VnReview
Hà Nội

Việt Nam với sáng kiến APEC về tiêu chuẩn cho mô hình smart city

Từ ngày 6 đến 11/11, Hội nghị cấp cao của 21 nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương - APEC 2017, sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Với vai trò là nước chủ nhà, đây được xem là trách nhiệm lớn lao và cũng là cơ hội "vàng" để chúng ta học hỏi kinh nghiệm và đề xuất những sáng kiến, góp phần nhỏ bé của mình vào nền kinh tế khổng lồ, đa dạng này. Sáng kiến APEC về tiêu chuẩn, chứng nhận cho mô hình smart city của chúng ta là một minh chứng.

1-;Tại cuộc họp của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (APEC/SOM1/SCSC1) tháng 2/2017 tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò Chủ tịch APEC/SCSC 2017 đã đề xuất Dự án có tên gọi "Chia sẻ mô hình thực hành tốt trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp nhằm xây dựng mô hình đô thị thông minh (smart city) trong khu vực APEC". Trong cuộc họp của APEC/SOM2 từ ngày 9 đến18/5/2017 tại Hà Nội, Dự án trên đã được Hội đồng APEC đánh giá rất cao, vì đúng và trúng với tình hình thực tiễn của các nền kinh tế thành viên cũng như của Việt Nam, nên đã được phê duyệt ngay và giao cho Việt Nam thực hiện. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Dự án trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được APEC tài trợ và cũng là một trong số rất ít dự án đựơc phê duyệt trong năm nay. APEC không tài trợ dự án cho một quốc gia độc lập nào cả, mà các dự án của APEC đều mang tính chất khu vực.

Nội dung và mục tiêu chính của dự án mà Việt Nam đề xuất là tổ chức các cuộc điều tra và các hội thảo quy mô khu vực để chia sẻ những mô hình smart city thực hành tốt, trao đổi thông tin trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy xây dựng các smart city trong khu vực. Thông qua thực hiện Dự án, chúng ta sẽ từng bước thúc đẩy hợp tác khu vực và song phương về vấn đề này.

2- Dự án được đề xuất đó cũng xuất phát từ yêu cầu quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ trong khi chúng ta đang rất cần xây dựng các tiêu chuẩn cho smart city ở Việt Nam. Đến nay chưa có định nghĩa hoàn chỉnh về smart city, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, thì smart city là một "phiên bản nâng cấp" của đô thị kỹ thuật số (digital city). Smart city là sự tích hợp của đô thị kỹ thuật số và các công nghệ. Các công nghệ này thúc đẩy sự giao tiếp giữa các thiết bị, giữa con người và thiết bị,  giữa con người và toàn xã hội, được thể hiện thông qua việc quản lý đô thị ngày càng thông minh hơn. Hiểu đúng về mô hình smart city sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách phân tích đầy đủ những vấn đề thuận lợi, khó khăn, rủi ro tiềm ẩn, đồng thời sẽ sớm tìm ra các giải pháp mới để phát triển smart city ngày càng hoàn thiện.

Mặc dù công nghệ thông minh, phương  tiện thông  minh, dịch vụ thông minh, hệ thống quản lý thông minh... là rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì không thể không có tiêu chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn kỹ thuật chính là công cụ giúp tạo ra sự kết nối giữa các bộ phận; đảm bảo chất lượng, an toàn của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hệ thống khi đưa vào khai thác, vận hành kết nối với nhau. Ví dụ như Tiêu chuẩn về dữ liệu (Data) sẽ giúp chúng ta đảm bảo một khuôn mẫu dữ liệu chuẩn chung, thống nhất áp dụng cho mọi mức độ, nhu cầu khai thác khác nhau, đảm bảo tính bảo mật thông tin truy cập; Tiêu chuẩn quản lý thì tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng  kết nối chung. Tất cả những điều này có tác dụng lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành, cơ quan quản lý và người sử dụng để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, giao dịch, đánh giá, kiểm tra, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ, khai thác...

Rõ ràng là, nếu thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật, thì smart city sẽ chỉ là những mảng sáng rời rạc, không có tính liên kết, thiếu tính tổng thể và tất nhiên, sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại. Chính vì vậy, để bắt kịp xu hướng chung, chúng ta phải khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn cho smart city ở Việt Nam. 

Hiện nay trên cả nước có gần 20 thành phố tuyên bố xây dựng smart city, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đã Nẵng, Vĩnh Phúc, Cà Mau... Một số đang phối hợp với các tập đoàn lớn như Vietel, VNPT để  xây dựng smart city. Như vậy, họ rất cần phải có các tiêu chuẩn để hiểu đúng về smart city và cần có các tiêu chuẩn để áp dụng vào việc xây dựng, đảm bảo cho việc xây dựng và vận hành smart city thành công.

Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10 vừa qua, Chủ tịch của các tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đưa ra một thông điệp năm 2017: "Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn". ISO, IEC và ITU đã đi tiên phong trong việc xây dựng những tiêu chuẩn cho các lĩnh vực cụ thể về smart city. Trong đó, các tiêu chuẩn khung về smart city; tiêu  chuẩn về mô hình dữ liệu smart city; tiêu chuẩn về hướng dẫn cho các nhà quản lý smart city; tiêu chuẩn về hướng dẫn phát triển smart city đã được ưu tiên xây dựng. Nhiều tổ chức tiêu chuẩn nước ngoài có uy tín như Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn (BSI), Hiệp hội vật liệu và thử nghiệm Hoa Kỳ (ASTM)... cũng rất tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về smart city. Đây là một nguồn tài liệu quý giá để chúng ta tham khảo, học hỏi và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam và các nước thành viên APEC.

Dự án "Chia sẻ mô hình thực hành tốt trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp nhằm xây dựng mô hình smart city trong khu vực APEC" được triển khai đã khẳng định vị thế, năng lực của các nhà khoa học Việt Nam đồng thời còn thể hiện cam kết của nước chủ nhà trong việc thúc đẩy, triển khai sáng kiến APEC về tiêu chuẩn, chứng nhận cho mô hình smart city. Một ý nghĩa lớn lao không thể không nhắc tới là, Dự án trên còn đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ để làm sao bắt nhịp với yêu cầu xây dựng, phát triển smart city ở nước ta. Cùng với việc thực hiện Dự án trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất một nhiệm vụ cấp quốc gia trong Chương trình KC01/16-20: "Nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các giải pháp  thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030". Chương trình KC01/16-20 sẽ giải quyết được những nội dung:

- Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn hoạt động tiêu chuẩn hóa trong triển khai, phát triển mô hình smart city theo cách thức tiếp cận của các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO, IEC, ITU...) và một số nước tiên tiến trên thế giới, khu vực.

-  Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN),  hình thành cơ sở khoa học hỗ trợ các địa phương tiếp cận thuận lợi, thống  nhất, khai thác hiệu quả mô hình smart city tại Việt Nam.

 - Xây dựng cơ sở dữ liệu về các tiêu chuẩn, tài liệu kỹ thuật liên quan và mô hình thực tiễn của một số nước tiên tiến trên thế giới, khu vực về smart city. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có những nghiên cứu tổng quan dưới góc độ tiêu chuẩn hóa về xây dựng, vận hành, phát triển của mô hình smart city. Trên cơ sở đó đưa ra đề xuất về quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống TCVN nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc quản lý đô thị trong tương lai một cách hiệu quả; làm cơ sở áp dụng cho các bộ, ngành, địa phương trong tương lai.

Sáng kiến APEC về tiêu chuẩn cho mô hình smart city là một trong trong số những đóng góp thiết thực của nước ta cho APEC, đồng thời chỉ rõ mức độ hội nhập sâu về khoa học công nghệ với cộng động khoa học các nước thành viên APEC. Đó là niềm vinh dự và sự khích lệ lớn lao với các nhà khoa học nước ta.

Đ. Ngọc

Chủ đề khác