VnReview
Hà Nội

Thép Kobe, thịt bò Kobe… và câu chuyện lợi dụng thương hiệu để gian lận

Thép Kobe (Kobe Steel) dưới tiêu chuẩn hay còn gọi là gian dối về tiêu chuẩn (kê khai số liệu về độ cứng cao hơn thực tế) đang không chỉ khiến hãng này rơi vào cuộc khủng hoảng thế kỉ, mà các công ty sản xuất ôtô như Subaru, Toyota hay Honda… cũng gặp rắc rối vì sử dụng nguồn nguyên liệu thép, nhôm của hãng này.

Xin bắt đầu từ câu chuyện thịt bò Kobe…

Vâng, thịt bò Kobe chính là một thành phần nguyên liệu nổi tiếng thế giới góp phần vào bát phở để một nhà hàng Việt tại Mỹ đẩy mức giá lên 5.000USD (tức hơn 100 triệu VNĐ) nhằm mục đích gây quỹ từ thiện. Ai cũng hiểu rằng vì mục đích từ thiện cho nên giá bát phở mới cao đến vậy. Nhưng trong trường hợp đó là bát phở thương mại bình thường thôi, thì khi dùng thịt bò Kobe cao cấp trong thành phần nguyên liệu, thì giá cũng sẽ khó mà rẻ cho được.

Hẳn mọi người còn nhớ, theo một thống kê vào tháng 4/2016, thì bát phở đắt nhất Việt Nam là 850.000 đồng, tăng từ mức 750.000 đồng trước đó. Đó là phở bò Kobe tại một nhà hàng ở Hà Nội, có hai mức giá là 850.000 đồng và 650.000 đồng. Hẳn nhiên, khách hàng hầu hết của nhà hàng phở này là các đại gia, người giàu có hoặc lớp trưởng giả học làm sang chứ dân thu nhập khá cũng chắc gì dám ăn loại phở này. Nó đắt, chỉ vì một lí do: nguyên liệu là thịt bò Kobe cao cấp của Nhật Bản.

Miếng thịt bò thì không dễ phân biệt được rạch ròi như vụ nhãn mác "đánh lận con đen" lừa dối khách hàng của Khải Silk. Song có một điều quan trọng là, thực khách đại gia lắm tiền nhiều bạc ăn phở bò Kobe vì họ tin, tin vào cái chất, cái vị thịt bò Kobe cao cấp của Nhật, ăn quen ăn nhiều có thể nhận biết được vị. Họ cũng tin rằng, với cái giá đó thì chủ nhà hàng không dám làm bậy dối trá như ông chủ Khải Silk dám làm là lừa đảo hàng ngàn, cả chục ngàn người tiêu dùng trong suốt những năm qua cho đến khi bị quản lí thị trường kiểm tra thì đổ lỗi cho nhân viên đổi mác vì nhu cầu sức mua ngày 20/10 quá cao. Nhưng tất nhiên, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng đâu phải là trẻ con mà đi tin những lời biện hộ trên!

Tôi chưa dám rút túi đến 850.000 đồng để ăn bát phở bò Kobe cao cấp của Nhật Bản tại nhà hàng trên. Nhưng tôi muốn tin rằng, họ làm ăn nghiêm túc, trung thực và đề cao giá trị đạo đức kinh doanh lên hàng đầu cho dù vấn đề lợi nhuận cũng được đề cao lên hàng đỉnh. Chính vì thế các thực khách đại gia mới là những khách hàng thường xuyên. Bởi nên nhớ rằng, đa phần thực khách đại gia thì cũng sành ăn vì có điều kiện thưởng thức nhiều hơn, được tư vấn kĩ hơn.

Nhưng từ đầu tháng 10/2017, tôi đã đọc hàng loạt tin tức về thép Kobe Steel. Một công ty lâu năm, qui mô lớn, tên tuổi uy tín chất lượng Nhật là thế, mà cũng đã dối trá một cách có hệ thống trong việc khai gian độ cứng của thép để nâng chuẩn chất lượng sản phẩm thép bán cho khách hàng. Mà khách hàng của Kobe Steel, đâu chỉ có các công ty Nhật mà còn có các công ty Mỹ, Châu Âu; đâu chỉ có các công ty sản xuất ôtô mà còn có các công ty sản xuất máy bay, luôn cần độ chuẩn mực về chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra của thành phẩm vì toàn là những sản phẩm công nghệ phổ dụng vận chuyển con người cần độ an toàn và chính xác cao. Cũng có gốc gác Kobe, nhưng chắc chắn những con bò Kobe và thịt bò Kobe chẳng liên quan gì tới hệ thống dối trá tại Kobe Steel. Sự dối trá đó chốt lại là vì gì? Vì lợi nhuận, vì bòn rút lợi nhuận đến mức có thể...; 

Với các sản phẩm thương hiệu Nhật, hàng hóa xuất xứ Nhật, từ trước tới nay người dùng Việt chọn dùng vì sự uy tín, vì niềm tin đặt để chưa từng bị, hay ít bị dối lừa. Song qua vụ "thép giả chất lượng" Kobe Steel hoàn toàn có thể đưa ra cảnh báo rằng, niềm tin vào nguồn gốc, xuất xứ hay uy tín, tên tuổi nhà sản xuất, phân phối cũng không thể theo cách mù quáng mà thiếu kiểm tra, suy xét. Kobe Steel là một điển hình, Khải Silk là một minh chứng. Thị trường ngày nay quá chật hẹp để có chỗ cho những niềm tin có tính thủy chung và bền vững trú ẩn.

Câu chuyện thép Kobe không phải xa vời ở Nhật mà ngược lại rất thiết thực vì gắn liền với các thương hiệu lớn về ôtô của Nhật như Toyota, Honda, Subaru… Những hãng xe này, tới nay vẫn chưa minh bạch thông tin nguyên liệu thép Kobe dưới chuẩn đã đi vào các sản phẩm ôtô bán ra tại thị trường Việt Nam như thế nào. Có nghĩa là đang lởn vởn nguy cơ ẩn họa trên những vôlăng đối với những người sử dụng ôtô tại Việt Nam.

Thép Kobe dưới tiêu chuẩn tác động rộng hơn nhiều, bởi không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với chủ xe, lái xe mà đối với cả hành khách, những người đi nhờ và cả những người không sử dụng phương tiện đó chỉ vì bị "văng miểng" từ những tai nạn có thể xảy ra.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác