VnReview
Hà Nội

Bao giờ mới chốt thời điểm chuyển mạng giữ số?

Hành lang pháp lí cho việc triển khai chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability - MNP) là Thông tư 35 của Bộ Thông tin & Truyền thông có hiệu lực từ ngày 8/1/2018. Tuy nhiên, thời điểm dự kiến liên tục bị "trôi" và gần đây dư luận đang đồn đoán rằng có khả năng phải sang đầu năm 2019 mới chính thức triển khai MNP.

Đã thuận cho công tác quản lí…

Hơn 60 triệu thuê bao di động 11 số chuyển sang 10 số, ban đầu có những lo lắng nhất định tuy nhiên tới thời điểm này nhìn chung quá trình chuyển đổi diễn ra khá suôn sẻ và không xảy ra sự cố, trục trặc lớn. VinaPhone là một trong ba nhà mạng lớn đầu tiên hoàn thành việc chuyển đổi này, với hơn 15 triệu thuê bao 11 số chuyển sang 10 số đầu 08x.

Đề cập đến cuộc chuyển dịch từ thuê bao 11 số sang 10 số để thấy rằng, một trong những việc lớn của ngành viễn thông trong năm 2018, nhìn chung đã gần hoàn tất trong sự êm xuôi. Chính vì thế càng có lí do để Bộ Thông tin & Truyền thông khẩn trương chuẩn bị cho việc lớn thứ hai: Chuyển mạng giữ số.

Ngay lúc này là lúc phải tính đến đến việc triển khai chuyển mạng giữ số, không phải tiếp tục chỉ trong kế hoạch hay thử nghiệm, mà là triển khai chính thức trên thực tế. Từ nay đến hết năm 2018 cũng chỉ còn 3 tháng, trong ba tháng này, liệu việc chuyển mạng giữ số được "ấn nút" chính thức triển khai luôn hay lại trì hoãn tiếp sang tới đầu năm 2019?

Người tiêu dùng đã chờ đợi chương trình chuyển mạng giữ số từ năm 2016 đến nay, và đã trải qua mấy lần khấp khởi chờ đợi và mừng hụt. Gần đây nhất, lí do thuyết phục để trì hoãn MNP chính là để thực hiện qui hoạch lại kho đầu số viễn thông và theo đó chuyển hơn 60 triệu thuê bao 11 số sang 10 số. Nhưng hiện giờ, việc này đã sắp hoàn tất và có khả năng sớm hơn thời hạn dự kiến. Chính vì thế, MNP cũng phải được Bộ Thông tin & Truyền thông thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, khẩn trương hơn.

Dù không nói thẳng ra nhưng chúng ta cũng biết rằng, cuộc chuyển đổi hơn 60 triệu thuê bao 11 số sang 10 số là phục vụ cho công tác qui hoạch lại kho đầu số và cũng phục vụ cho công tác quản lí. Việc tiếp theo là MNP, triển khai khẩn trương hay tiếp tục trì hoãn, sẽ cho thấy cơ quan quản lí viễn thông Việt Nam đang nghĩ đến ai và vì ai – liệu có nghĩ cho người tiêu dùng hay không và như thế nào?

Giờ cần triển khai ngay MNP vì quyền lợi người tiêu dùng

Theo những số liệu nghiên cứu thống kê tại nhiều quốc gia khi triển khai MNP, tỉ lệ thuê bao rời bỏ mạng này chuyển sang mạng kia chỉ khoảng 10%. Nhưng đó là con số "10% biết nói" và đầy những cảnh báo: Cảnh báo về giá cước, chất lượng dịch vụ, công tác hậu mãi chăm sóc khác hàng, các chính sách kinh doanh và tiện ích đối với khách hàng.v.v… Con số "10% biết nói" sẽ thúc đẩy các cuộc cạnh tranh ráo riết hơn nữa giữa các nhà mạng qua đó cũng có tác dụng hoàn thiện các dịch vụ và sự phục vụ của họ.

Và hoàn toàn có thể, con số biết nói tại thị trường thông tin di động Việt Nam không dừng lại ở mức 10% mà có thể lên đến 15% hay 20%..., thì cũng là chuyện bình thường.

Thị trường thông tin di động Việt Nam đến thời điểm này vừa tròn 25 tuổi. Nhìn chung, các dịch vụ cơ bản như thoại, tin nhắn SMS đã bão hòa và thậm chí doanh thu giảm dần trong cơ cấu doanh thu chung của mỗi nhà mạng. Thay vào đó, tỉ lệ đóng góp doanh thu của các dịch vụ 3G, 4G tăng lên. Sự cạnh tranh về giá cước nếu chỉ xét trong phạm vi 3 nhà mạng lớn (Viettel, VinaPhone, MobiFone) cũng không còn nhiều khác biệt mà về gần một mặt bằng chung. Một chút khác biệt có chăng là ở các gói cước mà rõ nhất là những gói cước tích hợp. Song đối với rất nhiều thuê bao, chỉ với yếu tố này chưa chắc đủ sức thúc đẩy họ chuyển mạng giữ số.

Sẽ có nhiều thuê bao rời bỏ mạng này chuyển sang mạng khác trong môi trường MNP không phải vì chạy theo quyền lợi và vì bức xúc. Đơn cử như bức xúc về chất lượng dịch vụ mà ngày nay hầu hết phàn nàn về chất lượng sóng 3G, 4G yếu, chập chờn, độ phủ không đủ rộng khắp. Đơn cử là bức xúc dai dẳng nhiều năm qua về tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Đơn cử là cách tính cước sai, bất hợp lí gây thiệt hại cho khách hàng. Đơn cử là những dịch vụ giá trị gia tăng tự kích hoạt ngoài ý muốn hay yêu cầu của chủ thuê bao khiến cho họ phải trả phí một cách vô lí.v.v… Và tất nhiên, nếu những nhà mạng không xử lí, giải quyết triệt để những tình trạng này để hoàn thiện mình thì MNP chính là "cây gậy" trừng phạt họ. Còn ngược lại, nhà mạng nào giải quyết tốt những vấn đề trên và có những chính sách kinh doanh, cạnh tranh tốt thì hẳn nhiên MNP là "củ càrốt" tưởng thưởng cho họ.

Như vậy MNP đâu chỉ được và tiện cho người tiêu dùng mà cũng còn được cho nhà mạng. Nó tạo sức ép buộc nhà mạng phải hoàn thiện mình hơn nữa; tìm tòi, nghiên cứu những chính sách kinh doanh, dịch vụ, gói cước mới… một cách năng động và linh hoạt hơn nữa cho người tiêu dùng tạo ra sự khác biệt.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác