VnReview
Hà Nội

Phục dựng những “tượng đài"...

Những "tượng đài" đó là Motorola, Nokia, BlackBerry… trong làng di động. Đều từng là những "ông lớn" (Motorola, Nokia) hoặc vang bóng một thời với nét khác biệt rất riêng (BlackBerry)…

blackberry keyone

Motorola

Quay trở lại thị trường Việt sớm nhất sau một thời gian vắng bóng có lẽ là Motorola, sau khi được Google bán lại (bộ phận sản xuất điện thoại) cho Lenovo. Các thương hiệu Trung Quốc chưa thể vươn lên tầm "soái ca" trong làng smartphone toàn cầu, nhưng phải thấy rằng khi họ đã mua lại, thì mức độ hiện thực hóa việc sản xuất ra sản phẩm để kinh doanh với thương hiệu họ mua lại là rất cao.

Cứ so sánh thương vụ Lenovo mua lại Motorola với vụ sáp nhập Nokia vào Microsoft thì thấy. Microsoft bỏ ra đến 7,16 tỉ USD mua lại Nokia nhưng kết cục gần như trắng tay hoàn toàn ngoài mấy trăm triệu USD bán lại nhà máy và thương hiệu cho Foxconn và HMD Global. Trong khi đó, từ thời điểm mua lại Motorola, Lenovo ra mắt các dòng điện thoại hiệu Moto, với một chiến lược thị trường mới và cách marketing mới, cho dù chưa mạnh đều trên toàn cầu, như ở Bắc Mỹ, Ấn Độ họ cũng có những tín hiệu tốt. Tất nhiên người dùng Việt Nam đang chờ mong Moto có những đột phá mạnh mẽ hơn tại thị trường này, nhưng sản phẩm mới của Moto chưa đều và phong phú, đặc biệt là thiếu sản phẩm điểm nhấn để bán hàng, vì thế chưa tạo được đòn bẩy cạnh tranh trên thị trường.

Gần đây có thông tin, Lenovo sẽ dần rời bỏ thương hiệu Lenovo trên smartphone và chỉ giữ lại thương hiệu Moto, với lộ trình trong khoảng ba năm tới. Tuy nhiên, thông tin này chưa được ông Augustin Becquet – Giám đốc điều hành khối kinh doanh di động của Motorola khu vực Asean – xác nhận trong một sự kiện tại TP.HCM dạo tháng 7/2017.

Motorola hay Moto đã và đang trở lại, có sự hiện diện nhiều hơn nhưng để có kết quả, hay chí ít là được thống kê trong Top 5 thương hiệu di động tại Việt Nam, cũng còn khá xa vời. Tuy nhiên, đứng phía sau là tập đoàn Lenovo có nguồn lực lớn, và lợi thế thương hiệu của Moto cũng còn đáng kể tại nhiều thị trường.

Nokia

Nhìn chung, trong ba "tượng đài" đang được phục dựng thì ít hay nhiều những thương hiệu này vẫn còn được người tiêu dùng nhớ đến. Tại Việt Nam, thương hiệu Nokia có lẽ chưa bao giờ đứt quãng trên thị trường cho dù có vài năm được chuyển giao cho Microsoft (tại Việt Nam thì cuộc chuyển giao này diễn ra một cách "thụt thò") và nhánh smartphone chỉ còn hiện diện thương hiệu Lumia của "anh Ball hói" (Steve Ballmer – cựu CEO của Microsoft, người có công "đốt" 7,16 triệu USD trong thương vụ mua lại Nokia đầy lãng phí) nhưng rồi cũng chết yểu khá chóng vánh. Tuy nhiên riêng mảng điện thoại cơ bản thì Nokia vẫn đều đặn có mặt trên các kệ siêu thị và có sức bán khá tốt – chí ít là tại Việt Nam.

Tháng 6/2017, HMD Global - start-up mua lại thương hiệu và hệ thống phân phối của Nokia – lần đầu tiên giới thiệu trở lại smartphone Nokia nhưng chạy hệ điều hành Android. Android là lựa chọn an toàn cho sự trở lại của thương hiệu Nokia nhưng nó cũng đưa Nokia vào đấu trường ác liệt Android Phone hiện nay vì có sự chen chân của quá nhiều thương hiệu mà đa phần đến từ Trung Quốc. Số lượng đầu máy nhiều trải dày đặc các phân khúc từ thấp đến cao, đã thế giá cả còn liên tục bị "đạp" khiến cho biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Và thực sự, nếu tồn tại được trong tương lai ngắn phía trước, thì ý nghĩa đạt được nhiều hơn chính là sự trở lại và hiện diện thị trường của thương hiệu Nokia chứ chưa thể trông mong là có lãi ngay được.

So với Moto hay BlackBerry, Nokia mới là một start-up được "phục dựng" từ những người cũ của Nokia tách ra mở công ty HMD Global tại Phần Lan. Họ mua lại Nokia và phục dựng lại thương hiệu này trên thị trường với mục đích kinh doanh song có lẽ cũng còn có yếu tố khôi phục một niềm tự hào "thương hiệu quốc gia" hàng đầu của đất nước Phần Lan trước đây. Dù tiềm lực tài chính của HMD Global không mạnh bằng Lenovo hay TCL (mua lại quyền sản xuất điện thoại BlackBerry) nhưng về thương hiệu – đặc biệt là tại thị trường Việt Nam – thì; chẳng hề kém cạnh. Vấn đề của Nokia mới bây giờ là cách làm thị trường, và nguồn ngân sách để làm marketing ra sao, cùng với sự nhiệt tâm để phục dựng lại những gì đã mất.

BlackBerry

Hôm 28/8/2017, mẫu máy BlackBerry KEYone chính hãng được giới thiệu tại TP.HCM với mức giá khoảng 15 triệu đồng. Vẫn bóng dáng BlackBerry đánh đúng vào niềm yêu mến của tín đồ "Dâu đen" với bàn phím QWERTY đặc trưng. Nhưng cái hồn hệ điều hành BlackBerry thì đã phải nhường chỗ cho Android 7.1. Theo nhà phân phối, những tháng trước có một, hai mẫu BlackBerry Android về Việt Nam nhưng đó chỉ là "cái xác" TCL gắn vội thương hiệu BlackBerry. Phải đến KEYone mới là dự án chính thức được hợp tác bài bản giữa hai bên, với những phần mềm bảo mật hàng đầu do công ty R.I.M (sở hữu BlackBerry) vẫn tiếp tục nắm giữ được trang bị cho KEYone tạo nên mẫu máy BlackBerry chạy Android có tính bảo mật cao nhất hiện nay.

Nhìn chung với cấu hình cơ bản tầm trung, KEYone chỉ khác biệt ở yếu tố phần mềm và bảo mật đặc trưng của BlackBerry. Dư luận vẫn không hài lòng lắm với mức giá 15 triệu đồng của một BlackBerry Android phone cao gấp đôi một Android phone bình thường có cùng phân khúc cấu hình (chip Qualcomm Snapdragon 625; RAM 3GB, ROM 32GB, pin 3.505mAh sạc nhanh 3.0; màn hình độ phân giải 1620 x 1080 kính Gorilla Glass 4; USB type-C; camera chính 12MP, camera selfie 8MP…). Thế nhưng theo nhà phân phối, mức giá trên so với mặt bằng chung đã được kéo giảm 1 triệu đồng để phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.

Tất nhiên dần dà, sẽ còn nhiều mẫu máy BlackBerry Android phone do TCL sản xuất được bán ra thị trường trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên qua trường hợp KEYone và mức giá trên 660USD (trường hợp bán tại Việt Nam hiện tại, ở một số thị trường khác có thể cao hơn) cho thấy, TCL muốn phục dựng lại "tượng đài" BlackBerry với đúng "chất"… giá cao của ngày trước. Như vậy sẽ là bước chân "tham chiến" trực tiếp vào phân khúc mà thực tế trên thị trường hiện đang do iPhone và hai dòng Galaxy S và Note của Samsung hầu như chiếm lĩnh.

Nhìn từ trường hợp BlackBerry KEYone, cho thấy TCL thể hiện tham vọng ở phân khúc giá cao rõ hơn so với Nokia hay cả Moto.

Thẩm Hồng Thụy  

Chủ đề khác