VnReview
Hà Nội

Từ “4 không chấm” tới “4 chấm không”, đường dài gian khổ!

Thời gian này, thuật ngữ "công nghiệp 4.0" được nhắc tới nhắc lui trên các diễn đàn công nghệ, trong các sự kiện do Chính phủ tổ chức. Nhiều câu hỏi đặt ra cho nền công nghiệp nước nhà, nhiều câu trả lời có tính thuyết phục cao. Nhưng câu hỏi mà một người dân bình thường như tôi đặt ra là: Vì sao nền công nghiệp nước ta ì ạch vậy và từ "4 không chấm" đến "4 chấm không" (4.0) mất bao lâu? Làm sao để nền công nghiệp nước nhà rảo bước?

1- Cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu diễn ra vào cuối thế kỷ 18 là công nghiệp sản xuất cơ khí, sử dụng sức nước và hơi nước; Cuộc cách mạng lần thứ II bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 với sản xuất theo dây chuyền, sử dụng điện năng; Cuộc cách mạng lần thứ III bắt đầu vào những năm 1970, với các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin có khả năng giám sát và điều chỉnh quy trình sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV (4.0) là sự kết hợp hệ thống thực-ảo, xóa mờ ranh giới giữa con người và máy móc, nâng cao hiệu quả sản xuất và cho phép tạo ra sản phẩm riêng biệt cho con người.

Trong cuốn "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV", Giáo sư Klaus Schwab - sáng lập viên kiêm chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, đã mô tả những điểm khác biệt của cuộc cách mạng này so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước và nhấn mạnh: "Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức vai trò thực sự của con người"; "Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra".

Dẫn giải như vậy cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chẳng những mang lại công nghệ mới trong sản xuất, trong liên kết và kinh doanh…, mà còn tạo ra những; cấu trúc mới của các loại cung ứng, dịch vụ, những công cụ và phương thức trong huy động, phân bổ các nguồn lực. Công nghiệp 4.0 như là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa vào ngõ ngách cuộc sống và mỗi quốc gia phải soi xét trình độ công nghệ của nước mình xem đang ở thứ hạng nào mà tìm giải pháp, phấn đấu bắt nhịp với thời đại công nghệ mới phục vụ đời sống tốt hơn.

2- Nước ta đã trải qua 30 năm công nghiệp hóa và hiện đại hóa (1986 - 2018). Theo số liệu thống kê của các cơ quan Liên Hiệp Quốc như, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO); Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và các định chế tài chính, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, trong khoảng 30 năm công nghiệp hóa-hiện đại hóa, khối lượng của cải huy động cho sự nghiệp này của nước ta tính theo đầu người gấp đôi của Hàn Quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa (1960-1988). Và Hàn Quốc đã trở thành công nước công nghiệp phát triển và là thành viên của nhóm G20 từ lâu rồi. Còn sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Việt Nam chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trình độ công nghệ của nước lạc hậu so với khu vực và thế giới. Mức độ thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 52%, trong khi mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10% và mức độ thiết bị trung bình là 38%. Ở khu vực sản xuất nhỏ, thiết bị ở mức lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 70%. Nói chung, theo các chuyên gia, trình độ công nghệ của toàn nền kinh tế nước ta ở thế hệ thứ 3 và thứ 4 (4 không chấm) là chủ yếu. Mô hình công nghiệp hóa-hiện đại hóa còn có sự thiên lệch về cơ cấu ngành; dựa nhiều vào khai thác và bán tài nguyên, phát triển theo chiều rộng, sử dụng nhiều vốn hơn là sử dụng lao động và công nghệ cao. Nước ta hiện nay "vẫn chỉ là một nước có công nghiệp gia công là chủ yếu".

3- Nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạc hậu công nghiệp rất nhiều, nhưng tham nhũng, lãng phí góp phần không nhỏ. Nhiều vụ án kinh tế được xét xử vừa qua cho thấy tham nhũng đã đục khoét nền kinh tế ra sao, mua máy móc thiết bị cũ khai là còn tốt, ăn chênh lệch giá… Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực đã triệt tiêu nội lực, bóp nghẹt khả năng tích tụ và phát huy nội lực.

Còn lãng phí ư? Nguồn lực đất đai tài nguyên, khoáng sản, môi trường… và khoảng trên dưới 200 tỷ USD kiều hối thu về trong khoảng 20 năm gần đây, góp phần tạo nguồn lực lớn của đất nước đã được huy động cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Hiện nay nước ta có 124 khu công nghiệp và khoảng 20 khu kinh tế các loại đi vào hoạt động, nhưng trung bình mới chỉ lấp đầy được khoảng 50% diện tích mỗi khu. Hiện vẫn còn gần 100 khu công nghiệp dở dang từ hàng chục năm nay. Rõ ràng là nguồn lực đã bị lãng phí mà chưa tính được bằng con số. Thật đáng tiếc, nguồn lực to lớn đó chưa xây nên một nước "Việt Nam công nghiệp" mà vẫn chỉ là một nước có thu nhập trung bình thấp, có năng suất lao động chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar một chút.

Hệ thống giáo dục-đào tạo của ta nhiều lần cải cách nhưng chẳng đi tới đâu, nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa lúc nào cũng thấy thiếu hụt…

4- Động lực phát triển kinh tế của nước ta hay nói rộng ra là cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa nền kinh tế những thập kỷ qua chủ yếu vẫn phải nhờ vào Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Nước ta hiện nay xếp hạng rất cao trong nhóm nước đứng đầu thế giới về thu hút FDI tính theo đầu người. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vượt 200 tỉ USD, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn 3,6 lần tốc độ tăng GDP, nghĩa là độ mở trong kinh tế đối ngoại của ta rất cao. Nhưng xét cho cùng có phát huy nội lực thì phát triển mới vững chắc và khoa học-công nghệ phải được đầu tư xứng đáng với vị trí "then chốt".

Bài học chưa thành công từ đầu tư cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa trước đây phải được rút ra để việc đầu tư cho công nghiệp 4.0 không dẫm vào vết xe đổ ấy. Đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn phải đổi mới cả cơ chế, hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư để phát triển khoa học tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước - một con số rất thấp so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3-5% ngân sách.

Hai năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Ở phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện tăng từ vị trí 68 năm 2016 lên vị trí 48 năm 2018. Nhưng để đưa đất nước phát triển hơn nữa, bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0 một cách tự tin còn nhiều việc phải làm. Các nhà khoa học cho rằng, chu kỳ của một cuộc cách mạng khoa học thường 10 năm, nhưng với thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh hơn, chu kỳ này rút ngắn. Nếu nước nào chậm chân thì trình độ công nghệ càng tụt hậu xa. Với chúng ta, trình độ công nghệ từ "4 không chấm" tới 4.0 là khá dài, vì nước ta chưa phải là nước công nghiệp. Chúng ta phải vượt qua nhiều gian khổ nữa mới bước được vào 4.0.

Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 100 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài khởi động mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm tạo lập một hệ sinh thái đồng sáng tạo-kết nối nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học ở nước ngoài và trong nước hỗ trợ cho nước nhà trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao. Hy vọng kịch bản cho công nghiệp 4.0 của nước ta có sự đóng góp của các nhà khoa học trẻ từ nước ngoài sẽ bắt nhịp được với thế giới để sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Việt Nam đạt được những thành tựu xứng đáng với các nguồn lực đã được đầu tư.

                                                                                                   Đ.Ngọc

Chủ đề khác