VnReview
Hà Nội

Quản dịch vụ xe công nghệ không chỉ ở góc độ cạnh tranh

Lâu nay công luận và dư luận khi đề cập tới dịch vụ xe công nghệ của Grab và Uber vẫn thường hay đặt trong thế tương quan hoặc đối trọng với taxi/xe ôm truyền thống rồi bàn về vấn đề thị trường, sự cạnh tranh, hành lang pháp lí.v.v… Nhưng sẽ là vô nghĩa, nếu vấn đề cốt lõi là quyền lợi của người tiêu dùng, không được xem xét kĩ càng.

Mặt trái…

Cũng bởi lâu nay, khi đề cập đến dịch vụ của Grab và Uber, thường chỉ nói tới mặt được – hầu như chỉ có lợi cho người tiêu dùng; mặt tích cực – có ưu điểm hơn so với taxi hay xe ôm truyền thống. Vấn đề này, thực ra là nằm ở cách nhìn và góc độ đánh giá, lâu ngày thành ra chính người tiêu dùng lại che mờ mình mà không thấy được những mặt trái.

Không có một dịch vụ nào là hoàn hảo và sự hơn nhau chính là việc biết liên tục cải tiến, hoàn thiện để ngày càng tốt hơn, ưu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh. Grab và Uber đã làm được điều này nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ, giúp cho dịch vụ của họ vừa rẻ hơn (trên mặt bằng cước bình quân ngày thường), gọi xe tiện lợi hơn, thông tin minh bạch hơn, cung cách phục vụ cũng gần gũi và lịch sự hơn.v.v… so với taxi/xe ôm truyền thống. Song như thế, không có nghĩa đã là tuyệt vời, dịch vụ của Grab và Uber đã là thiên đường.

Chúng ta hoàn toàn có thể điểm ra những vấn đề, thời điểm mặt trái của dịch vụ xe công nghệ. Đơn cử như cước tăng cao hơn cước taxi truyền thống vào giờ cao điểm trong ngày thường đến 30% hoặc 50%. Hay trong các trận mưa ngập lụt tại TP.HCM trong năm 2017, cước dịch vụ của Grab và đặc biệt là Uber đi vào vùng ngập tăng đến vài trăm phần trăm. Rồi mới đây thôi, mùa vụ Tết Mậu Tuất 2018, hành khách đã không khỏi bất bình khi cước taxi của Grab và Uber tăng gấp đôi, gấp hai lần rưỡi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường.

Quản dịch vụ xe công nghệ vì ai?

Hành lang pháp lí để quản Grab, Uber hay dịch vụ xe công nghệ nói chung vẫn chưa được ban hành. Song một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là, khi hành lang pháp lí đó được ban hành chỉ cần sau một thời gian ngắn thôi đã có nhiều điểm bất cập. Bởi những diễn biến mới trên thị trường dịch vụ xe công nghệ đang diễn ra rất nhanh, với nhiều yếu tố mới nảy sinh, và cũng có rất nhiều chiêu thức về marketing từ phía các thương hiệu tung ra để thu hút người dùng và tạo lợi thế cạnh tranh. Chính vì thế, buộc phía cơ quan quản lí ngành cao nhất - Bộ GTVT - phải thường xuyên và chịu khó cập nhật tình hình và đánh giá, phân tích để nắm bắt đúng bản chất vấn đề mà quản lí hiệu quả hơn.

Tôi không cho rằng chúng ta thiết lập hành lang pháp lí để quản Grab, Uber hay dịch vụ xe công nghệ nói chung là vì taxi Mai Linh, Vinasun.v.v…

Hàng lang pháp lí quản dịch vụ xe công nghệ cần phải có để loại hình dịch vụ mới này được công nhận và hoạt động một cách chính thức, được nhìn nhận công bằng trên thị trường nhưng cũng tạo môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong một thị trường "sống chung" với loại hình taxi/xe ôm truyền thống. Trong đó, có nhiều yếu tố về điều kiện ràng buộc đối với ngành nghề vận tải hành khách công cộng trong đô thị. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng, đưa ra hành lang pháp lí quản những Grab, Uber… nhằm để cho những Mai Linh hay Vinasun… được hưởng lợi.

Nhưng trên hết, vấn đề mấu chốt nhất chính là giá cước, không thể tùy tiện theo ý của doanh nghiệp điều hành dịch vụ muốn hạ hay tăng thế nào cũng được!

Trước Tết Mậu Tuất, Vinasun "đưa" Grab ra tòa với lí do Grab phá giá dịch vụ và cạnh tranh không lành mạnh bằng các khuyến mãi thường xuyên… là mới chỉ đề cập đến yếu tố "hạ giá cước" mà thôi. Còn trong dịp Tết, khi giá cước taxi Uber, Grab tăng mạnh một cách vô tội vạ, nhiều người tiêu dùng phải chuyển sang sử dụng dịch vụ taxi truyền thống (không tăng cước), thì vấn đề cần phải quản thêm lúc này là mức cước trần của dịch vụ xe công nghệ, chứ không thể để muốn tăng bao nhiêu cũng được trong một số thời điểm. Việc phải quản ở đây, là nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Không thể cứ thích câu người dùng thì ào ạt tung ra khuyến mãi, còn khi muốn thì lại tăng cước lên mức cao ngất.

Người tiêu dùng là "thượng đế" nhưng nhiều khi bị quay mồng mồng như con rối trong các dịch vụ mà không biết mình thực sự được lợi hay thiệt. Chính vì thế, hành lang pháp lí đối với loại hình dịch vụ xe công nghệ càng phải rõ ràng, chặt chẽ bảo vệ cho được những quyền lợi thiết thân nhất đối với người tiêu dùng.

Không có dịch vụ nào lí tưởng hay là một thiên đường. Có chăng, phụ thuộc rất nhiều vào sự chọn lựa và quyết định sáng suốt của chính bản thân mỗi người tiêu dùng. Sự ủng hộ một cách quá hồ hởi và đi đến cực đoan, nhiều khi lại trở thành "cây gậy" đập lên chính quyền lợi của người tiêu dùng.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác