VnReview
Hà Nội

iPhone eSIM – sự cởi mở nửa vời hay tính bảo thủ cố hữu?

Cả 3 phiên bản iPhone 2018 là iPhone XR, iPhone XS và iPhone XS Max đều đã chính thức được Apple trang bị 2 SIM. Tuy nhiên dù thế, không phải bất cứ người dùng ở thị trường nào cũng có thể sử dụng iPhone 2 SIM theo nhu cầu cá nhân của mình.;

2 SIM và eSIM

Chỉ có thị trường Trung Quốc là được Apple ưu ái bán ra thế hệ iPhone mới 2018 trang bị 2 khe SIM vật lí, các thị trường còn lại đều bán ra iPhone 2 SIM nhưng chỉ có 1 khe SIM vật lí, còn lại là SIM điện tử (eSIM).

Việc Apple ưu ái, vỗ về thị trường Trung Quốc thì đã rõ. Thứ nhất, Trung Quốc là một thị trường lớn và iPhone được ưa chuộng tại đây. Không chỉ Apple mà nhiều thương hiệu khác cũng xem Trung Quốc là thị trường chiến lược. Thứ hai, thị phần iPhone tại Trung Quốc những năm gần đây bị sụt giảm nghiêm trọng vì sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các thương hiệu smartphone nội địa được trang bị hầu hết 2 khe SIM vật lí. Như vậy những năm qua, iPhone 1 SIM cũng đã đóng góp phần vào nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm thị phần của Apple tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Mấy khi Apple cởi mở một cách "đột phá", ra iPhone 2SIM. Thế nhưng ngay cả khi như thế, phần còn lại của thế giới vẫn cứ có ít lựa chọn hơn. iPhone 2 SIM trong đó có 1 eSIM, hiện không phải đã sử dụng được ở tất cả các quốc gia mà iPhone chính thức được bán ra. Theo thống kê, đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 10 thị trường có nhà mạng hỗ trợ eSIM, trong đó chưa có tên Việt Nam. Theo thực tế này, khi iPhone 2 SIM gồm eSIM được bán tại các thị trường trên thế giới, đa phần người dùng có muốn sử dụng 2 SIM 2 số trên một thiết bị thì cũng đành… nín nhịn tiếp tục chờ đợi.

Nói về thói quen dùng điện thoại 2 SIM thì số 1 là Trung Quốc, sau đó là các quốc gia thuộc khu vực Châu Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 130 triệu thuê bao di động được kích hoạt, tính bình quân đạt khoảng 1,5 thuê bao/đầu người. Hàng chục triệu người Việt đang dùng từ 2 số thuê bao trở lên và cũng ưa chuộng iPhone, song vì iPhone lâu nay chỉ có 1 SIM chính là một trong những yếu tố ngăn cản sự phổ biến rộng rãi của thiết bị này. 

Sự cởi mở nửa vời…

Nếu cho rằng iPhone 2 SIM là sự cởi mở đột phá, thì là so với chính Apple. Đối với hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người dùng smartphone tại thị trường Châu Á, iPhone 2 SIM và eSIM của Apple cũng mới chỉ là sự cởi mở nửa vời. Apple là thế, họ chỉ cần một chút thay đổi theo hướng thoáng đãng, cởi mở hơn đã khiến cho người dùng vui sướng. Nhưng bao giờ cũng thế, sự thay đổi, cởi mở của Apple cũng rất chừng mực và chẳng bao giờ đưa xúc cảm của người dùng lên đỉnh. Bởi vẫn còn đó trong Apple tính bảo thủ từng đến mức khắt nghiệt ở thời của Steve Jobs. Tim Cook có cởi mở hơn, đẩy tính thương trường lên cao hơn, nhưng vẫn không thể làm phôi phai được tư duy bảo thủ cố hữu như là cái chất của Apple vậy.

Lần này, Apple mang lại cho người dùng điện thoại 2 SIM sự hi vọng, khấp khởi rồi lại khiến họ thất vọng vì trước mắt vẫn sẽ thiệt thòi vì chưa thể dùng được ngay 2 SIM trên cùng 1 iPhone, đơn cử ngay tại thị trường Việt Nam. Dù gì đi nữa, khay SIM vật lí vẫn tiện dụng và linh hoạt hơn là eSIM. Muốn sử dụng eSIM phải có sự hỗ trợ của nhà mạng, và mỗi lần thay đổi số thuê bao ở "khay" eSIM thì cần nhà mạng hỗ trợ nữa nên có khi trở thành sự phiền toái đối với người tiêu dùng.

Nhưng mặt khác cũng thấy rằng, người dùng đã bỏ tiền ra mua iPhone 2 SIM nhưng chỉ dùng được 1 SIM thôi, là bị thiệt. Có thể rồi Apple sẽ làm việc với các nhà mạng tại các thị trường bán iPhone eSIM nhưng rõ ràng việc bắt người dùng phải chờ đợi trong mờ mịt thông tin về lộ trình triển khai cũng tạo ra cảm giác khó chịu, bực bội.

Chắc chắn rằng nếu sắp tới iPhone 2 SIM vật lí cũng được bán tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác thay vì là các phiên bản dùng eSIM thì lượng người dùng iPhone sẽ được kích lên nhanh hơn. Chính vì thế khi đụng đến một yếu tố bảo thủ cố hữu nào đó của Apple người dùng luôn phải buông ra những lời thắc mắc là vì sao, vì sao và vì sao?...

Cuối cùng thì  dư luận thường tình cũng đành phải chấp nhận rằng "Apple là thế", chẳng muốn đẩy cái gì đi quá nhanh hay thúc tốc độ thay đổi đột phá đến mức làm hài lòng người dùng 100%. Bởi người dùng được thỏa mãn quá có khi Apple/iPhone lại trở nên nhạt phai sức hút; ngược lại chiến thuật vừa làm hài lòng một phần song cũng còn nhiều điểm gây ức chế vô hình trung lại tạo ra lực hút nam châm để người dùng luôn trung thành với Apple. Tất nhiên phạm trù chúng ta đang đề cập ở đây là sự thay đổi, đổi mới chứ không nói về khả năng hoàn thiện và chất lượng của iPhone. Bởi vấn đề này, Apple từ lâu đã trở thành một chuẩn mực trên thị trường smartphone thế giới rồi.

Dạ Thảo

Chủ đề khác