VnReview
Hà Nội

Grab, Uber - Từ một góc nhìn khác…

Hiện nay tại Việt nam đã có hai ứng dụng đặt xe qua internet của nước ngoài là Grab và Uber được phép thử nghiệm. Và cũng có thể khẳng định luôn rằng, thị trường vận chuyển hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ hợp đồng điện tử hầu như nằm trong tay hai thương hiệu này. ;

Ủng hộ…

Từ trước tới nay tôi vẫn luôn ủng hộ phương thức đặt xe bằng ứng dụng di động thông qua kết nối internet. Chúng ta xứng đáng được hưởng thụ thành quả ngọt ngào này từ sự phát triển công nghệ của loài người, cũng đồng thời là sự ủng hộ một phương thức cung cấp dịch vụ và kinh doanh mới hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, lái xe và tiết giảm chi phí hơn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, với GrabBike hay UberMOTO, tôi cũng như các bạn không chỉ trả tiền ít hơn thay vì bị những ông xe ôm ở góc phố đầu đường chặt chém, mà thái độ phục vụ cũng lịch sự hơn, từ tốn hơn.

Ủng hộ những Grab, Uber là cũng muốn cho taxi truyền thống phải thay đổi và phát triển chứ không phải độc chiếm một phương thức kinh doanh với giá cước vẫn cao ngất và chỉ giảm nhỏ giọt mỗi khi giá xăng trong nước liên tục giảm.

Ủng hộ nhưng theo tinh thần là Grab, Uber phải kinh doanh một cách lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng và được quản lí đúng với bản chất ngành nghề chứ không chấp nhận sự "núp bóng" trong một vỏ bọc hay chiêu bài khiến cho thị trường taxi phát triển méo mó do cạnh tranh không lành mạnh, nơi thì bị quản lí chặt nơi thì bị thả nổi…

Grab, Uber có kinh doanh vận tải không?

Cho tới thời điểm này, Grab và Uber đều phản bác quan điểm cho rằng họ đang kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô. Lập luật họ đưa ra là, họ chỉ cung cấp ứng dụng kết nối trên nền tảng công nghệ di động, chứ không sở hữu phương tiện, vì thế không có thực hiện công đoạn vận tải, mà việc này do các tài xế xe cá nhân hoặc các tài xế lái thuê cho các chủ xe thực hiện. Chính vì thế lâu nay, Grab và Uber thoát được những qui định, chế tài bắt buộc đối với những doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh vận tải hành khách nói riêng.

Trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP ban hành ngày 10/9/2014 về "kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô", tại "Điều 3: Giải thích từ ngữ" định nghĩa "ngành kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc sử dụng ôtô vận tải hàng hóa, hành khách…; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp". Còn tại khoản 3 của điều này định nghĩa: "Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó".

Với định nghĩa trên, hoạt động của Grab và Uber dù không trực tiếp thực hiện công đoạn vận tải nhưng lại có thực hiện nhiều công đoạn khác tương tự như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô chứ không chỉ "một công đoạn". Thứ nhất, Grab và Uber không chỉ thuần túy cung cấp ứng dụng để kết nối giữa tài xế với hành khách, mà thông qua đó còn điều phối tài xế cùng với phương tiện. Nếu không có sự kết nối và điều phối này, tất nhiên sẽ không khớp được cuốc xe giữa hai bên. Thứ hai, dù các phương tiện và tài xế không thuộc sở hữu hoặc được Grab và Uber trả lương, nhưng rõ ràng họ phải thông qua sự chọn lọc, đánh giá của Grab và Uber mới có thể trở thành đối tác, và cũng phải tuân thủ các qui định do Grab và Uber đưa ra. Thứ ba, cho dù Grab và Uber có thu cước trực tiếp hay không (thu trực tiếp qua các mã giảm giá, thẻ VISA, Grab Pay…; thu gián tiếp bằng tiền mặt thông qua tài xế, và tài xế phải đóng thế chân cho Grab, Uber), nhưng chính họ chứ không phải ai khác ban hành mức cước và điều chỉnh mức cước trong từng thời điểm; áp đặt tỉ lệ ăn chia; bắt buộc tài xế thế chân tiền… Giá cước rẻ hơn là một trong những yếu tố cốt lõi nhất của dịch vụ vận tải tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh giữa dịch vụ Grab, Uber với taxi hay xe ôm truyền thống…

