VnReview
Hà Nội

Nhìn lại “Bàn tay nặn bột” và thắp lên ngọn lửa STEM

Mỗi mùa khai trường tới, các bậc phụ huynh và học sinh lại hỏi nhau: Chương trình năm học mới có gì mới? Và cái mới của năm học 2017-2018; có lẽ là "Giáo dục STEM". Khi nói tới phương pháp này tôi lại liên tưởng tới phương pháp "Bàn tay nặn bột" áp dụng ở nước ta từ năm 2011 và tới nay đã đi vào quên lãng. Còn STEM, liệu có thắp nên ngọn lửa hy vọng?

1- Phương pháp giáo dục "Bàn tay nặn bột" do Giáo sư người Pháp Georger Charpak sáng tạo ra và phát triển từ năm 1995 dựa trên cơ sở khoa học của sự tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng giảng dạy cho các môn học tự nhiên. Mục tiêu của phương pháp này là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Với một vấn đề khoa học, học sinh có thể đặt ra câu hỏi, giả thiết từ hiểu biết ban đầu, tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu, kiểm chứng, so sánh, phân tích, thảo luận và đưa ra kết luận phù hợp. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp này còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.

Năm 2011 Bộ Giáo dục- Đào tạo nước ta có quyết định phê duyệt đề án "Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015" (Giai đoạn 2011-2013 thực hiện thí điểm, 2014-2015 thực hiện đại trà).

Việc tiến hành phương pháp trên cũng được quy thành 5 bước: Đưa ra tình huống có vấn đề cần tìm hiểu, học sinh bộc lộ quan điểm ban đầu, đặt câu hỏi và đề xuất phương án thí nghiệm, học sinh tiến hành thực nghiệm rồi so sánh kết quả sau thực nghiệm với dự đoán và rút ra kết luận. Đơn cử ví dụ với học sinh lớp 3, bài "Hệ thần kinh" để thấy cái khó của phương pháp này. Tình huống đưa ra là sấm sét bất ngờ làm học sinh giật mình. Trong khi đa số học sinh đặt vấn đề là: "Tại sao ta giật mình khi có tiếng động lớn bất ngờ?" thì có một học sinh nữ hỏi: "Tại sao có sấm sét?". Giáo viên dạy đã không biết làm cách nào để lái câu hỏi này về trọng tâm là hệ thần kinh, nên đã phớt lờ. Nếu giáo viên biết và gợi ý để lái vấn đề về trọng tâm thì sai với nguyên tắc dạy là học sinh tự đặt vấn đề cần tìm hiểu.

Để thực hiện phương pháp này, người giáo viên phải có kiến thức khoa học tự nhiên vững vàng và khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học. Về phía học sinh, các em phải có vốn kiến thức thực tế phong phú, phải chủ động học tập, phải năng động, sáng tạo.

Qua thời gian thí điểm thấy, học sinh tiểu học của chúng ta kiến thức rất yếu, khi đưa ra tình huống các em không tìm được vấn đề phải giải quyết, các em không đề xuất được thực nghiệm. Còn giáo viên cũng vậy, rất nhiều giáo viên không biết xoay trở tình huống thế nào để trở về trọng tâm của tiết học và thực hành. Và chương trình "Bàn tay nặn bột" đã âm thầm đi vào dĩ vãng mà chẳng có một lời ai điếu.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có phương pháp nào là tối ưu và khi lựa chọn phương pháp giảng dạy, điều quan trọng cần là phương pháp ấy không chỉ phù hợp với đặc trưng bộ môn mà nó còn phải phù hợp với trình độ của học sinh và giáo viên. Khi cả thầy và trò còn chưa đủ trình độ mà áp dụng phương pháp mới thì thất bại là điều dễ hiểu.

2- Cùng thời gian thí điểm phương pháp Bàn tay nặn bột là thí điểm giáo dục STEM. STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Những kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục STEM đề cao phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.

