VnReview
Hà Nội

Uber đóng thuế đầy đủ ngay từ ngày đầu ư? Đừng nói bừa!

Như vậy là CEO mới của Uber Việt Nam - Tom White, đã chính thức ra mắt báo giới Việt Nam tại một sự kiện ở Hà Nội ngày 19/10/2017. Và hàng loạt báo, trang mạng online ngay trong ngày đã dẫn lời ông này trả lời về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Uber tại Việt Nam, rằng: "Về việc đóng thuế, có thể nói là từ những ngày đầu, Uber đã đóng thuế đầy đủ"...;

Chẳng phải giới truyền thông đồng cảm hay đồng quan điểm gì với ông Tom White. Chẳng qua là, cứ trích nguyên xi từng câu từng lời, cho dư luận thấy rõ bản chất của Uber trong vấn đề này, cũng như để cơ quan thuế thấy và cần thúc đẩy biện pháp cưỡng chế Uber nộp khoản nợ (gồm các khoản nợ thuế, tiền phạt.v.v…).

Theo một nguồn tin chúng tôi được chia sẻ, cựu CEO của Uber Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng, rời khỏi ghế này không hẳn là tự nguyện. Ông Dũng, một người trẻ, có học hành bài bản nhưng lại quá tự mãn sau giai đoạn đầu có vẻ trội hơn Grab một chút tại thị trường Việt Nam, nhưng sau đó đã dần tụt lại phía sau, như hiện nay. Thêm nữa, khoản nợ được cho rằng đang lên đến 66,68 tỉ đồng với cơ quan thuế TP.HCM của Uber thời ông Dũng cũng không thể giải quyết dứt điểm và êm xuôi. Với việc bổ nhiệm CEO mới Tom White, cho thấy Uber đang muốn đẩy mạnh việc phát triển thị trường cũng như công cuộc kinh doanh tại Việt Nam, cùng với việc giải quyết các vướng mắc…

Tuy nhiên, ngay phát ngôn đầu tiên của CEO mới, cho thấy Uber Việt Nam sẽ rất khó dung hòa với quan điểm của cơ quan thuế TPHCM về khoản nợ đọng 66,68 tỉ đồng hiện nay. Và một lần nữa có vẻ như, sự tự tin của CEO mới của Uber Việt Nam - Tom White, đang "hao hao" giống với sự tự mãn của cựu CEO Đặng Việt Dũng trước đây. Và nếu không được giải quyết êm xuôi, thì có thể vấn đề nợ thuế của Uber tại Việt Nam sẽ không chỉ "chôn vùi" danh tiếng của Uber mà cả thân phận lãnh đạo tại thị trường này của không chỉ một mà đến hai vị CEO.

Vậy còn câu khẳng định "về việc đóng thuế, có thể nói là từ những ngày đầu, Uber đã đóng thuế đầy đủ" của ông Tom White liệu có đúng? Không! Hoàn toàn không đúng. Uber vào Việt Nam, cung cấp dịch vụ từ năm 2014, nhưng kéo dài suốt hơn một năm sau đó không chịu đóng thuế với lập luận cùn là pháp nhân cung cấp dịch vụ Uber tại thị trường Việt Nam là Uber Hà Lan, còn Uber Việt Nam chỉ là văn phòng đại diện làm các công việc như nghiên cứu thị trường, tư vấn.v.v… Nhưng trước sự quyết liệt của dư luận cũng như cơ quan thuế, mãi nhiều tháng sau đó cuối cùng Uber mới chịu đóng những khoản thuế ít ỏi bởi nếu không, Uber sẽ chẳng bao giờ có được chấp thuận cho phép cung cấp dịch vụ chính thức tại thị trường Việt Nam.

Và bây giờ, lại phát sinh vụ nợ 66,68 tỉ đồng của Uber với cơ quan thuế càng cho thấy rằng Uber lại tiếp tục sa lầy trong tai tiếng thuế tại Việt Nam. Và bây giờ, ngay từ những ngày đầu của ông đó thưa ông Tom White, Uber vẫn tiếp tục bị cho là nợ đọng khoản tiền trên với tiếng xấu trong dư luận là "Uber trốn thuế, nợ thuế" lại quay trở lại. Liệu ông, có thể tẩy "trắng" sạch "không tì vết" được cho những tiếng xấu đó không khi vẫn tiếp tục đưa ra quan điểm không chấp nhận khoản nợ tổng cộng 66,68 tỉ đồng? Nếu một khi còn sa lầy với những khoản nợ như vậy, gây ra khủng hoảng thương hiệu trên thị trường, thì làm sao có thể củng cố được niềm tin từ trong bộ máy ra đến thị trường và người tiêu dùng, để phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn và cạnh tranh thắng được đối thủ Grab?

Là một CEO, nói ra phải đúng, phải chuẩn và tối kị là nói lấy được, nói bừa. Giới truyền thông trích dẫn lại nguyên lời nói của ông và "để đó không nói gì thêm", thì cũng chỉ tổ làm tăng thêm sự bất bình hay biến lời nói của ông trở thành trò cười hay bị mỉa mai mà thôi.

Trên thực tế, mô hình vận tải hành khách bằng taxi kiểu Uber hay Grab tại Việt Nam cũng như trên nhiều thị trường khác giờ đây không còn là một mô hình kinh tế chia sẻ nữa bởi phương tiện được đầu tư mua sắm đưa vào phục vụ hành khách nằm trong kế hoạch, tính toán của một công cuộc kinh doanh chính qui hướng đến lợi nhuận là tối thượng chứ không còn nhiều trường hợp "xe rỗi" nên đưa vào chạy để kiếm thêm như thuở ban sơ. Đơn cử tại Việt Nam, dần dần cả Uber và Grab phải chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ quản lí dịch vụ vận tải chứ không còn là cung cấp ứng dụng và trung gian kết nối.

Việc Uber và cả Grab đang có cuộc "đại chiến" với taxi truyền thống còn có những ý kiến trái chiều. Song với trường hợp Uber từng không chịu đóng thuế và bây giờ được cho là lại nợ thuế, thì chẳng có chiều ý kiến hay dư luận nào đi ủng hộ Uber cả. Một dịch vụ được du nhập từ bên ngoài, vào khai thác thị trường Việt Nam, kiếm được doanh thu và thậm chí cả lợi nhuận, mà không chịu đóng thuế và chây ì thuế đối với quốc gia sở tại, thì chẳng người dân nào ở quốc gia đó chấp nhập được. Để rộng đường dư luận, có thể chấp nhận tranh luận, trình bày các lập luận dựa trên những căn cứ pháp lí. Song đối với những vấn đề đã qua, đã ngã ngũ, thì phải thừa nhận, và đề cập đến phải đúng phải chuẩn, chứ không thể nói bừa.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác