VnReview
Hà Nội

Uber “miễn nhiễm” với tiếng xấu nợ thuế?

Có lẽ, Uber là trường hợp công ty có giá trị hàng chục tỉ USD duy nhất từ trước tới nay để xảy ra tình trạng cù nhây nợ thuế tại Việt Nam. Là bởi, khoản nợ thuế 66,68 tỉ đồng của Uber B.V Hà Lan (trong đó gồm hàng chục tỉ đồng tiền phạt vì chậm nộp) đã được cơ quan thuế tại TPHCM đòi một cách quyết liệt nhưng đến giờ Uber vẫn chưa chịu đóng.

Với doanh nghiệp trong nước, có lẽ những tháng qua đã phải khổ sở trăm bề vì bị xoay vần bởi cơ quan thuế rồi.

Thế nhưng với Uber, dường như cái tiếng xấu "nợ đọng thuế" (còn trước đây là mang tiếng "xù thuế") dường như chẳng khiến thương hiệu này phải lo lắng. Cũng bởi, nhìn chung luật pháp Việt Nam khắp các lĩnh vực không nghiêm, gặp dạng cù nhây nhiều khi bó tay. Còn vì sao Uber cù nhây thì đây là lí do được đưa ra: Uber B.V Hà Lan cần thời gian để tập hợp dữ liệu các cá nhân kinh doanh vận tải hợp tác với Uber B.V từ năm 2014 đến tháng 8/2016 và gồm cả những trường hợp không còn hợp tác với Uber nữa.

Cứ cho đây là một lí do chính đáng, thì thời hạn từ tháng 9/2016 đến nay đã trọn đúng một năm nhưng Uber vẫn chưa tập hợp xong dữ liệu để giải quyết vấn đề với cơ quan chức năng là một điều khó có thể chấp nhận. Song bản thân Uber thì có lẽ đang xem điều này là bình thường. Là bởi, trước đây Uber cũng từng cù nhây thuế khiến dư luận phản đối ầm ầm mà mãi mới chịu đóng đó thôi. Và cũng bởi trên thực tế, Uber nhận thấy mình không thể "chết" vì chuyện cù nhây nợ thuế. Người tiêu dùng Việt nam có lẽ thuộc hàng "dễ thương" nhất thế giới, cứ có dịch vụ, sản phẩm giá rẻ là dùng chứ chất lượng chưa hẳn xếp hàng đầu, "dễ thương" đến mức Uber mang tiếng xấu nợ thuế nhây thuế nhưng còn cung cấp dịch vụ giá rẻ là "ta" cứ dùng, thay vì ở không ít quốc gia người ta hô hào tẩy chay.

Hãy phân tích xem số tiền thuế Uber đang nợ thực sự là của ai? Về bản chất nó từ người tiêu dùng tại Việt Nam mà ra cả, gồm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp (Uber)/thuế thu nhập cá nhân (của các tài xế đối tác hợp tác với Uber).

Về số tiền thuế VAT (3% trên doanh thu được hưởng của Uber và các cá nhân, tổ chức là đối tác của Uber tại Việt Nam), một khi Uber càng chậm nộp thì cũng có nghĩa là thương hiệu này đang kéo dài sự chiếm dụng. Vì bản chất thuế VAT là đánh lên tiêu dùng, Uber chỉ là bên thu hộ để nộp lại cho Nhà nước Việt Nam mà thôi. Ở loại thuế thứ hai – thu nhập doanh nghiệp (2% trên doanh thu), Uber có được thì cũng từ người tiêu dùng tại Việt Nam mà ra. Trong khi ở loại thuế thứ ba – thu nhập cá nhân (1,5% trên doanh thu), là tiền từ các cá nhân, tổ chức hợp tác với Uber chứ cũng không phải tiền móc từ hầu bao của thương hiệu này, Uber chỉ khấu trừ và giữ hộ để nộp lại cho Nhà nước Việt Nam.

Cần biết rằng, mới đây Uber đã bị từ chối cấp phép hoạt động tại thành phố Luân Đôn (Anh) và CEO mới của công ty này là Dara Khosrowshahi đã phải lên tiếng xin lỗi và viết email chấn chỉnh lại lề lối làm việc của nhân viên. Động thái này của Dara Khosrowshahi có vẻ mềm mại và biết tiếp thu dư luận hơn so với người tiền nhiệm và cũng chính là người xô đẩy văn hóa Uber đến thảm họa như ngày nay - Travis Kalanick. Không biết CEO Dara Khosrowshahi có biết chuyện Uber có "thành tích nợ thuế" và mang tiếng xấu này một cách dai dẳng ở Việt Nam hay không và nếu biết thì đã có chấn chỉnh, chỉ đạo gì để thay đổi tình trạng này?;

Khi Uber tại Việt Nam có chuyển biến tốt lên - đặc biệt là sau khi chấp hành nghĩa vụ thuế - dư luận đã vội mừng. Thế nhưng sự vui mừng này "ngắn chẳng tày gang" khi Uber lại tiếp tục sa vào trường hợp cù nhây nợ thuế mới, tai tiếng vừa ngớt lại dính tiếp tai tiếng. Nếu nhại theo cách đặt biệt danh của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì Uber sẽ được gọi là "Mr. Nợ Thuế", "Mr. Cù Nhây Thuế" hoặc là "Mr.Tai Tiếng" vậy. 

Với rất nhiều thương hiệu khác, việc "dây dưa" với cơ quan thuế ở quốc gia sở tại là điều tối kị và họ luôn ưu tiên, khẩn trương để giải quyết dứt điểm vấn đề. Nhưng với Uber, có lẽ là bản thân họ tự cảm thấy "miễn nhiễm" với loại tai tiếng này theo cách "thà chịu đựng còn hơn đóng sớm" vì thế mới để xảy ra tình trạng nhùng nhằng, dây dưa…

Đã có lúc, Uber có lợi thế thu hút được hành khách hơn Grab nhờ giá cước rẻ hơn. Và khách quan nhìn nhận, thị trường Việt Nam cần một Uber để đối trọng với Grab để tránh rơi vào tình trạng "một mình một chợ" gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên trong vài năm qua, thương hiệu Uber tại Việt Nam liên tục rơi vào các xìcăngđan khiến cho hình ảnh và uy tín bị tổn hại. Và trên thực tế  thị trường bây giờ họ đang bị Grab bỏ xa dần.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác