VnReview
Hà Nội

“Thế giới tự do” thấm đòn tin giả, Facebook, Google mới chịu ra tay…

Những thông tin gần đây cho thấy các đại gia mạng xã hội và Internet như Facebook, Google ngày càng hứng chịu nhiều hệ lụy của tình trạng tin giả (fake news), tin sai sự thật (false news).

Nước Mỹ - một quốc gia thường được gọi theo cách đề cao là "thế giới tự do" trong đó đặc biệt là tự do ngôn luận, gần đây đã thấm đòn trước tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên nền tảng mạng xã hội như các trang Facebook, Google.

Theo The New York Times, cựu Tổng thống Obama đã từng gặp CEO của Facebook với thái độ phàn nàn, thậm chí chỉ trích về những tin tức giả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 được lan truyền trên mạng xã hội Facebook. Và cách đây vài ngày, chính CEO Mark Zuckerberg cũng đã phải thừa nhận điều này.

"Thế giới tự do" thấm đòn tin giả bởi tâm điểm được cho rằng những thông tin lan tỏa trên Facebook cuối năm 2016 trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuối cùng đã khiến bà Clinton thúc thủ trước ông Trump. Đây là một thực tế thật khó chấp nhận bởi chúng ta biết vào kì bầu cử Tổng thống Mỹ 2008, ông Obama đã tận dụng Internet và mạng xã hội hiệu quả như thế nào góp phần vào chiến thắng, và cũng chính Internet và mạng xã hội khi ấy đã giúp ông quyên góp được quỹ tranh cử nhiều hơn bất kì ứng cử viên tổng thống nào trước đó từ những khoản đóng góp nhỏ nhoi từ những người dân nghèo. Thế nhưng 8 năm sau, chính nền tảng mạng xã hội trên Internet với tình trạng tin giả đã khiến một trợ thủ của ông trước đây và được ông ra sức ủng hộ, bị thất cử tổng thống.

Nước Mỹ đã bắt đầu tuyên chiến với tin giả. Facebook, Google, và nhiều cái tên khác, gần đây đã ban hành các qui trình nhận biết tin giả giúp người dùng phân biệt; cung cấp các công cụ để người dùng kịp thời báo cáo về tin giả… Trong khi Facebook cùng với một số doanh nghiệp internet tại Mỹ bỏ ra bước đầu 14 triệu USD cho một dự án kiểm soát tin giả thì Google đã tuyển dụng một nhân sự cao cấp để chuyên trách vấn đề này. Hai ông lớn này đã bị phạt tổng cộng 50 triệu USD vì những tin giả, tin sai sự thật, nhưng có lẽ đó chưa phải là những hệ lụy hay hậu quả cuối cùng của một cách làm ăn lâu nay chỉ quan tâm đến lượng người dùng, người xem; doanh thu quảng cáo và lợi nhuận; mà bỏ mặc vấn đề nội dung xấu, nội dung xuyên tạc, bịa đặt và giả tạo.v.v… tấn công người dùng và xâm phạm đời tư, xúc phạm hình ảnh người khác.

"Thế giới tự do" đang bất an trong làn sóng tin giả, tin sai sự thật! Facebook, Google phải "ra tay" dẹp loạn không phải chỉ vì e sợ những khoản phạt lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD mà nguy cơ lớn hơn là một ngày nào đó người dùng chán ngán xa rời các mạng xã hội, dẫn đến doanh thu của họ suy giảm. Đặc biệt, trong môi trường đầy rẫy tin giả, tin sai sự thật, các doanh nghiệp cũng sẽ không còn đủ kiên nhẫn tiếp tục quảng cáo khi chính môi trường đó làm vấy bẩn và ảnh hưởng đến thương hiệu của họ.

Phản ứng này đã xảy ra cách đây chưa lâu khi một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã rút quảng cáo khỏi YouTube vì bị xuất hiện trong các clip thông tin xuyên tạc, phản động… và đến bây giờ các doanh nghiệp này vẫn chưa quay trở lại. Sau đó, phía Google đã có cuộc làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông. Theo báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử, tính đến đầu tháng 4/2017, Bộ đã yêu cầu YouTube hạ, chặn được hơn 1.100 clip có nội dung độc hại.

Suốt hàng chục năm qua, ngay thời Yahoo! còn thịnh hành, các đại gia internet đến từ "thế giới tự do" chẳng mấy khi chịu lắng nghe những phản ánh về nội dung xấu từ truyền thông và cơ quan quản lí tại Việt Nam. Phải đến khi chính các doanh nghiệp khách hàng của họ phản ứng bằng cách rút quảng cáo, trước một tương lai thất thu liên quan đến "nồi cơm" hàng triệu, hàng tỉ USD, Google đã phải chịu lắng nghe và đưa ra giải pháp dần khắc phục dù mới chỉ giải quyết được 0,000…%. Tiếp theo Google, Facebook mới đây cũng cử đại diện là bà Monika Bickert – Giám đốc Chính sách nội dung toàn cầu của Facebook – đến Việt Nam làm việc và đã cam kết với Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ dỡ bỏ thông tin độc hại trên mạng xã hội này.

Facebook còn "chảnh" còn làm cao hơn Google gấp nhiều lần nhưng vì sao họ phải thay đổi thái độ? Trước hết là giới lãnh đạo Facebook đã thấm đòn, đã nhận ra những hệ lụy của tin giả, tin sai sự thật từ ngay trong lòng nước Mỹ, và từ đây họ phải triển khai một chiến dịch toàn cầu triệt quét tin giả, tin sai sự thật. Thứ nữa, Google đã phải lắng nghe, nếu Facebook tiếp tục chảnh chọe sẽ mang tiếng xấu vô trách nhiệm với quốc gia, cộng đồng nơi mà hàng năm họ thu về hàng trăm triệu USD từ doanh thu quảng cáo. Thứ ba, đến một lúc nào đó, cơ quan quản lí tại Việt Nam xử rắn, Facebook sẽ chuốc thiệt hại rất lớn.

Facebook hiện có 48 triệu người dùng tại Việt Nam trong đó có 45 triệu người dùng trên di động. Google cũng có hàng chục triệu người dùng các sản phẩm như Gmail, Google Search, Google Chrome, Google Drive, YouTube, Google Maps… tại Việt Nam. Hai đại gia này cũng đang thâu tóm từ 80-85% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam với giá trị hàng trăm triệu USD. Trong khi đó ở nước Mỹ, Facebook và Google được cho rằng cũng đang thâu tóm đến 99% trên tổng doanh số quảng cáo trực tuyến hàng chục tỉ USD. Họ đang kinh doanh, đang giàu sụ nhờ người dùng không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn cầu nhưng lâu nay lại thiếu trách nhiệm đối với nội dung và thông tin đăng tải trên nền tảng của họ.

Tại Thái Lan, Uỷ ban truyền thông Quốc gia vừa đưa ra biện pháp mạnh buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải chặn các website đăng tải thông tin xấu và độc hại như trên các trang Facebook, YouTube… trong vòng 7 ngày nếu không muốn bị kiểm soát trung tâm dữ liệu, mạng lưới máy chủ và phân phối nội dung cùng với việc xem xét lại giấy phép ISP. Tại Trung Quốc, biện pháp còn cứng rắn hơn rất nhiều, các công ty Internet nước ngoài nếu không tuân thủ qui định thì bị bật sới ngay khỏi thị trường này, như Google đã và đang như vậy, hay như Facebook không thể truy cập dịch vụ tại thị trường hơn 1,3 tỉ dân.

Khi các chính quyền mạnh tay, những Facebook, Google cứng đầu không chịu hợp tác sẽ khó còn đất sống tại những quốc gia đó. Bây giờ họ đã chịu hợp tác cho dù "thiện chí lắng nghe" khởi đầu không phải vì người dùng ở các quốc gia mà chính từ các chỉ trích, phản ứng về tình trạng tin giả ngay trong lòng nước Mỹ.

Thẩm Hồng Thuỵ

 

 

Chủ đề khác