VnReview
Hà Nội

Liên kết 4 nhà:“Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan”!

Liên kết 4 nhà là Nhà nước-nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học được đặt ra từ năm 2002. Nhưng 15 qua, mối liên kết này chìm nổi, hợp tan chẳng khác gì thân phận nàng Kiều trong 15 năm lưu lạc. Trách nhiệm của nhà khoa học đến đâu trong mối liên kết này và phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?

Tại cả 4 nhà

Với quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, sự liên kết 4 nhà trong nông nghiệp đã hình thành. Đó là sự liên kết giữa Nhà nước-nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học. Nhà doanh nghiệp và nhà nông là hai đối tượng chính trong chuỗi ngành hàng nông sản; trực tiếp sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhiệm vụ của nhà khoa học không kém phần quan trọng: Họ phải nghiên cứu các giống vật nuôi, cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, miền; Nghiên cứu quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch sao cho tốt nhất; đưa máy móc, công cụ giải pháp sản xuất phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong nước và khu vực; Huấn luyện đào tạo nhà nông tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Những năm đầu thực hiện liên kết 4 nhà tỏ ra có hiệu quả. Người dân được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể các khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch; Doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm giúp bà con yên tâm sản xuất. Nhưng chỉ thời gian sau mối liên kết này lại lỏng lẻo, nhiều mô hình liên kết tan vỡ.

Đơn cử mô hình trồng gấc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thực hiện được triển khai tại một số xã của huyện Yên Sơn và Hàm Yên đạt được kết quả tốt, nông dân có thu nhập từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/sào, cao hơn trồng lúa và được một số doanh nghiệp tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm khi dự án kết thúc, mô hình trồng gấc cũng tan rã.

Để khắc phục hạn chế, yếu kém, cứu vãn mô hình liên kết, Chính phủ đưa ra Quyết định 62/2013/QĐ-TTg thay cho Quyết định số 80. Chính sách này có nhiều điểm mới, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển mô hình liên kết theo dạng cánh đồng mẫu lớn trong chiến lược phát triển các vùng nông sản chủ lực tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chẳng hạn như, tại Tây Ninh, việc liên kết 4 nhà thâm canh lúa trên cánh đồng mẫu lớn, các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm nhận khâu cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu theo hình thức đầu tư ứng trước cho nông dân, đồng thời phối hợp với cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các huyện hướng dẫn lịch gieo sạ, cách thức bón phân, phòng trừ dịch hại theo hướng tiết kiệm, nên đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, đến nay thì mô hình liên kết này cũng chẳng được nhân rộng. Vì thế nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII, năm 2015, cho rằng: "Mục tiêu liên kết 4 nhà cho đến nay đã đi vào quên lãng", có đại biểu cho rằng mô hình này "thất bại".

Vì sao sự liên kết này lại rơi vào tình trạng "xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan"? Tìm hiểu sâu thấy, "tại anh, tại ả", tại cả 4 nhà: Sự quản lý, điều phối của Nhà nước chưa đồng bộ; Người nông dân chưa quen với quy trình sản xuất khoa học, trình độ kỹ thuật non kém nên vẫn bám vào lối sản xuất manh mún, tùy tiện. Họ đã tìm đến những giống cây, con cho năng suất cao, ngắn ngày, thậm chí sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng nhằm thu lợi nhuận cao. Nhà doanh nghiệp vẫn quen lối làm ăn bằng cách dựa vào thương lái để thu mua nông sản mà không liên kết, làm ăn trực tiếp với nông dân. Do đó, bà con nông dân thường xuyên bị động, bị thương lái ghìm giá, ép giá. Nhà khoa học, nói chung vẫn chưa chuyển giao được trọn vẹn các nghiên cứu của mình đến với thực tiễn sản xuất. Nếu có, nhà khoa học chỉ coi tư vấn cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì là nhiệm vụ chính mà chưa sâu sát nông dân và đồng ruộng, chưa lăn lộn với quá trình sản xuất trong các mô hình liên kết. Có thể nói "tính hàn lâm" làm cho nhà khoa học trở nên quan liêu, góp phần không nhỏ làm cho mối liên kết 4 nhà lỏng lẻo đến tan vỡ.

Có nên cứu không?

Nhiều ý kiến kêu gọi Nhà nước, một lần nữa, ra tay cứu vớt mô hình này. "Vì bỏ ra bao công sức nghiên cứu mới đưa được một chủ trương, chính sách vào cuộc sống mà để rơi vào quyên lãng thì thật là uổng phí". Có người bảo, "15 năm là đủ thời gian để thấy rõ sức sống của liên kết 4 nhà, khó cứu lắm!". Nhưng tôi nghĩ, nên cứu mô hình này. Chỉ cần có toa thuốc chữa đúng những căn bệnh (nguyên nhân) nêu trên là có thể cứu được. Và trong bối cảnh mới có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng 5, Khóa XII về đổi; mới mô hình tăng trưởng, nêu rõ: "Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học-công nghệ". Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp ngày 17/5 vừa qua, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh nói: "Cần có tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo-có nghĩa chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tập trung kết nối tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế".

Tính tới cuối năm 2016, cả nước có 477.808 doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng gần 4% . Những doanh nghiệp này còn yếu về mọi mặt. Với tinh thần lấy "doanh nghiệp là trung tâm", trong lúc doanh nghiệp nông nghiệp đang còn khó khăn, thì Bộ Khoa học và công nghệ đừng nói chung chung mà hãy lấy những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Bộ cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp loại này; Với các nhà khoa học, cụ thể là khoa học nông nghiệp, sinh học hãy đưa khoa học-công nghệ về với dân-kịp thời chuyển giao công nghệ mới cho nông dân, chấm dứt "phong cách hàn lâm", lăn lộn thật sự với nông dân và để nông dân được tham gia vào các chương trình đào tạo, tập huấn khoa học, kỹ thuật nhiều hơn; Còn với doanh nghiệp, cần có sự ràng buộc trách nhiệm thông qua các hợp đồng iên kết trực tiếp với nông dân, chứ không phải qua thương lái, từ quá trình đầu tư đến tiêu thụ sản phẩm, chấm dứt kiểu "ăn sẵn" thì liên kết 4 nhà mới tạo ra được chiều sâu.

Chỉ khi nào mối liên kết 4 nhà có sự tương tác, hỗ trợ nhau "thật thà" như Bác Hồ nói "đoàn kết phải thật thà", thì ngành nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững, đời sống của người nông dân mới hết bấp bênh, điệp khúc được mùa mất giá mới có thể chấm dứt.

                                                                                               Đ.Ngọc

Chủ đề khác