VnReview
Hà Nội

Cuộc đấu Vinasun-Grab từ thị trường đến pháp đình

Có thể nói, hơn 4 năm tính từ ngày bước vào Việt nam cung cấp dịch vụ, chưa bao giờ "taxi công nghệ" và "xe ôm công nghệ" Grab lại bị "giữa muôn trùng vây" như lúc này. Trên thị trường, sự đấu và tố của Vinasun (VNS) với Grab đã diễn ra hơn một năm nay. Trong khi trên pháp đình, vụ xử sơ thẩm đang diễn ra căng thẳng tại Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Pháp đình "chan chát" những lời cáo buộc và phản bác

Tất nhiên phía cáo buộc là VNS. Luật sư cũng như người đại diện phía VNS cho rằng Grab đã vi phạm Đề án 24 cho phép thí điểm taxi hợp đồng điện tử, Grab vi phạm các qui định về khuyến mãi, hỗ trợ giá thu hút tài xế khiến VNS bị giảm doanh thu và 8.000 tài xế bị mất việc… Từ đó, VNS đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 41,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, VNS cũng đặt ra một số vấn đề, như Grab vi phạm pháp luật về thuế, Grab lấy tiền đâu ra khi vốn điều lệ chỉ 20 tỉ đồng nhưng những năm qua đã lỗ cả ngàn tỉ đồng, và đối tác là các "hợp tác xã chỉ là bình phong cho Grab thực hiện chức năng của một doanh nghiệp vận tải taxi"…

Đáp lại, phía Grab vẫn một mực khẳng định rằng họ là một công ty công nghệ, cung cấp phần mềm kết nối đặt xe, hợp tác với các hợp tác xã vận chuyển hành khách và chỉ hưởng chiết khấu ở mức từ 20-25%. Phía Grab cũng phản bác cáo buộc họ vi phạm pháp luật về thuế và chưa hề bị xử phạt liên quan đến thuế. Riêng về vấn đề khoản lỗ hàng ngàn tỉ đồng lấy nguồn đâu ra để bù vào thì đại diện Grab từ chối trả lời vì cho rằng không liên quan tới phạm vi vụ kiện.

Tại phiên tòa, Hội đồng Xét xử cũng đã bác yêu cầu của Grab về việc hoãn xử để triệu tập giám định viên, và cũng từ chối yêu cầu của Grab về việc triệu tập những đơn vị liên quan có sử dụng các ứng dụng đặt xe công nghệ như Grab. Phía Grab bày tỏ lo lắng về việc cho VNS tiếp cận các tài liệu làm lộ những bí mật kinh doanh của mình, nhưng tòa vẫn cho phép.

Tình huống pháp lí đáng quan tâm

Có một phân tích đáng chú ý từ phía luật sư bảo vệ quyền lợi của Grab tại phiên tòa: Trước tòa, VNS khẳng định khởi kiện Grab vì vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT dẫn đến sụt giảm doanh thu. Nhưng trong đơn khởi kiện trước đó, VNS không đề cập nội dung này. Thay vào đó, trong đơn kiện VNS cáo buộc Grab vi phạm Luật Cạnh tranh và đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 41,2 tỉ đồng.

Chính vì thế luật sư đại diện phía Grab yêu cầu đình chỉ giải quyết vụ kiện và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì vấn đề liên quan Đề án 24 không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa, mà thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan.

Trên thực tế, ngoài Grab, còn có 9 đơn vị khác được phép tham gia thí điểm hình thức kinh doanh theo Đề án 24. "Vinasun muốn kiện thì kiện Bộ GTVT", luật sư bảo vệ cho Grab lập luận.;          

Có thể thấy, đây là một tình huống pháp lí rất đáng quan tâm. Là bởi, yêu cầu và nội dung cơ bản trong đơn khởi kiện và tại phiên xử không đồng nhất. Trong khi đó, phía Grab cho rằng họ thực hiện thí điểm theo Đề án 24 khi đã được Bộ GTVT cho phép, và chưa từng bị bộ này xử phạt hành chính gì liên quan đến đề án này. Thì liệu, tòa có cơ sở để phán quyết Grab vi phạm Đề án 24 theo yêu cầu của VNS?

Ai lo nếu không phải là… người tiêu dùng?

Grab đối mặt với các cáo buộc của VNS tại tòa nhưng ngoài ra, Grab cũng như các đơn vị đang thí điểm theo Đề án 24 còn đang đối mặt với nguy cơ không còn khái niệm mô hình "taxi điện tử". Vì tại tờ trình lên Thủ tướng ngày 5/10 vừa qua, Bộ GTVT đã ngả theo luồng ý kiến cho rằng cần quản "taxi công nghệ" hay "taxi điện tử" như hoạt động cung cấp dịch vụ taxi thông thường, hay còn gọi là taxi truyền thống.

Như vậy cũng đồng nghĩa là "khai tử" mô hình taxi công nghệ, một mô hình được xem là xu thế của nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế cộng sinh tất cả cùng có lợi chứ không chỉ hai bên hay ba bên.

Và hệ quả có thể xảy ra là, nếu ý kiến của Bộ GTVT về việc quản taxi công nghệ như taxi truyền thống thì bao nhiêu cải tiến hay những thành quả ngọt ngào từ các đột phá công nghệ của nhân loại, sẽ không tiếp tục được phát huy để mang lại những lợi ích cho người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung.

Những lợi ích đó đã quá hiện thực trong những năm qua, như: Giá cước taxi, xe ôm công nghệ rẻ hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống trong các thời điểm bình thường; thái độ phục vụ tốt hơn, kiểm soát được lộ trình và sự an toàn; giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người vốn dĩ thất nghiệp, đặc biệt là giải quyết việc làm thêm cho nhiều đối tượng là sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân viên chức.v.v… có thu nhập thêm để cải thiện cuộc sống.

Người tiêu dùng Việt Nam trong khoảng 5 năm qua đã được hưởng những tiện ích của công nghệ trong xu thế ngành vận tải 4.0 với sự khác biệt về tính tiện ích và giá cước rẻ, chính là có thêm lựa chọn có lợi hơn. Song nếu tất cả sẽ được "gom chung một rọ" để quản, thì taxi công nghệ sẽ không còn phát huy được ưu thế tiết giảm chi phí đầu tư, quản lí, vận hành… từ mô hình ưu việt của công nghệ 4.0, thì cơ hội mang giá cước rẻ và cạnh tranh hơn đến cho người tiêu dùng cũng sẽ ít đi.

Dạ Thảo 

Chủ đề khác