VnReview
Hà Nội

Tiền tỉ đổ vào, các sàn thương mại vẫn tràn ngập hàng kém chất lượng

Mới nhất là công bố của Tiki.vn nhận được khoản đầu tư từ JD.com của Trung Quốc, còn trước đó là Alibaba mua lại Lazada, và Central Group thâu tóm Zalora.vn và đổi tên thành Robins.vn.

Giai đoạn "mạnh vì gạo, bạo vì tiền"

Những sàn thương mại điện tử (TMĐT) có thế thần nhất hiện nay tại Việt Nam trước hết phải kể đến Lazada, tiếp đến là Shopee, Tiki.vn, Sendo, Adayroi. Có thể nói, "Big Five" này gần như đang chiếm tỉ trọng doanh số TMĐT áp đạo tại Việt Nam.

Nhưng vấn đề là, đằng sau các sàn này, còn có những "đại gia" tầm cỡ quốc tế. Lazada có Alibaba là một trong hai tập đoàn TMĐT lớn nhất thế giới hiện nay. Shopee có Tencent hậu thuẫn, là tập đoàn Internet số 1 Trung Quốc và cũng có thời điểm trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Châu Á, cán mốc 500 tỉ USD, vượt qua cả Alibaba. Trong khi đó, Tiki.vn vừa nhận gói đầu tư từ JD.com, doanh nghiệp TMĐT xếp thứ 2 tại Trung Quốc chỉ sau Alibaba. Khoảng đầu tư được cho rằng 1.000 tỉ đồng, khoảng hơn 40 triệu USD; bên cạnh đó còn một gói đầu tư từ một quỹ của Hàn Quốc.

Với Sendo.vn, những gói đầu tư từ các quĩ của Nhật đã khá lâu. Trong khi đó Adayroi.com của Vingroup từ khi bước vào hoạt động chưa có công bố nào về nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Cần nói thẳng rằng, ít tiền thì không thể làm TMĐT được với mô hình các sàn bán sản phẩm tổng hợp như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi hay cả Lotte.vn nữa. Có ít tiền, thì các sàn này chỉ cầm cự được một thời gian rồi cũng sẽ trở thành "nạn nhân" của vòng loại. Thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay với những cái tên nêu ở trên, vẫn chưa định vị rõ thế cục. Lazada đang có ưu thế và thị phần lớn nhất, nhưng chưa thể xem là vững chắc như Alibaba tại Trung Quốc hay Amazon tại Mỹ. Còn lại, từ Tiki đến Shopee, Sendo đến Adayroi… , hiện đang "sàn sàn" nhau. Trong tình trạng như vậy, sự "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" là một lợi thế lớn nếu không muốn nói nó đang quyết định đến khả năng giành được thị phần nhiều hơn trong bối cảnh thị trường TMĐT Việt hiện nay khi người tiêu dùng quen và chuộng mua hàng giá rẻ chấp nhận chất lượng tầm tầm.

Có thể nói, dù đang ở thời kì đầu của sự phát triển nhưng thị trường TMĐT Việt Nam lại cạnh tranh khá quyết liệt. Doanh số TMĐT Việt Nam chiếm chưa tới 5% doanh số thị trường bán lẻ (hơn 200.000 tỉ đồng mỗi tháng). Chính vì thế, các doanh nghiệp TMĐT nhìn vào với hi vọng đây là một tiềm năng còn rất lớn có thể khai phá. Nhưng dù thế, sự cạnh tranh của từ 5-6 sàn có sự tương đồng đến trên 90% từ mô hình đến phương thức hoạt động, chủng loại hàng hóa chứ rất ít đặc trưng riêng, dẫn đến cùng khai thác những tập khách hàng tương đồng, và khách hàng cũng thường chạy từ sàn này qua sàn khác chứ khó mà "thủy chung".;

Thương mại điện tử Việt Nam ngày càng giống bản sao của Trung Quốc?

Dạo tỉ phú Jack Ma sang Việt Nam đầu tháng 11/2017, dư luận đã rộ lên vấn đề ông chủ của tập đoàn TMĐT Alibaba lớn nhất Trung Quốc đang cổ súy cho hàng giả, hàng nhái khi trước đó đưa ra nhận xét rằng "hàng nhái được sản xuất bởi Trung Quốc hiện nay còn tốt hơn hàng thật". Và trên thực tế, các sàn TMĐT của Alibaba lâu nay vẫn tràn ngập hàng nhái và cũng không ít hàng giả, tất nhiên hầu hết có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Ở điểm này, các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay cũng khá tương đồng với "đặc trưng Trung Quốc" kể trên. Có ý kiến từ không ít người làm việc tại các sàn này cho rằng, nếu không lấy hàng nhái hay chất lượng tầm tầm từ Trung Quốc, thì nguồn hàng sẽ rất hạn chế và thiếu sự phong phú về chủng loại, mẫu mã.v.v… Chính vì thế, chấp nhận loại hàng hóa có chất lượng vừa phải cũng phù hợp với hầu bao của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam, sẽ giúp các sàn dễ đạt mục tiêu doanh số cũng như lượng người dùng hơn. Thực tế này đang biến thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng giống một bản sao của thị trường TMĐT Trung Quốc. Và tất nhiên hệ lụy kéo theo đó, là sự kiểm soát chất lượng cũng có nhiều lỗ hổng, các vụ khiếu nại ngày một gia tăng.

Cụ thể tại Trung Quốc, số vụ khiếu nại liên quan đến hàng hóa bán qua TMĐT năm 2016 gia tăng đến 15% so với năm 2015. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Quản lí cạnh tranh  thuộc Bộ Công thương, số vụ khiếu nại hàng hóa liên quan đến TMĐT chiếm khoảng 10% tổng số trong năm 2016 và quí I/2017. Và một điều không hề bất ngờ là, các nội dung khiếu nại tại Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng, như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm giới thiệu trên website (có hình ảnh) khác hẳn sản phẩm khi giao đến tay người tiêu dùng…

Và một thực tế đã đến và đang đến ngày càng dồn dập hơn, là các trang như Lazada, Tiki, Shopee… đã nhận những khoản đầu tư từ các đại gia Trung Quốc, thì vấn đề hậu thuẫn chắc chắn không chỉ là vốn đầu tư mà còn nhiều thứ khác, trong đó nguồn hàng hóa từ Trung Quốc chính là một yếu tố rất quan trọng.

Tất nhiên cũng không nên cực đoan rằng trên các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay hầu hết các sản phẩm kém chất lượng bị người tiêu dùng phàn nàn đều xuất xứ từ Trung Quốc. Đã có rất nhiều trường hợp hàng tiêu dùng, thời trang, túi xách.v.v… , được xuất xưởng từ các tổ hợp, xưởng sản xuất nhỏ ở Việt Nam nhưng dán mác Âu-Mỹ, giá rẻ đi cùng với chất lượng cực tồi, hóa ra lại trở nên  quá đắt, thậm chí 1 vốn 4-5 lời. Nếu mua ở những website TMĐT nhỏ lẻ, hay mua qua Facebook, thì chất lượng còn bất ổn hơn nữa.

Cho dù hàng trăm triệu USD đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục đổ vào các sàn TMĐT tại Việt Nam, thì vẫn chưa có hứa hẹn gì giải quyết được vấn đề cốt lõi nhất: Chất lượng hàng hóa. Càng chưa thể hướng các sàn TMĐT Việt Nam đi theo hướng như Amazon khiến người mua thấy yên tâm hơn. Hay chí ít, như một "cú lách" có tên Leflair chuyên bán hàng hiệu theo phương thức flash-sale, đang kiểm soát khá tốt vấn đề nguồn gốc xuất xứ và chất lượng khi đang ở qui mô phát triển nhỏ.    

Thế Lâm

Chủ đề khác