VnReview
Hà Nội

Vivu + taxi truyền thống liệu có “quật” nổi Uber, Grab?

Cuộc "đại chiến" giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đang hồi cao trào nhưng thấy rõ là Uber và Grab đang dần thắng thế về khách hàng và thị phần. Và tất nhiên, taxi truyền thống phản đòn bằng nhiều cách, từ dán băng-rôn phản đối, kiến nghị gửi các bộ ngành, cho đến tạo ứng dụng đặt xe.v.vChưa rõ nếu taxi truyền thống kết hợp với ứng dụng đặt xe Vivu thì họ có làm nên chuyện không?

Ứng;dụng gọi xe Vivu muốn hợp tác taxi truyền thống để đấu lại Uber, Grab

1. Tích xưa – Chuyện nay…

Tích xưa, khi hai người bạn thân Trang tử và Huệ tử cùng đi qua cầu Hào, Trang tử nhìn xuống thấy cá bơi tung tăng, liền nói: "Cá đang bơi tung tăng hẳn là cá đang vui và thảnh thơi nhỉ"; thì liền bị Huệ tử vặn lại: "Anh không phải là cá sao biết được cá đang vui?"…

Người xưa thâm sâu, cho rằng muốn hiểu ai, thì phải đi được guốc trong bụng họ, phải thở trong lớp da của họ. Thì chuyện nay, taxi truyền thống không phải cứ viết, tạo ra ứng dụng đặt xe trên smartphone là có thể hóa kiếp ngay thành "taxi công nghệ" (khái niệm hiện nay thường dùng để chỉ Uber, Grab). Taxi công nghệ nói chung hay Uber, Grab nói riêng được xem là loại hình kinh doanh - dịch vụ "O to O" (hay viết tắt là "O2O" - Online to Offline), nghĩa là sử dụng sức mạnh, tính năng, tiện ích của nền tảng công nghệ trực tuyến để kinh doanh dịch vụ trong nền kinh tế hiện nay.

Vậy thì, trong trường hợp taxi truyền thống tạo thêm ứng dụng đặt xe qua smartphone, có thể thấy họ đang đi cuộc hành trình ngược lại, cũng là O2O nhưng là "Offline to Online": Vì đang thất thế trong cạnh tranh và để cạnh tranh lại cho nên taxi truyền thống mới tạo ra ứng dụng đặt xe. Như vậy cho dù thế nào đi nữa thì cũng cho thấy một sự gượng ép, vì dưới sức ép cạnh tranh và thua sút nên mới làm, và nó không phải là thế mạnh, thậm chí không thể giỏi về nền tảng này như các "hãng" taxi công nghệ. Uber và Grab không chỉ sở hữu đội ngũ kĩ sư hùng hậu và giỏi giang viết ứng dụng, sáng tạo thêm tính năng và tiện ích mới tùy thích, mà còn có bộ máy để phân tích dữ liệu lớn từ đó nắm chắc hành vi tiêu dùng, sở thích của khách hàng phục vụ cho việc marketing, quảng bá thông tin hoặc các chiến dịch khuyến mãi.v.v…

Và quan trọng nhất, là họ thực sự sống trong công nghệ đó, vì công nghệ đó, đam mê sáng tạo và làm chủ công nghệ đó, nắm rõ các dữ liệu vốn là kho vàng và luôn phân tích tỉ mỉ để biết người tiêu dùng cần gì, đang muốn gì và sẽ muốn gì để phục vụ không chỉ ngày hôm nay mà cả trong tương lai gần.

Tôi không tin rằng, với các ứng dụng đặt xe mà Vinasun hay Mai Linh… đang cung cấp có thể giúp họ thay đổi thế cuộc. Vì sao thì đã quá rõ: Đó là tính năng hỗ trợ thêm chứ về bản chất họ là taxi truyền thống. Đó là bộ máy đã quen vận hành với cách cung cấp dịch vụ truyền thống. Đó là những tài xế chỉ muốn hành khách gọi xe qua điện thoại hay vẫy tay bên đường bắt xe trong khi nhận được khách thông qua ứng dụng đặt xe qua smartphone thì lại kém vui. Có nghĩa là, từ bộ máy cho đến trình độ, sở trường và sự đam mê đến triết lí kinh doanh vẫn nặng kinh doanh theo kiểu truyền thống chứ ít có nhiệt huyết với sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

2. Vivu muốn cùng taxi truyền thống "đánh" Uber, Grab?

Ứng dụng đặt xe Vivu đã có mặt trên thị trường gần hai năm nay nhưng "số phận" long đong. Cách đây khoảng một năm trước, một Việt kiều Đức phối hợp với nhóm làm ứng dụng Vivu mà khi đó còn mang tên là FaceCar, cho rằng sẽ xây dựng thành một tên tuổi đọ với Uber, Grab với thông tin được tuyên bố là đầu tư 1 tỉ USD và tới thời điểm ấy đã giải ngân được từ 30-40% với khoảng 2.000 xe tại TP.HCM. Nhưng chỉ vài tháng sau, cuộc "hôn phối" này tan vỡ và tay Việt kiều Đức to mồm lắm giọng kia cũng không còn thấy xuất hiện, FaceCar lại trải qua mua bán sáp nhập để khoác cái tên Vivu như bây giờ.

FaceCar trước đây có ưu việt hơn Uber và Grab là cho phép khách hàng được trả giá với chủ xe/tài xế. Và khi bật ứng dụng, ngay như ở khu vực Quận 1, TP.HCM, lượng xe FaceCar cũng không quá ít. Đổi tên thành Vivu như hiện nay, nhưng ứng dụng này chưa thể đổi được vận. Vẫn là một start-up giàu lòng đam mê, nhiệt huyết nhưng "còi cọc" vốn đầu tư vì thế khó mà đọ được với Uber và Grab.

Startup gọi xe Vivu mới đây cho biết, họ muốn cung cấp miễn phí ứng dụng này cho các công ty taxi đang hoạt động trong nước. Với ứng dụng Vivu, các công ty taxi sẽ được sử dụng các tính năng quản lý thông minh, gọn nhẹ, chẳng hạn công cụ gọi xe thay thế tổng đài truyền thống, hoặc cung cấp công cụ thay thế nhân viên điều hành tại các điểm công cộng nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm… như hiện nay các hãng taxi đang làm. Việc này giúp giảm chi phí đầu tư thiết bị, nhân công, giảm thiểu thời gian chạy rỗng, từ đó tăng doanh thu cho tài xế và giảm giá thành dịch vụ nhằm cạnh tranh tốt với các ứng dụng gọi xe khác.

Tuy nhiên, hãy xem một vài con số sau đây để hiểu thêm phận thân cô thế yếu của ứng dụng Vivu:

Theo số liệu báo cáo của Grab được Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế dẫn lại: Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng đến nay đã lỗ lũy kế 938,2 tỉ đồng, cho dù doanh thu trong 3 năm từ 2014-2016 đạt 1.755 tỉ đồng. Theo các chuyên gia, khoản lỗ gần 1.000 tỉ đồng trên chủ yếu là đổ vào khuyến mãi. Với khả năng tài chính mạnh mẽ của Grab và Uber, có thể còn dùng dài dài chiêu khuyến mãi cộng với giá cước thấp chịu lỗ thêm hàng ngàn tỉ đồng nữa để cạnh tranh mà taxi truyền thống khó mà chịu nổi, cho đến khi họ thực sự chiếm lĩnh thị trường vận chuyển bằng taxi.

Trường hợp Vivu nhập cuộc và các hãng taxi truyền thống hợp tác với Vivu, có thể giải quyết được bài toán công nghệ kết nối ưu việt hơn, có đội ngũ kĩ sư giỏi giang và rành nghề hơn. Nhưng đằng sau công nghệ là bài toán phân tích trên nền tảng dữ liệu thu thập được để đưa ra quyết sách kinh doanh, thì Vivu chưa chắc đã giúp được gì. Lâu nay, các start-up công nghệ Việt khi nhận vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn hay những quỹ đầu tư quốc tế, thì những thứ nhận được không chỉ có tiền, mà kèm theo là kĩ năng quản trị, cách thương mại hóa sản phẩm và hướng phát triển, khai thác các dịch vụ mới.v.v… Những điều này thì cuộc "hôn phối" giữa Vivu với taxi truyền thống không thể giải quyết được. Đặc biệt với mô hình kinh doanh "nửa nạc nửa mỡ" tạo ứng dụng công nghệ cho khách hàng đặt xe trong thế bị động và đối phó, bộ máy không chuyên nghiệp theo mô hình kinh doanh O2O, thì cuộc "hôn phối" này càng khó "quật" nổi Uber và Grab tại thị trường Việt Nam.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác