VnReview
Hà Nội

Uber về “chung nhà” Grab, người tiêu dùng được hay mất?

Lời đồn đoán đã thành hiện thực: Uber Đông Nam Á đã chính thức sáp nhập vào Grab và theo đó Uber có 27,5% cổ phần trong Grab, CEO của Uber - Dara Khosrowshahi cũng sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Thương hiệu Uber biến mất khỏi Đông Nam Á

Có thể thấy rất rõ bàn tay dàn xếp của nhà đầu tư lớn Softbank (Nhật Bản) trong thương vụ sáp nhập này. Softbank là cổ đông lớn của Uber khi tính đến cuối năm 2017 họ đã rót tổng cộng 10 tỉ USD vào Uber để nắm giữ tổng cộng 15% cổ phần.

Thực ra đây không phải một tính toán mới, mà nó nằm trong chiến lược của Softbank, là đầu tư vào các start-up ứng dụng đặt xe qua Internet tại một số quốc gia, sau đó thúc đẩy sáp nhập Uber tại quốc gia hay khu vực đó vào start-up để tránh những cuộc chiến gần như tình huống "huynh đệ tương tàn".

Trong khi đó, Uber từ ngày thành lập đến nay vẫn triền miên lỗ lã và sa vào nhiều scandal khiến hình ảnh bị tổn hại nặng nề và thậm chí còn bị nhân viên kiện tụng. Việc Uber rút khỏi một số thị trường mà cơ hội cạnh tranh khó qua được đối thủ nhằm tập trung nguồn lực và tâm trí cho các thị trường chủ lực, cắt bớt lỗ lã, đồng thời cũng có thêm nguồn thu tiền mặt hoặc cổ phần tại những công ty đối thủ sau khi "chuyển thù thành người nhà" cũng là bước đi hợp lí. Đơn cử khi sáp nhập vào Didi Chuxing tại Trung Quốc năm 2016, Uber bỏ túi được 1 tỉ USD cùng với cổ phần, nhưng quan trọng không kém là được rảnh rang thoát khỏi áp lực cạnh tranh với Didi Chuxing trong một thế cuộc mà Uber gặp nhiều o ép trên "sân nhà" của ứng dụng nội địa. Uber cũng sáp nhập vào ứng dụng đặt xe Yandex tại Nga. Sáp nhập vào Grab là thương vụ bán mình đổi lấy cổ phần thứ ba mà Uber thực hiện.

Theo những thông tin được công bố, ứng dụng đặt xe của Uber có hai tuần để "thanh lí môn hộ", sau đó các tài xế Uber từ ôtô đến môtô sẽ phải sử dụng ứng dụng đặt xe của Grab tại Việt Nam nếu đồng ý chuyển mạng. Ứng dụng Uber Eats chuyên giao nhận thức ăn hoạt động đến tháng 5/2018 rồi cũng sẽ "hòa tan" vào GrabFoods hiện đã được cung cấp dịch vụ tại hai quốc gia nhưng được cho rằng sẽ phủ khắp Đông nam Á vào giữa năm nay.

Các ứng dụng của Uber tại khu vực Đông Nam Á "hòa tan" vào Grab cũng đồng nghĩa với việc, thương hiệu Uber tại Đông Nam Á sẽ không còn nữa, bởi đây là một thương vụ sáp nhập triệt tiêu và đồng nhất thương hiệu vào bên mua.

Ngoài các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam mà Softbank đã đầu tư, thì "đại gia" này cũng đầu tư vào ứng dụng Ola tại Ấn Độ. Nhiều dự đoán cho rằng có thể sau này Uber tại Ấn Độ cũng có thể đi theo con đường sáp nhập như trường hợp Uber tại Việt Nam và Trung Quốc.

Người tiêu dùng Việt Nam: Nguy cơ mất nhiều hơn!

Chuyện sáp nhập là của doanh nghiệp, nhưng đối với người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, việc Uber Đông Nam Á "đầu hàng" Grab và về "chung nhà" là một tin chẳng có gì lấy làm vui vẻ. Bởi cuộc sáp nhập này, về bản chất đã triệt tiêu hầu như mọi cạnh tranh trên thị trường dịch vụ ứng dụng đặt xe qua Internet tại thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Grab bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2012, đến nay đã đạt được khoảng 90 triệu lượt tải ứng dụng, mạng lưới dịch vụ đặt gọi xe phủ gần 200 thành phố tại các quốc gia Singapore, Indonesia, Philippinnes, Malaysia, Việt Nam, Mynamar và Campuchia. Grab cũng đã chiếm đến 95% thị phần ứng dụng gọi taxi bên thứ ba và 71% thị phần gọi xe cá nhân tại Đông Nam Á. Với lượng vốn đầu tư dồi dào lên đến 4 tỉ USD tính đến thời điểm cuối năm 2017, Grab gần như đang có các điều kiện thuận lợi để phát triển và dồn ép các đối thủ.

Tại Việt Nam, thị phần đặt xe ôtô, xe máy qua ứng dụng trên Internet tính từ năm 2012 tới nay gần như do Grab và Uber nắm giữ. Sự cạnh tranh trên thị trường những năm qua có chăng cũng chỉ giữa hai thương hiệu này và qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Trong đó, quyền lợi được hưởng rõ ràng và phổ biến nhất là giá cước Uber thường rẻ hơn Grab.

Tuy nhiên từ cuối tháng 3/2018, khi Uber đã bán mình cho Grab ở Đông Nam Á, sắp tới thị trường dịch vụ ứng dụng đặt xe qua Inernet coi như nằm trọn trong tay Grab. Bởi các ứng dụng đặt xe Việt hiện không có được vai trò gì cho dù ngay cả các thương hiệu lớn như Vinasun, Mai Linh… đã "đẻ" ra ứng dụng đặt xe, nhưng mang tính nửa vời.;

Với thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á, về mặt quyền lợi, người tiêu dùng có lẽ mất hơn là được. Độc chiếm thị trường, Grab dễ dàng tự làm giá, giới tài xế dễ gặp tình cảnh "nếu không thích thì biến", còn các chương trình khuyến mãi hay giảm giá dù không còn được như trước thì người tiêu dùng cũng không có lựa chọn nào khác…

Người tiêu dùng thường được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Chính vì thế lúc này, sự chú ý và kì vọng đang hướng về ứng dụng đặt xe Go-Jek lâu nay mới chỉ phổ biến tại Indonesia. Thông tin Go-Jek vào Việt Nam đã được dư luận từ khá lâu nhưng bây giờ chính là cơ hội chín muồi. Chúng ta là những người dùng và luôn mong muốn quyền lợi của mình được bảo vệ ở mức tốt nhất. Chúng ta có thể vẫn sử dụng dịch vụ của Grab nhưng mong muốn lớn hơn là thị trường luôn có sự cạnh tranh để tránh tình trạng độc chiếm và độc quyền.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác