VnReview
Hà Nội

Chuyện cửa hàng bán hàng tự động và ý thức tự giác

Ngày 20/11 vừa qua, Công ty cổ phần Kootoro Services (Mỹ) đã khai trương cửa hàng tiện lợi-không người bán tại đường Mạc Thị Bưởi, Quận 1, TP.HCM. Đây là cửa hàng đầu tiên ở nước ta nằm trong chuỗi cửa hàng tự động có tên Toromart, đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Và một câu hỏi đặt ra: Tính tự giác của người Việt còn chưa cao so với các nước phát triển thì hình thức thương mại thời công nghiệp 4.0 có những hệ lụy gì khi người mua tự chọn hàng, tự thanh toán qua chiếc "ví điện tử?

1-;Để mua hàng tại cửa hàng Toromart, khách hàng phải sử dụng smartphone tải ứng dụng "Ví tiết kiệm Toro" trên Android hoặc iOS. Qua một số bước nhập thông tin, người tiêu dùng có được tài khoản Toromart. Khách hàng đến trực tiếp cửa hàng tiện lợi nộp tiền vào tài khoản hoặc chuyển tiền online vào tài khoản thông qua Internet Banking, thẻ Visa..., trước khi giao dịch. Tại quầy cửa hàng tiện lợi này có các bảng chọn sản phẩm bằng màn hình cảm ứng. Khi dùng tay chọn sản phẩm xong, khách chỉ cần mở mã vạch ứng dụng trên điện thoại và đưa màn hình điện thoại vào một điểm quét mã vạch. Sản phẩm sẽ tự động được thanh toán tiền trước khi di chuyển xuống khe đựng sản phẩm. Cửa hàng chỉ có một nhân viên đảm nhận việc hướng dẫn và nạp tiền cho khách. Còn khách hàng sẽ tự phục vụ từ A đến Z , không cần mất thời gian đứng chờ thanh toán ở quầy thu ngân theo kiểu truyền thống. Công ty Kootoro Services dự tính sẽ mở tiếp cửa hàng thứ hai vào tháng 12 tới và trong năm 2018 sẽ phủ khắp cả nước với chuỗi hơn 200 cửa hàng tiện lợi này.

Mô hình bán hàng này quả là mới mẻ với người dân Việt Nam nên cửa hàng còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, như không có túi đựng cho khách, ứng dụng bằng tiếng Anh, nên số lượng khách hàng còn hạn chế.

Tôi đem sự kiện mới mẻ trên tham khảo ý kiến 3 người: Cháu Nguyễn Gia Trị, từng du học ở nước ngoài, chị Hoàng Minh Trang, tuổi trung niên có học vấn và bà Lữ Thị Nguyệt, người nội trợ tuổi trên 60. Tất cả đều cho rằng, loại cửa hàng này là xu hướng tất yếu của nền thương mại thông minh, vừa tiết kiệm nhân lực vừa nhanh chóng và tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán. Tuy nhiên, bà nội trợ cho rằng, mua bán kiểu này dùng cho lớp trẻ là chính, ở tuổi bà ít người hiểu về vi tính, ít người dùng điện thoại thông minh nên nghe để biết thôi. Còn hai người tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi thanh toán bằng ví điện tử ở nước ta còn chưa được đảm bảo an toàn cao, hơn nữa tính tự giác của người Việt còn thấp nên rất dễ xảy ra sự gian lận - lấy hàng mà không trả tiền, hoặc lấy nhiều trả ít...

2- Tôi hỏi lại cháu Trị, sao lại nói người Việt mình tính tự giác còn thấp? Trị đưa ra rất nhiều dẫn chứng minh người mình gian lận khi mua bán ở siêu thị, cửa hàng tự động ở nước ngoài. Một số vụ ăn cắp hàng trong siêu thị đã được đưa lên mặt báo, còn nhiều vụ khác mà công chúng chưa có thông tin. Hoặc khi phải xếp hàng mua bán, làm một việc gì đó cần thứ tự thì người Việt hay chen lấn... Chỗ đông người người Tây không ồn ào, đi trên đường ít khi nghe tiếng còi xe, ăn xong họ thường tự động dọn dẹp bàn ghế, thức ăn thừa…

Không ít người trong chúng ta có dịp tới các nước công nghiệp phát triển với một nền thương mại thông minh, các cửa hàng lớn thường có gian hàng liền kề, nhiều lối thông vào, ra với nhau. Người mua hàng có thể vào cửa này mua thực phẩm, nhưng lại ra lối cửa khác từ quầy hàng thời trang, hoặc đồ gia dụng… Nếu không có ý thức tự giác cao, đó là những khe hở cho kẻ tham lam, gian dối - cố tình cầm nhầm hay vờ quên thanh toán những món hàng có giá trị...

Tại các cây xăng thông minh ở các nước phát triển, hầu như ta không nhìn thấy nhân viên nào đứng bơm xăng phục vụ khách hàng.Tài xế tự động đánh xe tới, tự động xếp hàng xe, chờ tới lượt mình. Phía trong trạm xe, chỉ duy nhất một nhân viên thường trực để cấp thẻ cho những ai trả bằng tiền mặt, hoặc có thẻ giảm giá nhờ khuyến mãi.

Sự tự giác của người dân ở các nước công nghiệp còn được thể hiện trên các phương tiện giao thông công cộng -tàu điện, xe buýt... Có người xuất trình vé tháng, có người dùng tiền xu lấy vé, hầu như chẳng ai quan tâm người bên cạnh mình có bỏ đủ số tiền vé không. Tất cả đều tin vào sự tự giác.

