VnReview
Hà Nội

Vì chúng ta chưa chịu học cách chối từ hành vi xem lậu…

Mua bản quyền khó nhưng giữ còn khó hơn.;Gần đây nhất là trường hợp mua bản quyền World Cup 2018 mua về phát sóng tại Việt Nam của VTV. 

Cho đến những ngày cuối cùng gần khai mạc World Cup, thương vụ mới có thể hoàn tất, với cái giá được cho là hơn 12 triệu USD. Không bàn về việc làm thế nào để VTV mua được bản quyền World Cup 2018 khi thông tin chính thức đã được công bố là nhờ có sự tài trợ hàng triệu USD từ Vingroup và Viettel. Cái giá hơn 12 triệu USD, khoảng chừng 300 tỉ đồng để mang bản quyền World Cup 2018 về Việt Nam, với xứ người là rẻ (vì Thái Lan, Singapore, Malaysia mua với giá đắt hơn Việt Nam nhiều) nhưng với Việt Nam là đắt: Thứ nhất vì đó là mức giá cao nhất so với bao kì World Cup trước. Thứ hai là nhà đài Việt Nam than không có kinh phí…

Nhưng vấn đề là mua được rồi phục vụ hàng triệu người hâm mộ Việt Nam, song để giữ được bản quyền không hề dễ. Ở Việt Nam từ bao năm nay, mua bản quyền khó nhưng giữ còn khó hơn, hay nói cách khác là rất dễ bị ăn cắp bản quyền. Minh chứng là 3 ngày đầu tiên của mùa World Cup đang diễn ra, có hơn 700 vụ vi phạm dưới nhiều hình thức, trong đó có khoảng 300 vụ bị ngăn chặn.

Còn nhớ đêm 16/6/2018 khi chúng tôi lênh đênh trên vịnh Hạ Long, một câu hỏi nảy lên: Trên tàu không có tivi thì làm sao xem World Cup đây? Ngay lập tức liền có hồi đáp: Suong.tv. Mở ứng dụng suong.tv trên điện thoại di động, có thể xem được thật, trong khi các ứng dụng từ của K+ đến SCTV đều không thể xem được. Chốt lại là: Thực hiện nghiêm qui định về bản quyền thì không có chương trình cho khán giả xem, thành ra "thiệt thòi", và có thể còn bị mất khán giả. Trong khi như suong.tv, cứ ăn cắp, có người xem là có thêm users, còn chạy được quảng cáo đủ thể loại để thêm nguồn thu. Tất nhiên đó là đồng tiền vi phạm, tiền bẩn. Ở Việt Nam, nhiều website hay kênh YouTube ăn cắp bản quyền từ thượng vàng đến hạ cám, đều kiếm tiền bẩn cả đấy nhưng khi ra ngoài đời cũng thành cao sang cả vì có tiền và giàu hơn bao người, có khi còn quay ra xem thường những người làm ăn chân chính mãi không giàu lên nổi.

Cũng ở Việt Nam, dư luận thường ít khi bận tâm người A. hay đối tượng B. giàu bẩn, trừ phi bị pháp luật sờ đến và xộ khám thì chịu. Điển hình gần đây là trường hợp Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam trong vụ án đường dây đánh bạc online cả chục ngàn tỉ đồng qua cổng game Rikvip.

Mới đây những con số do trang Zing đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình: Những chủ web phim lậu, như Phimmoi.net chẳng hạn, gần như chẳng phải tốn đồng nào trang bị máy chủ mà thay vào đó tận dụng loại tài nguyên này của Google, Facebook để lưu trữ phim lậu rồi phát lại, thế nhưng có thể thu về đến 25 triệu đồng/tuần đối với một ô quảng cáo, hoặc lấy phí khoảng 20.000 đồng/1.000 lượt xem đối với những TVC thuê web phim lậu để phát. Đây được xem là ngành kinh doanh với vốn 0 đồng nhưng thu về tiền tỉ hàng năm khá thịnh hành tại Việt Nam. Nhiều cá nhân hoặc nhóm nhỏ đi vào con đường này kiếm được số tiền không nhỏ một cách khá dễ dàng thay vì phải nhọc tâm, đau đầu khởi nghiệp với chí hướng làm ăn lớn.

Suy cho cùng, tình trạng ăn cắp bản quyền như rươi tại Việt Nam cũng xuất phát từ thói xấu của người Việt là quen xài "chùa" gắn với cơ chế bao cấp từ hàng chục năm về trước. Chúng ta chưa chịu hấp thụ hoặc còn tiếp nhận rất ít sự văn minh trong ứng xử với bản quyền các thể loại mà bản chất nó là sở hữu trí tuệ do bao người hao tâm tổn trí tạo ra. Và điều đáng nói là tại Việt Nam, nhiều đối tượng càng am hiểu công nghệ, càng thường xuyên tiếp cận với giới kinh doanh nội dung số hay các ứng dụng thuộc lĩnh vực này thì càng hay hoặc thích xài "chùa" thay vì chính những đối tượng này phải tiên phong tuyên truyền, định hướng dư luận về việc tuân thủ các qui định về bản quyền.

Tình trạng xâm phạm bản quyền World Cup 2018 sau khi được VTV "kêu" lên ở mức cảnh báo nguy cấp là có thể khiến cho FIFA cắt sóng phát tại Việt Nam đã khiến nhiều người hâm mộ cảm thấy lo lắng và không ít người tiên phong gia nhập nhóm "hiệp sĩ" bảo vệ bản quyền. Có thể nói đây là một nét mới và cũng rất đáng hoan nghênh cho dù phía trước còn đó con đường dài đằng đẵng và đầy chông gai.

Việc tuân thủ bản quyền chỉ có thể được chấp hành nghiêm khi người dùng nhận thức được và cảm thấy xem một chương trình lậu cũng xấu hổ và tội lỗi như lấy cắp một món đồ của người khác. Không có người xem thì kẻ đi ăn cắp bản quyền sẽ chẳng kiếm được lợi lộc gì. Nhưng xét từ thực tế, để đạt đến được "cảnh giới" này e còn rất xa vời. Không còn cách nào khác là bên nắm giữ bản quyền phải tăng cường các giải pháp kĩ thuật công nghệ để chống ăn cắp bản quyền. Về phía người dùng, trong số hàng ngàn, hàng vạn người xem các nội dung lậu chỉ cần vài ba người trở thành "hiệp sĩ" bảo vệ bản quyền cũng đã là điều đáng mừng.

Thế Lâm

Chủ đề khác