VnReview
Hà Nội

Sân nhà đang dần trở thành sân khách của ứng dụng đặt xe Việt

Từ tháng 7/2018 tới, GoViet – một ứng dụng đặt xe được "đại gia" Go-Jek của Indonesia hậu thuẫn – sẽ thử nghiệm hai dịch vụ di chuyển và giao hàng tại Việt Nam. Sân nhà, thế nhưng lại đang dần trở thành sân khách đối với ứng dụng Việt.

Thiếu nhất là tiền, yếu nhất là năng lực triển khai…

Có nhiều cái tên ứng dụng Việt có thể kể ra nhưng tựu trung lại cũng chỉ được cái tên chứ còn "cái tiếng, cái miếng" thì chẳng tới đâu. Mai Linh và Vinasun đều tham gia vào thị trường ứng dụng đặt xe. Nhưng ngay từ đầu, trong nhiều bài viết, tôi đã nhiều lần nhận định rằng đó là cách làm nửa vời sẽ chẳng tới đâu. Những người không sống trong môi trường O2O (online to offline) thì sao có thể làm tốt được việc kinh doanh trong môi trường này?

Ở góc độ khác, kinh doanh trong lĩnh vực O2O và cụ thể là thị trường ứng dụng đặt xe, cần rất nhiều vốn đổ vào khuyến mãi để lấy người dùng. Đây là vấn đề mà; cả Mai Linh và Vinasun chẳng thể đáp ứng nổi được như Uber trước đây hay Grab hiện nay có nguồn vốn đầu tư hàng tỉ USD.

Cần nhớ rằng trước khi Grab vào thì tại thị trường Việt Nam đã từng có ứng dụng EasyTaxi triệt khai chủ yếu ở thị trường phía bắc. Tuy nhiên EasyTaxi đã "chết yểu" trong khoảng thời gian Grab ngày càng lớn mạnh và sau đó là cả Uber. Cái "chết yểu" của EasyTaxi được cho rằng do thiếu vốn và năng lực triển khai cũng yếu. Bởi cần nhớ rằng, trong một, hai năm đầu Grab vào thị trường Việt Nam chưa hẳn đã "đốt" tiền ào ạt ngay, để thấy rằng lợi thế khi EasyTaxi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam lợi thế "một mình một chợ" đã không được tận dụng tốt để triển khai.

Nguồn vốn chính là rào cản đối với rất nhiều ứng dụng đặt xe nhỏ khác tại Việt Nam để đến thời điểm này gần như không còn được nghe đến trên thị trường ngoại trừ trường hợp VATO sau bao lần "thay tên đổi họ" từ FaceCar sang ViVu và hiện tại đang cập bến đỗ với Phương Trang với gói đầu tư được cho rằng lên tới 100 triệu USD. Tuy nhiên, gói đầu tư này được cho rằng có tính PR nhiều hơn chứ hiện trạng Phương Trang dính vào nhiều khoản nợ không dễ móc ra 100 triệu USD trong khi VATO và đặc biệt là nhóm đều hành ứng dụng này chưa cho thấy được triển vọng rõ ràng.

Go-Viet thay thế vị trí VATO

Sau khi Uber chính thức đóng ứng dụng tại Việt Nam từ 0 giờ ngày 9/4/2018 và VATO với sự hậu thuẫn của Công ty vận tải Phương Trang làm chiêu PR với khoản  đầu tư 100 triệu USD vào ứng dụng đặt xe này đã ít nhiều gây được sự chú ý trong dư luận. Song nhiều tháng qua, VATO vẫn cứ loay hoay như "gà mắc tóc". Thiện cảm của người dùng dành cho ứng dụng Việt VATO đã không được nhóm điều hành tận dụng và dần để vuột qua. Không ít người dùng phàn nàn và cho rằng cảm thấy khó chịu vì ứng dụng chưa thực sự hoàn thiện, còn về mặt thương hiệu thì VATO cũng chẳng hề đẩy mạnh hoặc vun đắp. Cách khuyến mãi cò con của VATO cũng bị các chương trình của Grab đè bẹp và không còn gây được chú ý. VATO đang dần đánh mất thời cơ của khoảng "thời gian vàng" mà họ đã và đang có.

Người dùng Việt đang có tâm lí cần một ứng dụng khác thay thế vị trí của Uber để tránh rơi vào tình trạng Grab "một mình một chợ" chèn ép người dùng. Khi VATO đã không tận dụng thì người tiêu dùng hướng sang ứng dụng khác và Go-Viet chính là cái tên đang được chờ đợi và hi vọng khi cho biết sẽ cung cấp dịch vụ tại khu vực nội thành TP.HCM từ tháng 7. Trong sự chờ đợi và hi vọng đó, người dùng còn muốn Go-Viet trở thành đối trọng của Grab, để dạy cho không ít tài xế Grab bài học về thói chảnh chọe trong thời gian qua khi hay để xảy ra tình trạng nhận đặt xe nhưng lại hủy chuyến không hề có lí do, hoặc không nhận chuyến vào một số thời điểm, chê chuyến.v.v…

Suy cho cùng, nếu Phương Trang giải ngân đúng như thông tin công bố 100 triệu USD trong vòng từ nay đến 2020 thì cũng chẳng thấm gì so với khoản tiền tỉ USD mà Grab có được hay 500 triệu USD Go-Jek đổ vào thị trường Thái Lan, Philippines và hậu thuẫn Go-Viet từ kinh nghiệm, chuyên môn, công nghệ đến tài chính.

Nếu so sánh về mặt công nghệ, dịch vụ và cả chuyên môn, kinh nghiệm thì Go-Jek chẳng kém cạnh gì Grab. Còn về mặt tài chính, Go-Jek cũng có khả năng huy động vốn không nhỏ với các khoản đầu tư từ các tên tuổi lớn. Go-Jek là đối thủ xứng tầm với Grab và có thể "đỡ đầu" Go-Viet cạnh tranh sòng phẳng với Grab tại thị trường Việt Nam.

Các ứng dụng đặt xe Việt đang càng ngày càng bị bỏ lại phía sau tụt khỏi cuộc chơi đòi hỏi "mạnh vì gạo bạo vì tiền" và giỏi cả việc triển khai kinh doanh nữa. Trong khi ứng dụng đến từ nước ngoài luôn tính làm ăn lớn tại thị trường Việt Nam thì ứng dụng Việt bị vướng đủ thứ nên chỉ có thể làm ăn nhỏ và dường như không thể thắp lên được niềm hi vọng nào. Cuối cùng thì người dùng Việt dù có tinh thần hay tâm huyết cũng đành chấp nhận thực tế rằng "ứng dụng đến từ nước ngoài miễn là mang đến nhiều lợi ích và tiện ích là tốt rồi".

Thế Lâm

Chủ đề khác