VnReview
Hà Nội

Sở hữu trí tuệ và những khoản “treo” trong CPTTP - nỗi lo còn đó...

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) được ký kết tại Santiago thủ đô Chile ngày 8/3/2018, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Trong hiệp định có rất nhiều yêu cầu chặt chẽ về bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động, sở hữu trí tuệ... Chỉ còn 10 tháng để Việt Nam chuẩn bị thực hiện những điều khoản đã cam kết. Tuy nhiên có những điều khoản còn được "treo" lại như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Vì sao vậy? Những điều còn "treo" đó chính là "món nợ" mà chúng ta phải trả và là nỗi lo không chỉ riêng ai...

1- Ngày 11/11/2017, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, 11 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương quyết định tiếp tục duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định này chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Thỏa thuận được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện (comprehensive) và tiến bộ (progressive) xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bổ sung có 2 từ "toàn diện" và "tiến bộ" mà tầm vóc, chất lượng của CPTPP đã khác trước nhiều. Đó là một hiệp định có tính tiêu chuẩn cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tên gọi của Hiệp định tự thân nó còn là lời nhắc nhở thường trực rằng, quan hệ đối tác này phải là mẫu mực trong mọi lĩnh vực, chứ không đơn thuần chỉ là tháo gỡ các hàng rào thuế quan.

Những hiệp định thương mại với các bên luôn luôn là thử thách lớn trong quá trình đàm phán, vì nước nào cũng muốn bảo vệ lợi ích và quan điểm của mình. Thế nhưng, trên tất cả những khác biệt, các nước thành viên đều nghĩ trước hết đến lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm người lao động, giới chủ doanh nghiệp và các ngành nghề của nước mình.

Các nước tham gia CPTPP thống nhất theo lộ trình sẽ xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu; Tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước. Như vậy, CPTPP vừa tạo sự gắn kết giữa các quốc gia vừa bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa riêng của từng thành viên.

Kết quả phân tích của các chuyên gia khi sử dụng mô hình từ Dự án phân tích Thương mại toàn cầu đa quốc gia, đa lĩnh vực (GTAP) cho thấy: Lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỉ đô la trong trung hạn. CPTPP sẽ làm tăng phúc lợi toàn cầu lên khoảng 21 tỉ đô la. Các lợi ích này sẽ tăng dần nếu số thành viên Hiệp định gia tăng và những lợi ích khác có được từ tự do hóa thương mại như là cải tiến năng suất và tính hiệu quả theo quy mô được hiện thực hóa theo thời gian.

Trong các thành viên của Châu Á, Malaysia sẽ thu được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), sau đó là Việt Nam và Brunei với khoảng 1,5% GDP. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Các chuyên gia kinh tế dự báo, với Việt Nam, khi tham gia CPTPP, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… sẽ có tăng trưởng đột biến.

Nhưng CPTPP cũng sẽ tạo ra nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và bộ phận yếu thế trong xã hội. Đơn cử ví dụ có tính thời sự để lấy đó làm bài học cho các doanh nghiệp: Những tháng đầu năm 2018, khoảng 1000 mặt hàng Nhật Bản vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%, Hàn Quốc là 700 mặt hàng. Hàng hóa của doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị "bóp chết" trước "làn sóng hàng ngoại" này, vì doanh nghiệp nội chưa nâng cao được năng lực nên khả năng cạnh tranh rất thấp. Chỉ 10 tháng nữa thôi, khi thực hiện CPTPP, các nước sẽ xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp trong nước không đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất ngay từ bây giờ để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP thì "thua trên sân nhà" là chuyện hiển nhiên.

2- Để động viên các nước còn tụt hậu, CPTPP ân hạn một thời gian, hay còn gọi là "treo" việc thực hiện một số lĩnh vực cho vài nước, trong đó có nước ta, ví như 5 năm để hoàn thiện Luật lao động, Sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ là các quyền liên quan tới: Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Sáng chế thuộc mọi lĩnh vực; Phát minh khoa học; Kiểu dáng công nghiệp; Nhãn hiệu hàng hoá; Nhãn hiệu dịch vụ; Tên và chỉ dẫn thương mại, thương hiệu, biểu trưng; Quyền (bảo vệ) chống cạnh tranh không lành mạnh; Tác quyền trong môi trường số. Quả thật, các lĩnh vực của sở hữu trí tuệ thật bao la!

Nhìn lại cho thấy, khi đàm phán Hiệp định TPP, vài nước muốn vô hiệu hóa một số luật và thông lệ của các nước thành viên trong việc bảo vệ các loại dược phẩm mới không bị cạnh tranh bởi các thuốc gốc. Nhưng với CPTPP thì không có yêu cầu nào cho các nước thành viên thay đổi các luật và thông lệ đối với các dược phẩm mới gồm cả chế phẩm sinh học. Các nước cũng không còn phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền lên 70 năm (từ 50 năm). Điều này giúp làm giảm chi phí hữu hình cho các nước thành viên của CPTPP. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam có thời gian thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ. Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, người tham gia hầu hết các vòng đàm phán TPP về sở hữu trí tuệ, trong lĩnh vực này Việt Nam đang tồn tại "ba điểm yếu lớn":

- Hình sự hóa những vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ. Hiện nay pháp luật của Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự.

- Bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó vấn đề gay cấn nhất là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm.

- Vấn đề nông hóa phẩm, từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắcxin thú y. Nếu đáp ứng yêu cầu rất cao về nông hóa phẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Như vậy, sở hữu trí tuệ vẫn còn là "món nợ" chúng ta phải trả dần... Đó là thách thức lớn đối với Việt Nam và là nỗi lo của không riêng ai. Thử nhìn lại xem việc thực thi sở hữu trí tuệ của chúng ta yếu tới mức nào?

Nhân CPTPP được ký kết và "treo" một số điều khoản, tôi hỏi Tiến sĩ Trần Bình An, Giám đốc Công ty Công nghệ T.N, ông cho rằng: "Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được Chính phủ triển khai từ năm 2007, nhưng những nỗ lực của các cơ quan chức năng, cũng chỉ mới đưa được Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, vi phạm bản quyền loại này vẫn đang còn diễn ra". Đã có nhiều văn bản, quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hiện thực hoá việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong điều kiện Việt Nam, nhưng trên thực tế việc thực thi quyền này còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều "vấn đề" nên dẫn đến trình trạng vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn như hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi..

Vì thế khi tham gia CPTPP, Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho thích hợp. Đồng thời, coi đây là áp lực để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhất là tệ nạn hàng nhái, hàng giả, ăn cắp bản quyền, thương hiệu... ngay ở trong nước.

Với các doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia trong CPTPP.

Với CPTPP các chuẩn mực về môi trường, sở hữu trí tuệ... có khắt khe hơn,; cũng không ngoài mục đích: vì lợi ích lâu dài và bền vững của mỗi quốc gia, vì sức khỏe người dân.

Thực tiễn hội nhập, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với cải cách nền kinh tế một cách chủ động thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực. Ngược lại mà thụ động, lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong các Hiệp định thì sẽ phải trả giá. Và đừng nghĩ việc thực hiện CPTPP chỉ ở cấp vĩ mô mà phải thấy nó hiện diện trong cuộc sống hằng ngày và mỗi công dân phải có ý thức thực hiện. Chẳng hạn như việc bảo vệ môi trường; bảo vệ sở hữu trí tuệ, nếu mỗi người có ý thức thì việc "đạo văn", làm hàng nhái, hàng giả sẽ khó có thể xảy ra.

Đ. Ngọc

Chủ đề khác