VnReview
Hà Nội

“Nỗi buồn” của Xôi Lạc và “nỗi đau” về thói xài “chùa”…

Xôi Lạc/Xôi Lạc TV đã có nhiều ngày trở thành "món ăn" số 1 trên Google Search tại Việt Nam của nhiều người muốn tìm kiếm đường link, website vào xem các trận đấu của đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam với nòng cốt đội hình là U23 vốn đang được quan tâm, yêu mến.

Xôi Lạc TV đã có những ngày trở thành "người hùng" vì đã mang được sóng phát các trận đấu của đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 đến cho công chúng hâm mộ. Những ngày đó, Xôi Lạc TV cứ như được công chúng mang ơn. Và thậm chí, giọng điệu của các "bình luận viên" Xôi Lạc TV rổn rảng với sắc thái như đang làm một việc thiện vậy.; 

Một "bình luận viên" trên Xôi lạc TV trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Nhật Bản thậm chí còn bày tỏ rằng "rất buồn" vì một số kênh YouTube đã lấy lại sóng của Xôi Lạc để phát nhưng chèn thêm quảng cáo. Vâng, nỗi buồn của một kẻ ăn cắp khi bị ăn cắp lại, hay tạm gọi đây là nỗi buồn của "kẻ ăn cắp sơ cấp". Nhưng, "kẻ ăn cắp thứ cấp" kia chẳng có tội lỗi gì với "kẻ ăn cắp sơ cấp" như Xôi Lạc TV. Xôi lạc TV biết đến cảm giác "rất buồn" ư? Vậy các vị có biết đến cảm giác của phía nắm giữ bản quyền phát sóng ASIAD 2018 – họ không chỉ "rất buồn" mà còn bức xúc, phẫn nộ vì có thể đã bị mang tiếng và thiệt hại không ít về mặt kinh tế, tài chính khi bản quyền bị xâm phạm?

Cảm giác của tôi khi nghe "bình luận viên" của Xôi Lạc TV liên tiếp nhắc đi nhắc lại hai chữ "rất buồn" không gì khác hơn chính là nỗi xấu hổ.

Đã ăn cắp thì đừng kể công hay muốn được tâng công, và càng không thể cho rằng kẻ "ăn cắp" lại của mình là có lỗi với mình. Kiểu ăn cắp như Xôi Lạc, rơi vào điểm may là các nhà đài không mua được bản quyền, thành ra Xôi Lạc TV được dư luận nói chung đón xem mà không xét nét nhiều về hành vi ăn cắp. Nhưng điều đó đã thay đổi khi VTC có được bản quyền, Xôi Lạc TV lại tiếp tục hành vi ăn cắp và ngay lập tức bị nhà đài này phản ứng mạnh mẽ, dẫn đến kết cục Bộ TT&TT đề nghị Bộ Công an vào cuộc truy tìm đầu mối tiếp tay cho Xôi Lạc TV.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không ít người trong công chúng hâm mộ bóng đá tại Việt Nam vẫn quen thói xài "chùa" và thậm chí sẵn sàng "công kênh" những kẻ ăn cắp bản quyền mà điển hình là trong những ngày Xôi Lạc TV phát sóng lậu các trận bóng có tuyển Olympic nam Việt Nam thi đấu. "Nỗi đau" ở đây, không phải chỉ ở thái độ thỏa hiệp của gần như cả cộng đồng để được xem các trận đấu qua Xôi Lạc TV, mà còn ở cách chúng ta đồng cảm và thông cảm với kẻ ăn cắp bản quyền phát sóng truyền hình một cách trắng trợn này. Cứ như Xôi Lạc TV đã làm một việc nghĩa hiệp vì xã hội công chúng vậy. May mà cuối cùng VTC đã mua được bản quyền, nếu không kẻ ăn cắp bản quyền truyền hình thể thao "kinh điển" như Xôi Lạc TV còn tiếp tục được "công kênh", ca ngợi trong một vở bi hài kịch đầy báng bổ đối với những người làm nội dung chân chính.

Các cơ quan chức năng có lẽ cũng đã rất "ý tứ" sợ đụng dư luận đang rất nhiệt thành ủng hộ Xôi Lạc TV trong những ngày chưa có nhà đài nào chính thức mua được bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Nhưng những ngày đó đã qua, Xôi Lạc TV đã không còn vai trò gì trong việc phát sóng ASIAD 2018 và thậm chí còn bị đề nghị truy tìm tung tích những kẻ cầm đầu, thì giải pháp "xử nguội" có thể cần thiết để răn đe.

Nên nhớ rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang bị đẩy lên cao trào hiện nay chính là việc Trung Quốc bị Tổng thống Trump cáo buộc đã làm giàu từ sự ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ. Và sự leo thang về giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chính là một sự trừng phạt rõ ràng nhất cho hành vi ăn cắp bản quyền mà phía Trung Quốc không thể phản bác.

Nếu đã xem Xôi lạc TV trong tình thế không có lựa chọn nào tốt hơn thì đành nhưng đừng vô hình chung động viên để cho kẻ ăn cắp bản quyền lên mặt kể công. Làm sao chúng ta cứ tiếp tục yêu cầu các nhà đài phải mang được bản quyền World Cup hay EURO, ASIAD… về Việt Nam phục vụ miễn phí khi giá cả bản quyền ngày một leo thang đến mức khủng khiếp? Cần nhớ rằng trải qua 4 kì ASIAD từ năm 2006-2018, giá bản quyền ASIAD bán cho các đơn vị, tổ chức tại Việt Nam đã tăng từ mức 10.000USD lên gần 1,7 triệu USD, tức đã tăng hơn 100 lần. Trong khi đó, giá bản quyền World Cup cứ sau mỗi kì cũng tăng từ ít nhất 50% đến 100% và thậm chí còn hơn. Song nhà đài không chỉ đối mặt với việc lo nguồn kinh phí để mua bản quyền thể thao giải trí mà sau khi sở hữu còn phải mệt mỏi với tình trạng xâm phạm bản quyền tràn lan.

Dạ Thảo

Chủ đề khác