VnReview
Hà Nội

Hàng triệu SIM rác phải làm sao?

Cách đây vài năm trở về trước, SIM được nhà mạng kích hoạt sẵn có bán đầy rẫy trên thị trường, đến nỗi một Đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên: mua SIM dễ như mua một mớ rau muống!

Dạng SIM như vậy một thời được gọi là "SIM rác". Khi đó, khách hàng chỉ cần đến cửa hàng bán SIM, hoặc cửa hàng điện thoại, mất một khoản tiền nhỏ hoặc thậm chí miễn phí nếu mua điện thoại, sẽ ngay lập tức sở hữu một số điện thoại di động đang hoạt động kèm tài khoản khuyến mại "khủng" đi theo.

Theo bài viết đăng trên báo Tiền Phong ngày 23/4/2018, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quá trình kiểm tra phát hiện thực tế, vì lợi nhuận, doanh thu và cũng vì tổ chức thực thi chưa thật nghiêm nên một số nhân viên của các doanh nghiệp và đặc biệt các đại lý phân phối SIM thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán cho người khác mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ. Thậm chí, đại lý, nhân viên nhà mạng còn sử dụng phần mềm, công nghệ để tạo ra chứng minh nhân dân giả, để hoà mạng các SIM di động. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số cá nhân khi kiểm tra thông tin thuê bao sẽ phát hiện mình là chủ thuê bao của nhiều số mà thực tế họ không đăng ký.

SIM rác

Những năm trước, SIM rác do nhà mạng kích hoạt sẵn. Khách hàng có thể dễ dàng mua được SIM "rác" hoặc ẩn danh.

Bây giờ, khi quy định yêu cầu thuê bao phải kê khai chính xác thông tin và đến tận nơi để nhà mạng chụp ảnh chân dung, hàng triệu số điện thoại bỗng dưng trở nên "vô chủ", có nguy cơ bị xoá sổ [ Hiện có tới 38 triệu thuê bao có thông tin đăng ký chưa chính xác].

Chưa nói đến các SIM được một người [lạ] đứng tên kích hoạt hàng loạt, ngay cả người thân/ quen đứng tên cho nhau cũng trở nên éo le, như con đứng tên thuê bao cho cha mẹ, nhưng hiện con đang học tập, sinh sống ở nước ngoài.

Vậy các nhà mạng xử lý như thế nào với các thuê bao này? Khi được hỏi, các nhân viên giao dịch nhà mạng đều trả lời là thuê bao không chính chủ phải tìm mọi cách để mời chính chủ cùng đến điểm giao dịch của nhà mạng để sang tên. Nếu không, họ không thể làm gì được – có nghĩa là số điện thoại đó có thể bị cắt liên lạc.

Có lẽ, đã đến lúc các nhà mạng, nhà quản lý nên tìm ra giải pháp đối với các trường chính chủ mà không phải là chính chủ do hậu quả của SIM rác bởi nếu cắt liên lạc những số này lỗi để xảy ra tình trạng này chính ở các nhà mạng - vì sức ép phát triển thuê bao - đã kích hoạt SIM mà không cần thông tin chính chủ.

Minh Hương

Chủ đề khác