Từ năm 2011, mô hình "Phòng lab tích hợp STEM bằng tiếng Anh", một trong những nội dung của giáo dục STEM, được thiết kế theo chuẩn quốc tế và được tùy biến phù hợp với văn hóa, điều kiện của Việt Nam, đã được triển khai thí điểm tại 14 trường ở các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với hơn 3.000 học sinh theo học. Từ mô hình giáo dục STEM, 2 môn học mới là Công nghệ thông tin và Robotics đã được triển khai tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với chương trình Robotics, học sinh được trang bị các kiến thức về khoa học tự nhiên, các nguyên lý cơ bản của các loại hình robot trong thực tế, từ đó giúp các em học sinh hiểu và đam mê với các thiết bị thông minh trong thời đại công nghệ. Robotics cũng là một trong những bộ môn được nhiều trẻ em và phụ huynh quan tâm hiện nay. Bằng chứng là số lượng học sinh Việt Nam tham gia các cuộc thi robots trong khu vực và quốc tế ngày càng nhiều.

Từ năm 2011 đến nay, những người chủ trì chương trình đã tổ chức các cuộc hội thảo và đều ủng hộ việc đưa STEM vào giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Năm học 2017-2018 Bộ Giáo dục-Đào tạo cho áp dụng mô hình STEM vào Chương trình giáo dục phổ thông mới, lộ trình là: Đại trà cho lớp 1, sau đó sẽ áp dụng cho tất cả các cấp học trên toàn quốc. Thuận lợi để áp dụng mô hình giáo dục này cũng có, nhưng khó khăn không ít:

- Việc khai thác, áp dụng những điểm mạnh của giáo dục STEM là có lợi và cần thiết đối với giáo dục phổ thông của nước ta. Nhưng hoàn cảnh cơ sở vật chất của các nhà trường còn rất thiếu, nhất là trường học ở nông thôn. Ở nông thôn đủ phòng học đã là quý lắm rồi chưa nói phòng học với các thiết bị này khác. Các thiết bị để dạy học STEM lại càng khó khăn.

- Về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, của giáo viên còn nhiều bất cập; Cán bộ quản lí các nhà trường phổ thông chưa thực sự quan tâm đến giáo dục STEM. Bởi bóng ma của những phương pháp đã thất bại như Bàn tay nặn bột vẫn còn ám ảnh họ.

- Tích hợp và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn vẫn là những vấn đề khó đối với giáo viên hiện nay.

- Việc kiểm tra đánh giá và thi cử mới là vấn đề hệ trọng. Nếp nghĩ "thi gì học nấy" là một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông. Cụ thể, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được tổ chức bằng các bài thi trắc nghiệm, trong khi STEM là sản phẩm. Từ lớp 11 học sinh phải "nói không" với STEM để ôn luyện thi trắc nghiệm cho thật tốt mong sao thi đỗ vào một trường đại học nào đó. Vì vậy, thay đổi chương trình dứt khoát phải thay đổi cách đánh giá.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới thừa nhận: "Chương trình này đòi hỏi học sinh đi vào thực tiễn rất nhiều, các em phải tham gia các dự án nghiên cứu khoa học. Nhưng đến lúc thi mà thi chung thì chỉ ra đề kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải bài tập. Như thế, làm sao giáo viên dành thì giờ dạy học sinh theo phương pháp STEM, chú trọng thực hành được? Trong dự thảo chương trình đã quy định việc thay đổi cách thức đánh giá, bỏ kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định có ý kiến rằng: Luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nếu quy định ngay trong Chương trình mới này thì sẽ liên quan tới Luật. Vì vậy, Ban soạn thảo đã chuyển phần "Thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh đại học" ở phần "Điều kiện thực hiện chương trình".

Việc phát triển giáo dục STEM trong chương trình mới là tất yếu, vì mục tiêu của chương trình STEM cũng là hình thành những phẩm chất năng lực mà chương trình Giáo dục phổ thông mới đang hướng tới. Ngọn lửa hy vọng vào  mô hình giáo dục STEM đang nhen lên. Cộng đồng giáo dục và cả toàn dân ủng hộ phương pháp này mới có thể thành công.

Đ.Ngọc

Chủ đề khác