VnReview
Hà Nội

Một góc nhìn lại thương vụ Fossil mua Misfit

Bạn sẽ thắc mắc rằng: Thương vụ hãng đồng hồ thời trang Fossil (Mỹ) mua lại công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất thiết bị đeo tay thông minh sức khỏe Misfit với giá 260 triệu USD đã gần 2 năm nay rồi, giờ còn nhìn lại gì nữa? Vâng, tôi muốn nhìn lại khi có những thông tin mới…

Nghĩ nhiều về con số 260 triệu USD hơn là…

Không ít người Việt, truyền thông Việt và cả truyền thông Mỹ, khi đề cập tới thương vụ 260 triệu USD mua Misfit của các nhà sáng lập gồm Sonny Vu (Vũ Xuân Sơn) – một người Mỹ gốc Việt (sang Mỹ định cư từ năm 4 tuổi), John; Sculley (cựu CEO của Pepsi Cola và Apple) và Sridhar Iyengar thì nghĩ nhiều về số tiền, giá trị của Misfit và sự thành công của nhóm sáng lập. Trong đó, chúng ta đã biết John Sculley – một người từng "hất" Steve Jobs văng ra khỏi chiếc ghế CEO của Apple nhưng sau đó chính Sculley lại thất bại trong vai trò này nên mới có cơ hội cho Steve Jobs quay trở lại làm CEO Apple lần thứ hai và đã tạo dựng nên một "táo khuyết" vĩ đại như ngày hôm nay.

Và chúng ta cũng được biết đến Sonny Vu, là chồng của Lê Diệp Kiều Trang. Trước khi Misfit được bán cho Fossil thì cả hai vợ chồng đều làm việc tại công ty khởi nghiệp này, với vị trí của chồng là CEO còn vợ là Giám đốc tài chính. Và hai người, sau thương vụ thành công hiếm hoi của một start-up công nghệ tại Mỹ có sáng lập viên người gốc Việt, đã được truyền thông gọi là "cặp đôi vàng" gốc Việt tại thung lũng Silicon.

Trên cả bình diện toàn cầu, thành công của Misfit với dấu ấn của Sonny Vu và vợ, là hiếm thấy. Chính vì vậy dư luận có xuýt xoa với con số 260 triệu USD mà chưa lưu tâm nhiều đến câu hỏi vì sao Fossil chịu bỏ ra số tiền lớn đến như vậy để mua Misfit cũng là điều dễ hiểu.

Trong một cuộc trao đổi với Lê Diệp Kiều Trang tại văn phòng Fossil Việt Nam đặt tại TP.HCM mà chị đang giữ cương vị giám đốc, tôi đã đặt câu hỏi này. Trang cho biết: Fossil là công ty sản xuất đồng hồ truyền thống theo xu hướng thời trang, họ tìm kiếm sự đổi mới sáng tạo và tìm thấy điều này ở Misfit. Họ mua Misfit để mở ra một hướng đi mới, đưa các giải pháp thông minh, kết nối vào đồng hồ truyền thống, bắt công nghệ phải uốn mình hợp với thời trang.

Còn Giám đốc chiến lược của Fossil toàn cầu– Greg McKelvey, thì cho biết trên truyền thông rằng sự kết hợp của Misfit và Fossil sẽ tạo ra sự phát triển nhanh chóng, và đồng hồ hay đồ trang sức của Fossil có thể trở thành những thiết bị mang tính kết nối.

Fossil trở thành "ông lớn" sau thương vụ mua Misfit

Sau khi Fossil mua lại Misfit, thì Misfit trở thành 1 trong 18 nhãn hàng của tập đoàn này. Thương hiệu Misfit vẫn được duy trì nhưng không chỉ dừng lại ở các dòng sản phẩm như Shine hay Ray… nữa mà sứ mệnh và nhiệm vụ của Sonny Vu – lúc này trở thành Giám đốc công nghệ (CTO) toàn cầu của Fossil, là phải dẫn dắt bộ máy R&D nghiên cứu, sáng tạo làm sao để bắt công nghệ phải "uốn mình" nằm trọn trong những chiếc đồng hồ thời trang hiệu Fossil cũng như các thương hiệu Fossil mua nhượng quyền cũng như các loại trang sức khác. Lúc này, thiết bị, sản phẩm của Fossil không chỉ đáp ứng tiêu chí thời trang, đẹp mà còn có thể kết nối thông minh, có tác dụng và nhiều hữu ích đối với người sử dụng.

"Tay ngang" về lĩnh vực thiết bị đeo thông minh, để thâm nhập vào lĩnh vực này Fossil sẽ phải mất rất nhiều nguồn lực và thời gian nhưng chưa chắc thành công. Trong khi đó, mua lại Misfit dù với mức giá đến 260 triệu USD nhưng Fossil có được nguyên một nhánh nghiên cứu sáng tạo và sản xuất thiết bị đeo thông minh, cùng với mạng lưới phân phối có mặt trong các Apple Store cao cấp bậc nhất thế giới, trong chuỗi Best Buy, tính chung hiện diện trong khoảng 20.000 cửa hàng trên toàn cầu… Cộng với hơn 400 điểm bán lẻ và 4.000 điểm bán sỉ của Fossil cũng giúp cho loại sản phẩm mới của Fossil – thiết bị đeo thông minh – nhanh chóng lan tỏa trên thị trường và đến với người dùng.

Lộ trình đã diễn ra đúng như tính toán chiến lược của Fossil Group. Sau khi chính thức công bố mua lại Misfit vào tháng 12/2015, đến quí II/2016, Fossil đã lọt vào Top 5 thương hiệu thiết bị đeo thông minh trên toàn cầu với khoảng 300.000 chiếc được bán ra, chiếm 1,4% thị phần. Nhưng đúng một năm sau – quí II/2017, theo con số vừa được IDC công bố, thì thị phần của Fossil trên thị trường thiết bị đeo thông minh toàn cầu đã tăng lên 4%, với khoảng 1 triệu chiếc được bán ra.

Tất nhiên khi về với Fossil, những thiết bị thông minh không chỉ còn ở mức giá được định vị phổ biến từ 50-150USD như trước đây nữa mà được "nâng cấp" giá lên nhiều.

Với 4% thị phần trong quí II/2017, Fossil chỉ cách vị trí thứ 4 của Garmin (bán được 400.000 thiết bị tương đương tỉ trọng 5,4% thị phần trong quí II/2017). Tuy nhiên lúc này Garmin đang trên đà suy giảm (giảm 6,6% thị phần tính so quí II/2017 với quí II/2016) và nếu với mức tăng trưởng lên đến 217,9% trong khoảng một năm qua của Fossil tiếp tục duy trì ổn định, thì khả năng qua mặt Garmin để chiếm ngôi số 4 là hoàn toàn khả thi.

Và hẳn nhiên lúc này Fossil đã trở thành một "ông lớn" trên thị trường thiết bị đeo thông minh toàn cầu khi đã nằm trong Top 5 và đang có cơ hội lớn bước vào Top 4. Con số 260 triệu USD lớn thật đấy, nhưng nếu đặt vấn đề rằng thương vụ mua lại Misfit có đắt không thì có lẽ không đắt, bởi những gì Fossil gặt hái được từ thương vụ sáp nhập Misfit đến lúc này là rất khả quan, và đang mở ra một cơ hội kinh doanh mới, mang lại thêm thị phần và doanh thu không nhỏ.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác