VnReview
Hà Nội

20%, 50% và rào cản… xin – cho?

Mới đây tại Hội nghị giao ban quản lí nhà nước của Bộ TT&TT, ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều có ý kiến "cởi trói" về khuyến mãi đối với thuê bao di động trả trước (TBTT). Qui định này được điều chỉnh bởi Thông tư 47/2017/TT-BTTTT, theo đó khuyến mãi cho TBTT không được quá 20% từ ngày 1/3/2018 thay vì như trước đó là không quá 50%.

Thông tư "chuyên dùng"…

Thông tư 47 được Bộ TT&TT ban hành cuối năm 2017 và có hiệu lực từ tháng ngày 1/3/2018, với mục đích siết chặt hơn đối với TBTT.

Khi Thông tư 47 có hiệu lực, trên thực tế còn một văn bản pháp qui khác điều chỉnh về chính sách xúc tiến thương mại trong đó có các chương trình khuyến mãi dịch vụ, hàng hóa. Đó là Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Tại Điều 5, Khoản 1 của nghị định này qui định: "Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại…".

khuyến mại  50%

Như vậy có thể thấy, chế tài tại Thông tư 47 chỉ điều chỉnh riêng đối với dịch vụ thông tin di động. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, để ban hành một thông tư có tính chất "chuyên dùng" như vậy, Bộ TT&TT đã vận dụng Nghị định 25/2011/NĐ-CP qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông để làm cơ sở về mặt thẩm quyền.

Tại Điều 37 về "Quản lí khuyến mại đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng", ở Khoản 6 qui định trách nhiệm của Bộ TT&TT: "a/Quy định danh mục, đơn vị, hình thức khuyến mại, mức giá trị vật chất tối đa khuyến mại áp dụng cho từng đơn vị dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng, mức tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ viễn thông; b/Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định về khuyến mại đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng".

Thông tư "chuyên dùng" số 47 được ban hành mang tính chất giải quyết vấn đề tình thế là sự bùng phát của TBTT và các chương trình khuyến mãi tràn lan, thiếu lành mạnh, kích thích SIM rác và tin nhắn rác. Nhưng mặt trái của nó là khiến tất cả người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thông tin di động TBTT thiệt thòi đến 30% so với các lĩnh vực khác về hạn mức giá trị khuyến mãi. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động cũng bị giảm về doanh thu vì qui định cắt giảm mức khuyến mãi của Thông tư 47.

Các nhà mạng cũng cho rằng, qui định này không kích thích được sự tăng trưởng loại thuê bao trả sau, khiến hành vi tiêu dùng nạp thẻ trả trước của các thuê bao sụt giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc linh hoạt đưa ra chính sách khuyến mãi trong kinh doanh.v.v…

Trên thị trường, từ đầu năm 2018 đến nay và sau thời điểm Thông tư 47 có hiệu lực, các nhà mạng bị siết chặt hơn và ở phân khúc TBTT cũng giảm sự sôi động trên thị trường. Đây cũng là một phần nguyên nhân giúp cho lượng SIM rác và tin nhắn rác giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu đổ hết mọi "tội lỗi" cho chính sách khuyến mãi 50% giá trị cũng không ổn. Bởi trên thực tế, sự bùng phát SIM rác và tin nhắn rác còn do nhiều nguyên nhân và tác nhân khác, như sự thiếu nghiêm minh của cơ quan quản lí trong suốt hàng chục năm qua, tình trạng "nhờn thuốc" của khối doanh nghiệp viễn thông, đại lí, các Cty kinh doanh đầu số, nội dung.v.v…

Phải bỏ "giấy phép con" để tránh xung đột

Về mặt nguyên tắc, việc ban hành Thông tư 47 phải chịu sự chi phối của hai tuyến qui định luật và nghị định: Tuyến thứ nhất là Luật Viễn thông và Nghị định 25; tuyến thứ hai là Luật Thương mại và các Nghị định 37 trước đây và Nghị định 81 mới đây có hiệu lực từ ngày 15/7/2018 (thay thế cho Nghị định 37).

Cho dù trước khi ban hành Thông tư 47 Bộ TT&TT có tham khảo hay có được sự đồng thuận từ Bộ Công Thương hay không, thì qui định siết hạn mức xuống còn không quá 20% giá trị hàng hóa dịch vụ thông tin di động cũng ít nhiều xung đột với các qui định về hạn mức khuyến mãi tại Nghị định 37 trước đây và Nghị định 81 hiện hành – đều qui định hạn mức tối đa không quá 50% giá trị trước đó của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi.

Thậm chí trong Nghị định 81, tại Điều 32, Khoản 3 còn qui định: "Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lí nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại".

Cần quán triệt quan điểm rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lí không chỉ biết đưa ra các qui định siết chặt mà cũng còn phải biết tháo gỡ với các qui định thông thoáng để thúc đẩy phát triển và lành mạnh hóa thị trường. Thông tư 47 như đã nói, dù muốn hay không cũng đã có tính xung đột với một số qui định trong các Nghị định 37, Nghị định 81, tuy nhiên vì nó cần thiết để giải quyết vấn đề tình thế diễn biến phức tạp tại một thời điểm nên đành tạm thời chấp nhận.

Song trong khoảng 6 tháng trở lại đây, tình trạng lộn xộn, phức tạp của thị trường TBTT đã lắng xuống, cũng như tình trạng SIM rác và tin nhắn rác đã giảm nhiều, thiết nghĩ cơ quan quản lí nên chủ động xem xét lại qui định về mức trần giá trị khuyến mãi đối với TBTT, chứ không nên chờ đến khi các mạng mạng kiến nghị và "kêu khổ" thì mới xem xét, nghĩa là chờ… "xin" thì mới "cho".

Mặt khác, Thông tư 47 là văn bản pháp qui do cấp bộ ban hành, nhưng lại tạo ra tình huống thiết lập một "cõi riêng" trong khi ở cấp ban hành văn bản cao hơn là Chính phủ lại cho phép đối với hầu hết các loại dịch vụ, hàng hóa – trong đó gồm có cả dịch vụ thông tin di động trả trước – được hưởng chính sách áp dụng giá trị khuyến mãi tối đa 50%.

Không thể tiếp tục duy trì một qui định thể hiện thẩm quyền của cấp bộ còn lớn hơn thẩm quyền của Chính phủ như thế. Bởi như thế là đồng nghĩa với rào cản, sinh ra thêm giấy phép con…

Dạ Thảo

Chủ đề khác