Nhưng ở nước ta ý thức tự giác của con người quả là còn khá thấp! Cảnh chen ngang từ hồi bao cấp phải xếp hàng để mua nhu yếu phẩm vẫn còn đó. Chúng ta vẫn phải chứng kiến những cảnh nhức mắt tại sân bay quốc nội: Trong lúc chờ lên máy bay có những người khách xồng xộc chen ngang, đứng trước phụ nữ dắt theo con nhỏ, đó là chưa kể cảnh đánh nhau ở nhà ga, chửi, đánh nhau trên máy bay. Ý thức tự giác kém cỏi của người Việt rõ nhất là khi tham gia giao thông, hoặc xả rác ra đường. Tại nhiều giao lộ đèn xanh đèn đỏ, hễ có bóng cảnh sát giao thông thì xe dừng chờ trong trật tự. Nhưng vắng bóng cảnh sát giao thông là không ít kẻ ngang nhiên vượt đèn đỏ. Còn nhiều người tham gia giao thông không tự giác chấp hành luật, kèn cựa, giành giật nhau từng tấc đường, khoảng trống để rồi kẹt cứng, chôn chân trong nóng bức hay mưa gió mỗi lúc tan sở, tan trường.

Còn rác thải? Ra ngoài đường phố, ta dễ dàng bắt gặp những người phát tờ quảng cáo. Họ phát một cách tràn lan, bừa bãi, khiến mặt đường chỉ sau vài phút đã tràn ngập giấy rác. Cũng có nhiều người vừa đi đường vừa ăn uống rồi tiện tay vứt vỏ, hộp xuống đường. Ngay cả công viên - nơi được coi là có bầu không khí trong lành, giúp con người có những giây phút thư giãn, cũng không tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm vì rác. Khi ngồi trên ghế đá người ta cũng thấy bã kẹo cao su được nhét vào khe, vào mặt sau của ghế. Đến thăm các danh lam thắng cảnh, ta cũng thấy có rác. Nhiều hồ trong các thành phố, thị xã… rác nổi lềnh bềnh do người dân xả ra, thậm chí có cả xác súc vật do những người vô ý thức đã ném xuống.

Hẳn chúng ta còn nhớ cách đây gần chục năm, một số tuyến xe buýt ở TP.HCM thí điểm cho hành khách tự bỏ tiền vào thùng - kêu gọi lòng tự giác của hành khách trước khi có hệ thống bán vé tự động trên xe buýt, nhưng rồi không thành công. Bởi chính lái xe phải thối lại tiền lẻ cho khách, phải xé vé giùm cho hành khách. Nhưng chủ yếu là thất thu, bởi số người muốn đi xe mà không tự giác mua vé rất nhiều. Đó là một minh chứng nhiều người trong chúng ta chấp hành pháp luật, quy định của nhà nước rất miễn cưỡng. Nếu có sự giám sát của giới hữu trách thì họ thực hiện tốt, nếu không ngược lại. Thực tế cho thấy, ý thức tự giác không thể tự nhiên hình thành mà phải trải qua một quá trình giáo dục lâu dài.

Các nước công nghiệp người dân có được tự giác cao vì họ trải qua hàng trăm năm phát triển, lại được giáo dục từ khi còn ngồi ghế nhà trường, từ trong gia đình, xã hội. Ý thức tự giác của họ còn được hình thành trong hiến pháp, pháp luật. Khi ý thức tự giác của người dân càng hoàn thiện thì nhà nước đó càng hoàn thiện, luật pháp càng hoàn thiện. Còn với chúng ta, dù sao cũng là nước mới tiếp xúc với văn minh công nghiệp và thiếu vắng sự dạy dỗ ý thức tự giác từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Thậm chí xã hội có những căn bệnh cản trở tính tự giác của con người.

Phải nói ngay, đó là "bệnh thành tích". Phong trào thi đua yêu nước trước đây đã phát huy hiệu quả động viên được sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng hiện nay "bệnh thành tích" nảy sinh, tác động tới tính trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo gương xấu cho lớp trẻ, kéo họ vào những "thành tích ảo", tác hại đến nếp sống trung thực, tính tự giác của một bộ phận công chúng. Tự giác chính là sự hiểu biết, ý thức giác ngộ với những hành vi đúng đắn hướng đến chân, thiện, mỹ của con người, hướng tới sự sáng tạo. Nếu thiếu tính tự giác thì cũng đồng thời thiếu khả năng tự chủ, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, trong các lĩnh vực cần sự sáng tạo mạnh mẽ.

Cùng với sự thông minh, hiện đại của máy móc tự động, chính ý thức tự giác và nếp sống kỷ luật của con người là những giá trị quý báu nhất vì một xã hội văn minh. Tự động hóa trong kinh tế-xã hội này càng cao bao nhiêu thì đòi hỏi ý thức tự giác của con người cao lên bấy nhiêu, đó là cặp phạm trù tương hợp. Có được ý thức tự giác cao cần sự giáo dục của nhà trường, xã hội để mỗi người thấy, không làm như thế sẽ là sai, là không hợp với quy luật, không được tồn tại những thứ trái luật trong một xã hội mà máy móc đạt tới trình độ tự động hóa cao. Và chính mỗi người phải tự rèn luyện hàng ngày mới có được phẩm chất cao quý đó.

Đ.Ngọc

Chủ đề khác