VnReview
Hà Nội

Dẹp taxi điện tử khác nào khước từ mô hình kinh doanh sáng tạo?

Mọi lời hô hào, kêu gọi hay hứa hẹn cũng không thể thay thế được hành động. Một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động hướng đến kỉ nguyên công nghiệp 4.0 không có cách nào khác là phải đối mặt và giải quyết những vấn đề do mô hình kinh doanh đầy sáng tạo thời công nghệ 4.0 đang đặt ra.

Nếu Vinasun thắng kiện, mô hình kinh doanh sáng tạo sẽ tổn thương…

Chiều ngày 29/10 vừa qua, cứ ngỡ vụ xử Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng với cáo buộc "cạnh tranh không lành mạnh" gây thiệt hại; cho VNS sẽ an bài. Thế nhưng phút cuối, tòa lại quyết định ngừng phiên xét xử sang 8 giờ sáng ngày 22/11 để có thêm thời gian xác minh, thu thập bổ sung tài liệu liên quan đến việc giám định thiệt hại của phía Vinasun.

Cần nhắc lại rằng trước đó trong suốt hơn một tuần xét xử, phía Grab yêu cầu triệu tập đại diện Công ty Cửu Long giám định thiệt hại, phản bác kết quả giám định vì cho rằng không chính xác và yêu cầu có sự giám định lại kết quả giám định từ bên thứ ba có uy tín…, nhưng rất tiếc đã không thể thuyết phục được hội đồng xét xử.

Ở góc độ mô hình kinh doanh, việc Viansun kiện Grab không chỉ đơn thuần là cuộc đấu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà hơn thế chính là cuộc đấu giữa mô hình kinh doanh cũ (taxi truyền thống) với mô hình kinh doanh mới có tính sáng tạo cao hơn (taxi công nghệ/taxi điện tử) nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thời 4.0. Đây là cuộc đối đầu giữa cái cũ và cái mới khi những lợi ích của cái cũ bị cái mới ngày càng lấn lướt và làm cho sụt giảm.

Ở góc độ pháp lí, cuộc đấu ngay tại pháp đình chính vì thế mọi góc độ phán xử phải lấy pháp luật làm thượng tôn và không thể vì chuyện tình cảm chủ quan hoặc vì cảm thông với những doanh nghiệp taxi truyền thống bị sụt giảm doanh thu và  "tài xế mất việc"; và càng không thể cáo buộc hay qui chụp một cách thiếu cơ sở, chứng cứ xác thực.

Từ thực tế cũng đã chứng minh, nếu taxi công nghệ gây thiệt hại cho Vinasun thì cũng không chỉ có Grab thuộc mô hình kinh doanh này. Trước tháng 4/2018 còn có cả Uber, tuy nhiên sau đó Uber đã bán lại mảng dịch vụ tại Đông Nam Á cho Grab để lấy 27,5% cổ phần trong công ty Grab. Và một doanh nghiệp Việt Nam khác là VATO hiện nay (trước đây lần lượt trải qua các tên FaceCar, VIVU). Như vậy lôgíc hiển nhiên là, khoản "thiệt hại" theo cáo buộc của Vinasun phải được tính toán chia cho các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình taxi công nghệ chứ không thể chỉ đổ lên đầu một doanh nghiệp mà thôi.

Cho đến thời điểm tòa ngừng phiên xử, cách tính thiệt hại theo phương pháp luận và tiêu chí như thế nào chưa được giải trình rõ ràng để các bên cùng tranh luận, phản biện. Khi một trong hai bên không đồng tình với kết quả giám định thiệt hại ban đầu từ một công ty ít danh tiếng về chuyên môn, việc tiến hành giám định lại với một bên thứ ba khác có uy tín hơn cần phải được xem xét.

Con số 41,2 tỉ đồng nếu hiểu một cách "gọn gàng" thì đang có tính áp đặt hơn là có sự giải trình một cách minh bạch của các bên liên quan đến vụ án. Nếu sự áp đặt này được chấp nhận như một kết quả bất di bất dịch làm cơ sở cho phán quyết, thì không chỉ Grab mà cả mô hình kinh doanh sáng tạo thời công nghệ 4.0 bị dính đòn tổn thương…

Không công nhận taxi điện tử, vậy tìm đâu ra nền vận tải 4.0?

Tờ trình của Bộ GTVT cùng với ý kiến của một số đơn vị, tập thể đã thiên về quan điểm không công nhận một mô hình hoạt động kinh doanh riêng của taxi điện tử, mà gom về một mối cho dễ quản là taxi.

Trên thực tế, để gom vào như thế này thì quá dễ, vì cũng chỉ tốn vài dòng trong tờ trình hay dự thảo cho nghị định thay thế Nghị định 86 hiện nay là được. Nhưng dễ cho quản lí thì khó cho nền kinh tế. Vì như thế thì Việt Nam sẽ lấy đâu ra những mô hình kinh doanh sáng tạo được thổi lửa cho phát triển tạo nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp trong trào lưu mà không ít lần lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là hướng đến một quốc gia khởi nghiệp, một nền vận tải 4.0.v.v…

Không có sáng tạo thì không có 1.0, 2.0 và 3.0 chứ đừng nói là 4.0, và điều kéo theo tất yếu là không thể tạo ra những tiện ích công nghệ, không thể mang đến những lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế.

Khi Vinasun bị "thiệt hại" đòi Grab bồi thường 41,2 tỉ đồng và cho rằng khoảng 8.000 tài xế mất việc thì cũng cần đặt ra câu hỏi rằng liệu 8.000 tài xế đó có thực sự mất việc không hay họ đã chuyển sang làm tài xế taxi công nghệ cho Uber, Grab, VATO…? Và hơn thế nữa, số người có thêm việc làm mới từ mô hình kinh doanh sáng tạo còn lên đến hàng trăm ngàn người (Grab khoảng 170.000 đối tác tài xế taxi công nghệ và xe ôm công nghệ; Go-Viet hiện đã có hơn 30.000 tài xế xe ôm công nghệ; FastGo hiện cũng đã đạt hơn 10.000 tài xế taxi và xe ôm công nghệ…) chứ không chỉ ở con số 8.000 người.

Dù vụ xử Vinasun kiện Grab chưa có phán quyết cuối cùng nhưng những ngày qua, với quan điểm mới nhất của Bộ GTVT về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, cũng đã cho thấy tác động của vụ kiện này ảnh hưởng tới khả năng hình thành chính sách như thế nào. Và những nhà phân tích dự đoán rằng, nếu một khi Vinasun được tuyên thắng kiện và Grab phải bồi thường, chắc chắn sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Các thương hiệu taxi truyền thống khác cũng "tiếp bước" Vinasun khởi kiện đòi "bồi thường thiệt hại" vì bản chất vấn đề Vinasun bị sụt giảm doanh số cũng không khác gì so với các thương hiệu taxi truyền thống khác. Khi ấy, mô hình kinh doanh mới taxi công nghệ có nguy cơ bị "tấn công" dữ dội hơn.

Bởi trên thực tế, con số "thiệt hại" 41,2 tỉ đồng chưa được chứng minh và phân tách rạch ròi là chỉ do nguyên nhân duy nhất "Grab cạnh tranh không lành mạnh" và "khuyến mãi sai qui định" gây ra, hay còn do lợi thế của mô hình kinh doanh sáng tạo taxi điện tử gián tiếp làm khách hàng rời xa taxi truyền thống dẫn đến "thiệt hại"?

Thụy Du

Chủ đề khác