VnReview
Hà Nội

World Cup 2018: Khi bóng đá trở thành trò chơi công nghệ…

Chưa có kì World Cup nào mà công nghệ đã lấn sâu vào bóng đá như kì World Cup 2018 này. Những cái tên với hàm lượng công nghệ cao, hoặc chính là các chương trình phần mềm, máy móc liên tục được nhắc đến trong những ngày qua là quả bóng Telstar 18, công nghệ VAR video trợ lí trọng tài…

Một siêu mẫu nam, bình luận trong trận Brazil gặp Costa Rica trên VTV, đã lập luận đại ý rằng "bóng đá là thế…", nghĩa là luôn xảy ra may rủi, luôn có sự thiếu công bằng hay bất công từ các "vua sân cỏ". Chứ bóng đá mà quá rạch ròi công bằng, trọng tài bắt cứ chính xác như máy móc, thì còn gì là bóng đá…

Tôi không biết có bao nhiêu người ủng hộ quan điểm và lập luận của mẫu nam đẹp trai này. Song trên thực tế, tôi cũng đã nghe và đọc không ít comment trên mạng đề cập đến VAR và cũng có quan điểm tương đồng như siêu mẫu nam kia. Thế nhưng cách đây vài năm, khi thế giới bóng đá còn xa lạ hay chưa quen lắm với những công nghệ như Goal-Line hay VAR, mỗi lần có những pha bóng hay bàn thắng gây tranh cãi thì cũng từng có không ít người buộc miệng "giá mà…", hay "vì sao FIFA không triển khai sớm các công nghệ mới giúp trọng tài ra quyết định chính xác và công bằng hơn nhỉ".v.v…

Tôi nghĩ đây là một tâm lí thường tình: Khi chưa có thì mong, có rồi thì lại thấy cũng không nhất thiết. Từ đầu mùa giải World Cup 2018 tới nay, đã có cả chục quyết định trong đó có nhiều quyết định liên quan tới đá phạt đền đã được trọng tài đưa ra sau khi xem lại những pha chiếu chậm từ máy tính VAR. Có hai góc nhìn về hành vi này: Thứ nhất, trọng tài cũng cần xác định lại các pha bóng mà bằng mắt thường của "vua sân cỏ" có thể không quan sát kịp, hoặc ở các góc không quan sát được đầy đủ, hay muốn kiểm tra lại xem quyết định ban đầu mình đưa ra có đúng/chính xác hay không. Thứ hai, trọng tài không còn là người ra quyết định cuối cùng, không còn là "vua sân cỏ" trong trận bóng nhất định và cũng biết sợ… một hệ thống công nghệ có tên VAR; vì thế nhiều quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới cục diện trận đấu được các "vua sân cỏ" nhận "chỉ thị" từ một VAR máy móc.

Trong tài nhận "chỉ thị" từ VAR để ra quyết định chính xác và hợp lí đã đành, mà còn dựa vào đó có thể đưa ra quyết định sau đảo ngược lại chính quyết định trước đó của mình. Trọng tài Bjorn Kuipers phút 77 trận Brazil – Costa Rica đã làm như vậy: Phút 77 ông thổi dừng trận đấu cho Brazil hưởng phạt đền khi Neymar bị ngã trong vòng cấm của Costa Rica. Tuy nhiên sau khi tham khảo VAR, ông đã đảo ngược lại quyết định trước đó. Còn trong trận Nigeria – Iceland, trọng tài Matthew Conger từ chỗ không thổi phạt đền đối với Nigeria nhưng sau đó đã thay đổi ngược lại, cho Iceland được hưởng phạt đền vì tiền đạo của đội này bị hậu vệ Nigeria kéo ngã trong vòng cấm.

Chín người mười ý nhưng tôi ủng hộ nên có sự hỗ trợ của công nghệ giúp trọng tài ra quyết định chính xác hơn, hợp lí hơn. Những thẻ phạt nặng quá mức hay các quả phạt đền oan ức đã song hành với nền bóng đá thế giới hàng thế kỉ qua. Nhưng không có nghĩa "bóng đá là thế" để rồi vẫn tồn tại những xúc cảm phẫn uất và bi thương vì bị những thẻ phạt và quả phạt đền oan khuất. Sự oan khuất đó chính là sự thiếu công bằng mà FIFA đã không giải quyết được khi chưa có các giải pháp công nghệ hỗ trợ phù hợp. Tôi không cùng quan điểm với nam siêu mẫu kia rằng VAR đã làm mất hứng hay vỡ vụn cảm xúc theo các pha bóng lăn đầy gay cấn và tranh cãi. Với VAR, những cảm xúc vẫn nguyên vẹn khi các quyết định được đưa ra chính xác và công bằng hơn sẽ góp phần đo lường đúng thực lực hơn của từng đội bóng. Và với VAR, sự may rủi trong bóng đá nói chung và các trận đấu nói riêng vẫn còn đó…

Có công nghệ VAR nhưng có áp dụng để xem xét trong từng tình huống trên sân hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào quyền của trọng tài chính. Trận đấu giữa Đức và Thụy Điển đêm 23 rạng sáng 24/6 là một minh chứng: Tiền đạo của Thụy Điển bị đẩy ngã trong vòng 16m50 của Đức nhưng trọng tài nhất quyết không tham khảo VAR. Và như câu cửa miệng chúng ta hay nói: "Bóng đá là thế…"

Cho dù bóng đá có sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ hay nó đang dần biến đổi thành trò chơi công nghệ đi nữa thì bóng đá vẫn là đá bóng mà thôi. Và trong trò chơi đá bóng đó, nguồn cảm hứng là từ các cầu thủ lan truyền đến khán giả tạo ra xúc cảm trong hàng tỉ trái tim người hâm mộ mà không dễ gì một số quyết định dựa vào VAR hay những công nghệ khác làm "vỡ vụn" được cảm xúc người xem. Rồi chúng ta sẽ dần quen với các ứng dụng công nghệ áp dụng trong bóng đá cũng như các môn thể thao khác và sẽ cảm thấy đó là điều bình thường.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác