VnReview
Hà Nội

Khi “soái ca” muốn thống soái các “soái ca”

Các đại gia đang thống soái lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng công nghệ dường như chẳng giấu giếm tham vọng lấn sân sang các lĩnh vực khác, và một khi họ dùng nền tảng, kinh nghiệm, nguồn lực này để lấn sang các lĩnh vực khác… cũng có sự thuận lợi nhất định.

Vì sao phải lấn sân?

Khái niệm "lấn sân" ở đây không bao gồm chuyện FPT Shop bắt tay với Vinamilk để bán sữa. Bởi theo tôi đánh giá, đây là một cuộc hợp tác không đủ mạnh mẽ và thiếu nhiều yếu tố, điều kiện, hay nói cách khác thì sữa và công nghệ có vẻ khó "hòa" được vào nhau. Vì thế mà sau hơn 6 tháng trôi qua, cuộc hợp tác này chưa cho thấy có tín hiệu gì khả quan.

Nhưng sự "lấn sân" của Thế Giới Di Động từ mặt hàng điện thoại sang điện máy thì đã cho thấy sự thành công bước đầu. Chuỗi Dienmay.com và sau này được đổi tên thành Điện Máy Xanh, từ một anh lính mới giờ đã vượt qua những Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Điện máy Chợ Lớn, Pico, Trần Anh…, dẫn đầu thị trường cả về doanh số, lợi nhuận và số lượng siêu thị. Họ đã tìm ra phương thức thành công cho chuỗi Điện Máy Xanh và bây giờ một trong những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của họ trong năm 2017 này là phải tìm ra công thức thành công cho chuỗi Bách Hóa Xanh – một sự lấn sân mới sang lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm, thực phẩm được Thế Giới Di Động khai trương trong năm 2016.

Vì sao Thế Giới Di Động liên tục lấn sân sang 2 lĩnh vực mới? Thứ nhất đối với lĩnh vực điện máy, tới thời điểm năm 2010 chưa có chuỗi nào ở Việt Nam chiếm tới 10% thị phần. Có nghĩa là dư địa còn rất lớn và cơ hội đang chờ đón. Thế Giới Di Động với kinh nghiệm, nguồn lực bộ máy và sự gần gũi trong cùng lĩnh vực ngành hàng công nghệ, khi bước sang ngành điện máy không quá bỡ ngỡ. Song; cuộc lấn sân mang tên Bách Hóa Xanh thì khác, hoàn toàn không có gì liên quan tới công nghệ, có chăng là những kinh nghiệm, bài học mà Thế Giới Di Động đã tích lũy được có thể mang ra vận dụng. Họ đã làm theo cái cách họ nghĩ và tính toán: Lĩnh vực bán lẻ hàng nhu yếu phẩm tại Việt Nam có tổng giá trị thị trường khoảng 60 tỉ USD/năm, nhưng chuỗi lớn nhất là Co.op Mart chỉ "đánh chiếm" được hơn 1 tỉ USD/năm, có nghĩa chiếm chưa tới 2%, dư địa còn "khủng" cơ hội còn lớn hơn cả lĩnh vực điện máy. Và điều đáng nói là trong lĩnh vực này không có chuỗi nào đủ tham vọng đi đôi với nguồn lực, kinh nghiệm để có thể đánh chiếm được mục tiêu từ 10-20% thị phần.

Thế Giới Di Động sẽ dần giảm nhịp đầu tư cho hai chuỗi bán lẻ hàng công nghệ vì dung lượng thị trường khoảng hơn 8 tỉ USD năm 2016 và được dự báo tăng lên khoảng 9 tỉ USD năm 2017 đã chật chội và không còn nhiều dư địa, muốn tiếp tục mở rộng và phát triển họ phải tính toán tiếp tục lấn sân sang các lĩnh vực khác.

Cùng "tia" lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng

Trong sự kiện công bố kết quả kinh doanh vào ngày 27/4/2017 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch của Thế Giới Di Động - đã để ngỏ khả năng sử dụng khoản ngân sách 500 tỉ đồng dành cho việc mua bán sáp nhập (M&A) để chọn tiêu điểm đầu tư là thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua việc mua lại chuỗi nào đó. Vẫn một mô-típ nghĩ và làm của Thế Giới Di Động: Thuốc tây là mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu rộng rãi, dung lượng thị trường khá lớn, và đặc biệt là hiện chưa có chuỗi bán lẻ nào chiếm tới 20% thị phần.

Không hẹn mà gặp, nhà phân phối hàng công nghệ khá tên tuổi là Digiworld cũng bày tỏ muốn lấn sân sang lĩnh vực phân phối dược phẩm và thực phẩm chức năng. Digiworld cũng dần gặp giới hạn về dung lượng thị trường phân phối hàng công nghệ đặc biệt là sau khi các chuỗi lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop nhập khẩu trực tiếp một số thương hiệu sản phẩm smartphone, máy tính bảng, laptop…

Dung lượng thị trường dược phẩm tại Việt Nam hiện nay được cho là hơn 3,5 tỉ USD, trong đó có hai mảng lớn là phân phối bán sỉ (hầu hết thông qua đấu thầu) vào hệ thống nhà thuốc bệnh viện và bán lẻ trên thị trường tự do (OTC). Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, nhịp độ tăng trưởng bình quân của thị trường dược phẩm Việt Nam khoảng 16%/năm. Mảng bán lẻ dược phẩm có nguồn lợi nhuận khá ổn định (mức chiết khấu thấp nhất được cho là khoảng 20%) và chưa cạnh tranh đến mức khốc liệt; trong khi mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm chức năng còn có tiềm năng lợi nhuận cao hơn nhiều, và dung lượng thị trường còn khá lớn khi tỉ lệ người dân sử dụng tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 5% dân số trong khi ở các nước phát triển như Mỹ tỉ lệ này lên đến 50-60%.

Bán lẻ dược phẩm lợi nhuận tốt nhưng không cần khuyến mãi như các ngành hàng khác thì vẫn bán được hàng, người tiêu dùng càng không có quyền trả giá. Thêm một yếu tố tác động cực kì quan trọng khác, là riêng lĩnh vực dược phẩm người tiêu dùng ít khi dám mua online vì sợ hàng giả (theo khuyến cáo của WHO có đến 50% dược phẩm bán online là giả), vì vậy càng khiến họ phải đến cửa hàng mua trực tiếp. Thế nhưng hiện nay, thị trường bán lẻ dược phẩm lại chưa có chuỗi nào xứng hàng "soái ca" mà ngược lại việc mở rộng chuỗi khá chậm chạp. Chuỗi lớn nhất cũng có chưa tới 100 cửa hàng, độ phủ hẹp, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Các chuỗi bán lẻ được hình thành theo 3 tuyến: Tuyến của nhà sản xuất, tuyến của nhà phân phối kiêm bán lẻ, tuyến chỉ thuần bán lẻ; còn lại đa phần là các nhà thuốc đơn lẻ. Một yếu tố cực kì thuận lợi nữa là doanh nghiệp nước ngoài không được phép phân phối bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam.

Các chuỗi bán lẻ dược phẩm khá khẩm nhất tại Việt nam hiện nay như Minh Châu, Ngọc Châu, Eco, Dược Hậu Giang… nhìn chung không có khác biệt gì về phương thức hoạt động và cung cách phục vụ so với các nhà thuốc nhỏ lẻ khác, có chăng là qui mô to hơn, cửa hàng bề thế hơn, có nhiều mặt hàng hơn và giá thấp hơn đôi chút mà thôi. Đây chính là điểm yếu, và cũng là nguy cơ bị những nhà bán lẻ sừng sỏ như Thế Giới Di Động "nắm thóp" và xoay chuyển tạo nên lợi thế. Với những nhà phân phối, bán lẻ giàu kinh nghiệm như Thế Giới Di Động, Digiworld theo đuổi triết lí "khách hàng là trung tâm" một cách quyết liệt, khi nhập cuộc chắc chắn sẽ mang đến làn gió mới -chí ít về cung cách phục vụ - trên thị trường bán lẻ dược phẩm.

Có vẻ như, khi các chuỗi bán lẻ hàng tổng hợp, hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, dược phẩm… chưa đủ tham vọng lấn sân thì các "soái ca" phân phối, bán lẻ hàng công nghệ đã đầy toan tính và tăm tia. Và có vẻ như, với những tiềm lực và kinh nghiệm sẵn có, họ không hài lòng với vị trí "soái ca" một ngành hàng hay lĩnh vực trong hiện tại, mà muốn dần đi đến vị trí thống soái các "soái ca", "vua" của các "vua" bán lẻ.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác