. Và các nhà kinh tế đã từng vạch ra hàng loạt nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động (NSLĐ) xã hội của nước ta thấp, như việc tổ chức lao động chưa khoa học; hệ thống đào tạo thiên về lý thuyết hơn là dạy kỹ năng... Nhưng nguyên nhân sâu xa, cốt lõi là do trình độ hấp thu khoa học công nghệ (KHCN) của ta thấp và lạc hậu. Vì thế có thể ví GDP - NSLĐ - KHCN như "một vòng tử sinh", phụ thuộc vào nhau: GDP sẽ không tăng, hoặc thụt lùi khi không có NSLĐ, thiếu hàm lượng KHCN trong chuỗi sản phẩm, ngược lại KHCN không phát triển nếu GDP không được trích một phần thích đáng để đầu tư cho nghiên cứu khoa học, NSLĐ không thể tăng cao nếu vẫn được vận hành thô sơ, thiếu quy trình khoa học. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013, mức độ hấp thụ công nghệ của nước ta rất thấp: 98/133, năm 2014-2015 năng lực cạnh tranh có được cải thiện, đứng thứ 56/140 quốc gia, nhưng mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp xếp thứ 121/140.

Nhiều nguyên thủ quốc gia đã từng nói: "Trong giai đoạn hiện nay, sự cạnh tranh của một quốc gia chính là sự cạnh tranh của KHCN và làm chủ công nghệ". Nhà nước ta ý thức rất rõ điều đó nên đã tạo nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển KHCN, như: Đặt hàng cho doanh nghiệp nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo ra những sản phẩm phục vụ thiết thực cho đời sống; Khuyến khích doanh nghiệp trích doanh thu lợi nhuận hàng năm để đầu tư vào phát triển KHCN; Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao… Và một số doanh nghiệp đã thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KHCN như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), năm 2010 đã thành lập Viện nghiên cứu riêng, theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển KHCN, tương đương với 2.500 tỷ đồng, nên đã tạo ra nhiều sản phẩm mới. Hay Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed) đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với quy mô hàng chục hecta, đầu tư cả trăm tỷ đồng cho một số dự án nghiên cứu, nhờ đó Công ty đã lai tạo thành công hàng trăm cặp lai mới, khảo nghiệm hàng ngàn giống cây trồng mới, đưa Thaibinh Seed trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng ở nước ta. Đây là những minh chứng hùng hồn: khi doanh nghiệp nhận thức đúng về vai trò của KHCN và biến nó thành hành động cụ thể, thì có NSLĐ cao, kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Trao đổi với tiến sĩ Trần Bình An, Giám đốc Công ty công nghệ phát triển Tây Nguyên, ông nói: "Hàng năm, Nhà nước vẫn dành khoảng 2% GDP cho KHCN là sự cố gắng rất lớn. Nhưng so với các nước phát triển thì con số đó còn rất nhỏ. Ở các nước, Chính phủ chi 1 đồng cho KHCN thì xã hội bỏ ra 4-5 đồng, nên tổng chi cho KHCN thường chiếm 4 - 5% GDP".

Vốn nhà nước chi cho KHCN nói là ít, nhưng tôi xem các báo cáo của Tổng kiểm toán nhà nước thấy, những năm trước đây, ngành nào cũng chi vượt, chỉ thấy vốn chi cho KHCN không hết. Tôi đưa ra câu hỏi đó, ông An nói: "Nhưng thực tế, rất ít doanh nghiệp trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ Phát triển KHCN như quy định, nhiều doanh nghiệp trích rồi chẳng biết làm gì đành trả lại ngân sách nhà nước. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ nên có trích 10% lợi nhuận cũng không đủ để họ đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới".

Nghiệm lại thực tế cũng thấy, nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn còn "cạnh tranh dựa vào các chính sách ưu đãi", thậm chí có sự bao cấp của Nhà nước về vốn, mặt bằng, tín dụng... nên còn "sống được", và họ chẳng cần đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền tiên tiến nhằm tăng NSLĐ. Vấn đề đặt ra là mỗi doanh nghiệp tự phải ý thức: Đổi mới dây chuyền sản xuất tiến tiến, áp dụng tiến bộ KHCN để tăng chất lượng sản phảm, tăng NSLĐ là chuyện sống còn. Về phía Nhà nước nên xem lại mức 10% trích từ lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KHCN đã hợp lý chưa? Có thể tăng cao hơn?

Niềm hy vọng mới...

Cách đây 1 năm, ngày 30/12/2015, Chính phủ cho triển khai Thông tư số 27- Khoán chi nghiên cứu KHCN trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Chủ trương này đã và đang là động lực thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN.Tiếp đó là Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và cho phép thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia - vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, bắt đầu hoạt động năm 2016. Quỹ đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, có dự án khả thi và tạo ra được sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong năm 2017,  Quốc hội có thể sẽ thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với việc thành lập những Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ. Có thể nói, đó là những "cú huých" góp phần vào sự tăng trưởng GDP, tăng NSLĐ toàn xã hội, đó cũng tạo ra niềm hy vọng cho doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung - những người được hưởng lợi từ đầu tư cho KHCN.

Còn với NSLĐ cá nhân thì sao? Đó là sức sản xuất của cá nhân người lao động, được đo bằng tỷ số số lượng sản phẩm (hoặc sản phẩm quy đổi) với thời gian lao động để hoàn thành số sản phẩm đó. NSLĐ cá nhân phụ thuộc vào bản thân người lao động. Nếu người lao động có trình độ học vấn sẽ tạo ra khả năng tư duy và sáng tạo cao, tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ KHCN vào sản xuất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các công cụ sản xuất để tạo ra năng suất.

 Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng, hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng nhận định: "Lao động Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ hiện đại không thua kém các quốc gia, trong khi chi phí chỉ bằng 1 phần 10 hoặc 1 phần 20 nước khác". Bằng chứng:"Năm 2013, nhà máy Samsung ở Bắc Ninh đã xuất khoảng 130 triệu điện thoại di động và thiết bị khác, trị giá gần 24 tỷ USD. Trong đó, họ sử dụng 45.000 lao động và chỉ có 70 người Hàn Quốc. Công ty này cũng quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu tại Singapore và thành lập tại Việt Nam với khoảng 3.000 người, vì các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của họ và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore".

 Anh Hoàng Văn Nam, hiện là Giám đốc một công ty xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, có thời gian đại diện cho FPT quản lý lao động Việt Nam ở Nhật Bản, so sánh: "Cùng một anh kỹ sư, khi đưa sang Nhật làm theo đúng quy định giờ giấc, quy trình làm việc của Nhật thì NSLĐ của anh ta đã tăng gấp 3-4 lần so với khi làm việc ở Việt Nam". Người Việt Nam mình rất cần cù, thông minh, chiếm nhiều giải trong các kỳ thi các môn khoa học cơ bản, thi tay nghề quốc tế. Nếu ta học người Nhật ai cũng thực hiện nghiêm minh kỷ luật lao động và người quản lý đưa ra quy trình lao động hợp lý, NSLĐ tất sẽ tăng lên.                                                          

Đ.Ngọc

Chủ đề khác