VnReview
Hà Nội

Lỗi truyền thông "Thánh SIM": Trông đợi gì ở các nhà quản lý?

Việc nhà mạng Vietnamobile bị yêu cầu giải trình gói cước Thánh SIM vừa qua đã dấy lên nhiều câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà mạng lẫn người tiêu dùng. Liệu đây có phải là một quyết định thấu tình đạt lý trong bối cảnh "cá lớn nuốt cá bé" hiện nay?

>;Vietnamobile thay đổi truyền thông Thánh SIM, công bố phí duy trì 20.000 đồng/tháng

> "Thánh SIM" của Vietnamobile bị Cục Viễn thông yêu cầu dừng triển khai

Banner quảng cáo của Vietnamobile sau khi bị yêu cầu giải trình vụ truyền thông "miễn phí DATA" 

Còn nhớ trước đây, khi mà các mạng nhỏ như Beeline, S-fone hay G-Phone đã không thể trụ nổi với các chương trình khuyến mãi khủng từ các ông lớn như Viettel, MobiFone hay Vinaphone và lần lượt buông cờ trắng, một chiến trường theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" đúng nghĩa dù trong đó không ít nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính "cá bé" như dùng mạng CDMA hay vùng phủ sóng hạn chế.

Mãi gần đây Vietnamobile (tiền thân là HT-Mobile, liên doanh của Hanoi Telecom và Tập đoàn Viễn thông Châu Á Hutchison) sau một thời gian sống lay lắt đã có màn quay lại ngoạn mục và gây được sự chú ý của người dùng với nhiều chương trình ưu đãi, trong đó đặc biệt là Thánh SIM – gói cước cho phép người dùng sử dụng 4GB dữ liệu tốc độ cao/ngày trong khi cước phí duy trì chỉ vào khoảng 20 ngàn đồng/tháng. Sau khi 1 triệu chiếc Thánh SIM bán hết veo trong vòng một tháng đầu tiên thì nhà mạng Vietnamobile đã bị các nhà quản lý "thổi còi".

Lỗi truyền thông "Thánh SIM" của Vietnamobile

TVC quảng cáo "Thánh SIM" của Vietnamobile

Các nhà quản lý đã không sai khi yêu cầu Vietnamobile giải trình, bởi theo các thông tin quảng bá trên các phương tiện truyền thông thì Vietnamobile đã quá "vô tư" khi dùng từ "miễn phí DATA" cho gói Thánh SIM, bởi theo luật cạnh tranh thì các công ty không được dùng hình thức "miễn phí" hàng loạt cho người dùng để "giết đối thủ".

Tuy nhiên, thực sự thì Vietnamobile không vi phạm điều luật này mà cái sai của họ chính là dùng sai từ ngữ gây hiểu nhầm về mặt truyền thông và qua đó ảnh hưởng tới các nhà mạng khác, bởi trong phần chi tiết gói cước họ vẫn ghi rõ mức phí duy trì Thánh SIM là 20.000 đồng/tháng, nói cách khác Vietnamobile đã "vạ miệng" khi truyền thông Thánh SIM. Trước đó, các nhà mạng khác vẫn có các gói cước 60GB-120GB tháng nhưng được bán ra chủ yếu qua các tay buôn thiết bị phát 3G/4G hơn là niêm yết công khai, bạn sẽ rất khó tìm được thông tin các gói cước khủng này trên các trang chủ của ba nhà mạng lớn... Một số gói cước khuyến mại lớn tương tự cũng được ba mạng lớn áp dụng khoanh vùng cho khách hàng tại một số tỉnh thành nhất định, hoặc chỉ dành cho những khách hàng nhận được tin nhắn khuyến mại. Nếu xét rằng Vietnamobile chỉ là một mạng nhỏ với vùng phủ sóng còn yếu, lượng khách hàng khiêm tốn, thì gói cước Thánh SIM cũng không khác gì các gói cước nói trên của các mạng lớn.