Vậy, những doanh nghiệp có quyền áp đặt giá cước, khống chế tỉ lệ ăn chia, điều phối phương tiện, ban hành luật chơi buộc tài xế/chủ xe phải tuân theo…, thì về bản chất đã có tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh vận tải hay chỉ "hời hợt" ở mức độ cung cấp phương tiện kết nối?

Công nghệ phát triển khiến xã hội đổi thay, thì các phương thức kinh doanh và cung cấp dịch vụ cũng sẽ biến đổi theo. Nghị định 86 chưa kịp cập nhật những phương thức cung cấp dịch vụ và kinh doanh vận tải bằng ôtô kiểu mới như Grab, Uber, vì vậy cần phải sớm cập nhật bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Các bộ ngành cần nhận diện rõ tình hình như vậy để tham mưu cho Chính phủ sớm điều chỉnh các văn bản pháp qui chứ không nên tiếp tục sa đà vào việc tranh cãi Grab, Uber là loại hình dịch vụ gì nữa…

Thử nghiệm = Thả nổi?

Nếu nhìn vào hoạt động của Grab và Uber hiện nay, dường như hoạt động thử nghiệm của xe Grab và Uber đang được thả nổi. Trong khi các hãng taxi truyền thống, đang bị qui hoạch khống chế số lượng phương tiện, thương hiệu nào mỗi lần xin tăng số lượng xe là cực kì khó, thậm chí muốn được việc có thể phải "bôi trơn"; thế nhưng với Grab và Uber hiện nay, về số lượng phương tiện tham gia cung cấp dịch vụ dường như không thể khống chế. Minh chứng sống động nhất cho điều này là câu nói nổi tiếng của Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội – ông Hà Huy Quang: "Chúng tôi không nắm được Uber có mấy ngàn xe. Chúng tôi nài nỉ xin số liệu mà không được".

Chính vì thế mà, sau Đà Nẵng, đến lượt Hà Nội và TPHCM cũng phải lên tiếng xin dừng thí điểm Grab và Uber. Bây giờ, tỉnh thành nào khi nghe tin trung ương cho Grab, Uber thí điểm đề án vận chuyển hành khách thông qua hợp đồng điện tử với ôtô dưới 9 chỗ tại địa phương mình là lại thon thót, vì lo sợ phương tiện Grab, Uber sẽ gây áp lực lên cầu đường dẫn đến ùn tắc giao thông.

Thì đây, cuối 2015, TPHCM chỉ có từ 200-300 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng đường dài. Với sự tham gia và gia tăng mạnh mẽ số lượng xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ chạy hợp đồng chủ yếu từ Grab và Uber, đến tháng 4/2017 TPHCM có đến hơn 22.000 xe thuộc loại dịch vụ này. Khi Grab mới cung cấp dịch vụ, thương hiệu này lập luận ứng dụng đặt xe qua smartphone sẽ giúp giảm áp lực phương tiện lưu thông trên mặt đường vì tài xế không cần lúc nào cũng chạy lang thang kiếm khách, qua đó cũng tiết giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên với thực tế người người, nhà nhà chạy Grab và Uber như hiện nay, cạnh tranh giữa hai thương hiệu, giữa các tài xế ngày càng đông đúc đã trở nên gay gắt, thì lượng xe Grab, Uber xuống đường lang thang để dễ có khách đã khiến cho mật độ giao thông tăng đột biến gây ra ùn tắc giao thông trầm trọng.

Hiện nay sở GTVT một số tỉnh, thành muốn xe Grab, Uber phải có logo, phải gắn phù hiệu, mào chụp để nhận diện. Một chuyện đơn giản vậy nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa quản, trong khi số lượng xe tham gia Grab, Uber mỗi ngày tăng thêm hàng trăm chiếc.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác