VnReview
Hà Nội

Từ góc nhìn Gradient đến bảng tổng sắp smartphone toàn cầu

Khi chúng ta nhìn vào mặt lưng của một chiếc điện thoại theo xu hướng màu sắc chuyển đổi Gradient, hẳn nhiên là sẽ thoát khỏi sự đơn điệu cho dù những chiếc điện thoại màu lưng đơn sắc có đẹp đến đâu. Xu hướng ấy không phải… bỗng dưng muốn là được, mà phải bắt đầu từ R&D.

Bảng tổng sắp smartphone toàn cầu quí III/2018

Một bài báo rút tít "Điện thoại Samsung, Huawei, Apple bán chạy nhất thế giới" trong quí III/2018. Kết quả này không bất ngờ đối với những người có am hiểu về tình hình thị trường smartphone. Xét về tiêu chí số máy bán ra, Samsung vẫn dẫn đầu nhưng tỉ lệ đang giảm dần ở mức báo động, còn 19%. Còn nhớ cách đây khoảng chưa đầy một tháng đã có thông tin Samsung định di dời nhà máy tại Thiên Tân (Trung Quốc) sang Việt Nam. Giả thiết trong rất nhiều yếu tố dẫn đến ý định này chính là doanh số điện thoại của Samsung tại Trung Quốc giờ còn chưa tới 1%, trong khi các chi phí sản xuất đặc biệt là nhân công cao hơn Việt Nam nhiều.

Xếp thứ hai về lượng điện thoại bán ra là Huawei với 14% đã vượt mức 12% của Apple. 14% đang lên của Huawei đang chứa rất nhiều ẩn số và giới quan sát cho rằng nếu Samsung mà để mất vị thế tại một số thị trường lớn thôi thì rất dễ bị Huawei giật đi "ngôi vương" hiện thời. Cái khó của Huawei hiện giờ chính là chưa thể chính thức vào được thị trường Mỹ. Thay vào đó, Apple lại nhờ vào chính quốc mà ăn nên làm ra cùng với thị trường lớn thứ hai của "táo khuyết" chính là Trung Quốc.

Nếu xét Top 5 thì hai cái tên tiếp theo là OPPO và Xiaomi còn Top 6 có thêm Vivo. Sẽ là nhận định sai lầm nếu cho rằng các thương hiệu điện thoại Trung Quốc vẫn hầu như tiếp tục nhờ vào cạnh tranh với giá rẻ. Yếu tố này vẫn rất quan trọng và gần như một thuộc tính thuận lợi của các thương hiệu có xuất xứ từ những thị trường đông dân mà điển hình là Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, bên cạnh việc duy trì và tăng cường trong chiến lược sản phẩm phân khúc giá thấp, giá rẻ thì các thương hiệu Trung Quốc trong Top 5 hay Top 6 cũng đã dần dà củng cố ý chí tạo dựng tiếng vang bằng các sản phẩm cao cấp được R&D rất công phu, nghiêm túc và được đầu tư không ít tiền của và chất xám. Một điển hình có thể nêu ra trong trường hợp này chính là dòng máy Huawei Mate 20 trong đó riêng mẫu Mate 20 Pro đã bán khá tốt và bán được rất tốt tại thị trường Châu Âu dù mức giá đã xấp xỉ 1.000USD. Và công bằng mà nói, việc trải nghiệm Mate 20 Pro cho thấy được dấu ấn từ thiết kế kiểu dáng, màu sắc lưng chuyển đổi Gradient cho đến điểm nhấn lớn nhất là camera…

Sẽ thêm sai lầm lớn nếu tiếp tục có thái độ khinh suất về sự trỗi dậy của các thương hiệu smartphone Trung Quốc. Cần biết rằng, chính có phần khinh đó mà không ít ông lớn đã mất dần thị trường gần như số 1 tại Trung Quốc, rộng ra là cả Châu Á, Châu Âu…

Nhìn từ mặt lưng hiệu ứng Gradient…

Nếu quan sát trên thị trường smartphone từ khoảng nửa cuối năm 2017 tới nay, xu hướng thiết kế mặt lưng điện thoại chuyển đổi màu sắc Gradient tạo ra hiệu ứng bắt mắt hơn, đẹp hơn, cảm giác mới lạ hơn dần phổ cập. Và nếu cho rằng đây là một trào lưu giống như trào lưu camera lồi, đường viền mỏng, tràn viền, cạnh bo cong.v.v… thì rõ ràng đây là lần đầu tiên còn khá hiếm hoi các thương hiệu Trung Quốc đã và đang khai phá. Bởi sau Huawei lại đến Honor (thương hiệu con của Huawei), rồi OPPO, Realme (thương hiệu con của OPPO)…

Tạo ra một xu thế và dẫn dắt luôn gây được ấn tượng nhiều hơn và hưởng lợi hơn trong việc thu hút người dùng. Apple trong khoảng 10 năm trở lại đây thì hết phân nửa thời gian trong số đó đã trở thành người dẫn dắt. Samsung cũng đang là người dẫn dắt xu thế mà thiết kế màn hình tràn viền đến "vô cực" chính là một điển hình.

Cần biết rằng, làm sớm nhưng chưa chắc tạo ra được xu thế khi thương hiệu chưa đủ mạnh và người dùng chưa nhiều. Điều này đã từng thể hiện ở không ít thương hiệu smartphone Trung Quốc mà rõ nét nhất là những dòng điện thoại nhiều camera ở mặt sau hay mặt trước. Đôi khi, các thương hiệu cần sự tích tụ cả về R&D, tiềm lực và độ phủ thị trường thì mới có thể tạo ra được xu hướng hấp dẫn được người tiêu dùng.

Khi Gradient là một xu hướng tiếp theo các xu hướng trước đây là camera selfie có độ phân giải lớn hơn camera chính, hay điện thoại có 3 camera thì 2 trong số đó dùng để selfie.v.v…, đã cho thấy các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã tích tụ được một mức cần thiết cả về lượng và chất và bây giờ họ muốn bung ra đấu thẳng thừng với hai "ông lớn" Apple, Samsung. Cần tỉnh táo để nhìn nhận rằng, nếu chúng ta cứ nhìn nhận theo kiểu… dị ứng với những thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc thì sẽ rất dễ rơi vào khinh suất và bị mai một tinh thần học hỏi.

Một thông tin mới tôi vừa đọc được rằng Samsung có thể sắp ra mắt một mẫu điện thoại mới có màn hình "giọt nước". Cách gọi này chúng ta đã nghe từ OPPO và sau đó thương hiệu con của họ sửa cách gọi thành "giọt sương".

Học hỏi, cóp nhặt của nhau cũng là chuyện thường tình trên thị trường. Trên thực tế nhiều năm qua, các thương hiệu Trung Quốc đã cóp nhặt nhiều hơn từ các thương hiệu của Âu, Mỹ, Nhật, Hàn. Song, như các công ty Nhật năm, bảy mươi năm về trước cũng từng phải học hỏi từ Âu-Mỹ, rồi sau đó buộc phải tập trung vào sáng tạo mới có thể thúc đẩy được phát triển.

Dạ Thảo;

Chủ đề khác