Nói cách khác, qua việc Vietnamobile đưa ra các gói cước ưu đãi tốt như "Thánh SIM" để tận dụng băng tần 3G đang bị hắt hủi và được nhiều người dùng ủng hộ, các nhà mạng lớn nên điều chỉnh kịp thời để đưa ra các gói cước cạnh tranh và hợp lý hơn hiện tại, củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ thay vì đẩy khách hàng vào tay đối thủ. 

Vì sao siết chặt khuyến mãi và nghiêm cấm "miễn phí"?

Hạn mức khuyến mại mà Bộ TT&TT đưa ra cho các nhà mạng có sự khác nhau dựa trên quy mô doanh nghiệp, theo đó hạn mức dành cho các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile giảm từ khung 300% xuống còn 100% và của ba ông lớn Mobifone, Viettel và VinaPhone giảm từ 50% xuống còn 20% đối với thuê bao trả trước, còn thuê bao trả sau vẫn giữ mức 50%. Lý do của việc siết chặt mức khuyến mãi lần này được phía quản lý (Bộ TT&TT) đưa ra là nhằm giảm phát tán tin nhắn rác, SIM rác và thúc đẩy người dùng chuyển sang thuê bao trả sau để tiện quản lý.

Điều này có vẻ hợp lý nhưng trong tình huống này chúng ta mới chỉ thấy được lợi ích cho phía nhà quản lý, còn người tiêu dùng và doanh nghiệp đều ít nhiều bị mất lợi ích đáng kể (giá trị khuyến mãi dành cho người dùng và việc thu hút khách hàng đối với doanh nghiệp). Trong khi đó, việc cấm "miễn phí" trong cạnh tranh là điều hợp lý, nhưng thường áp dụng trong các trường hợp "cá lớn nuốt cá bé", mục đích là để các doanh nghiệp lớn không tìm cách hạ giá sát sàn hoặc "tặng không" cho khách hàng trong một thời gian ngắn để "giết" đối thủ.   

Vai trò điều tiết của nhà quản lý

Vai trò điều tiết của nhà nước giúp thị trường giảm thiểu các thương vụ cá lớn nuốt cá bé

Trong bối cảnh thống trị của "cái kiềng ba chân" MobiFone, Viettel và VinaPhone, việc duy trì một nhà mạng nhỏ với nhiều ưu đãi như Vietnamobile là cần thiết, tránh cảnh "hợp sức" siết hầu bao người dùng của ba ông lớn, nhất là với các gói cước dữ liệu vốn rất đắt đỏ. Hãy thử nhìn xem, với nhu cầu sử dụng dữ liệu hiện nay thì các gói cước trọn gói của ba nhà mạng lớn hiện nay là bao nhiêu? Liệu 1GB/tháng của các nhà mạng này có còn phù hợp với thực tế? 

Việc các nhà quản lý vào cuộc để yêu cầu Vietnamobile giải trình là đúng, điều này thể hiện vai trò của các nhà quản lý khi phát hiện sai phạm (về mặt truyền thông). Tuy nhiên, trong bối cảnh cả ba nhà mạng lớn nhất hiện nay đều do nhà nước quản lý thì đề xuất vội vã yêu cầu dừng ngay lập tức gói cước sẽ đặt cả doanh nghiệp nhỏ như Vietnamobile và người dùng (đã mua Thánh SIM) vào thế khó. Ngược lại, ngoài động thái thay đổi truyền thông để làm rõ chi phí gói cước, Vietnamobile cũng nên kiểm điểm nghiêm túc về sai sót khi truyền thông, tránh lặp lại các sai phạm tương tự.

Tựu trung lại, vai trò của các nhà quản lý của nhà nước lúc này không chỉ là điều tiết giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, như Bác Hồ từng nói, "cái gì thấy lợi cho dân thì mình làm", tránh để nhà mạng lạm dụng nhưng cũng tránh để người dân phải "bơi" giữa vòng kim cô của ba nhà mạng lớn vốn thường "đồng lòng" đưa ra các gói cước "same same" nhau.

TM

Chủ đề khác