VnReview
Hà Nội

Điện mặt trời Việt Nam: “no dồn, đói góp”

Bỗng dưng tình trạng đầu tư dự án điện mặt trời (ĐMT) được công bố khiến không ít người giật mình. Là vì hai, ba năm trở về trước, nói đến việc đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung và ĐMT nói riêng, hầu hết các nhà đầu tư đều e ngại. nhưng nay thì, chẳng những không ngại, mà còn quay ngoắt 180 độ đến tình trạng… đáng quan ngại.

Từ sóng ngầm thành… sóng thần

Như đã nói, khoảng hai năm về trước các nhà đầu tư còn ít quan tâm và rất ngần ngại khi đề cập đến việc đầu tư vào lĩnh vực ĐMT. Nhưng khoảng hai năm trở lại đây thì tình hình đã hoàn toàn khác.

Theo thống kê, tổng số dự án ĐMT được Bộ Công thương cấp phép đến nay đã vượt 9 lần qui hoạch điện VII (đã điều chỉnh). Theo đó, số dự án bổ sung vào qui hoạch là 122, có tổng công suất 8.000MW. Đáng nói là trong đó, khoảng 4.000MW đã kí hợp đồng mua bán điện trước tháng 6/2019 với ngành điện lực. Thế nhưng ngoài số dự án đã bổ sung này, vẫn còn hơn 200 dự án đang trên giấy hoặc trong quá trình xin cấp phép, với tổng công suất khoảng 17.000MW. Tính chung, nếu tới năm 2030 tổng số dự án ĐMT trên được bổ sung vào qui hoạch sẽ cung cấp một nguồn điện với tổng công suất hơn 26.000MW.

Nước ta từng rơi vào tình trạng "đói góp" về điện mà cách đây nhiều năm, đường dân 500kW mang tính chiến lược mới chỉ giúp điều phối được một phần thị trường cung cấp điện song nhìn chung vẫn thiếu điện. Tình trạng thiếu điện một phần vì hầu như chỉ trông chờ vào hai nguồn nhiệt điện và thủy điện. Nhiệt điện thì nhiều nhà máy đã lạc hậu; thủy điện thì khai thác gần cùng kiệt ảnh hưởng đến điều tiết lũ, hạn hán hạ lưu, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Thế nhưng khi nguồn năng lượng mới - năng lượng tái tạo, mà trong đó ĐMT đang chiếm đa phần - vừa hình thành "ngày vui ngắn chẳng tày gang" thì đã nhanh chóng chuyển sang quan ngại vì tình trạng "no dồn". Theo chính ngành điện, chỉ riêng ở hai địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hợp đồng mua bán ĐMT đã được kí trên tổng công suất 1.796,83MW. Và để truyền tải được công suất này thì mạng lưới truyền dẫn sẽ quá tải, hệ lụy sự quá tải dẫn đến thì đã quá rõ: Mạng lưới quá tải thì điện sản xuất ra không thể được phân phối, tiêu thụ và sử dụng hết gây lãng phí.

332 dự án ĐMT là con số đầy bất ngờ và vấn đề là nó chưa dừng lại. Vậy nguyên nhân nào đẩy những làn sóng ngầm thành những cơn sóng thần ĐMT như hiện nay?

Kích thích từ chính sách giá

Khoảng ba năm trước, trong một cuộc trao đổi video conference với Chủ tịch Tân Xuân Hiến của Công ty cổ phần Điện Gia Lai - một công ty con của tập đoàn TTC chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, ông Hiến đã thể hiện sự thiếu lạc quan. Nguyên nhân lớn nhất là khi đó, các chính sách và hàng lang pháp lí của Nhà nước chưa ban hành, đặc biệt là về mức giá mua điện. Ông Hiến khi đó cho rằng, có lẽ phải hai, ba năm nữa sau khi Chính phủ ban hành các chính sách đủ sức kích thích thì thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển mạnh.

Những trông đợi của ông Hiến đã trở thành hiện thực từ Quyết định số 11/2017/QĐ-TTG do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/4/2017 qui định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, các dự án phát triển ĐMT được hưởng miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuê mặt nước theo các qui định hiện hành; được ưu đãi về vốn đầu tư và thuế áp dụng cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Về giá bán điện mặt trời, bên mua (ngành điện lực) có trách nhiệm mua hết sản lượng điện từ các dự án nối lưới tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương 9,35UScent, được điều chỉnh theo biến động tỉ giá với thời hạn hợp đồng mua bán kéo dài 20 năm.

Có thể thấy, Quyết định 11 đã thổi một làn gió mới vào lĩnh vực đầu tư ĐMT khiến cho những làn sóng ngầm bùng lên thành những cơn sóng thần đầu tư ĐMT. Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch tập đoàn TTC, là doanh nghiệp đang đi đầu trong việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và có kế hoạch triển khai tới 20 nhà máy ĐMT vối tổng số vốn dự kiến 1 tỉ USD, đã ví von: Nếu 20 dự án triển khai thành công sẽ biến thành 20 cỗ máy in tiền trong 20 năm tới.

Tiền tất nhiên dễ thấy nhất là đến từ việc bán điện. Với giá bán 9,35 UScent chưa cộng thuế VAT, có thể nói nhà đầu tư đã "có ăn" từ đó khả năng thu hồi vốn rồi dần có lãi hoàn toàn có thể hiện thực.; 

Nhưng sẽ lầm to nếu nghĩ rằng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐMT nói riêng chỉ "sống" bằng tiền bán điện. Cần biết rằng, một nguồn lợi tiềm năng khác chính là mua bán phát thải, hay nói chính xác hơn là mua bán chứng chỉ giảm phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính được chứng nhận (CERs). Theo Nghị định thư Kyoto được kí kết năm 1997 với cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, 1 trong 3 cơ chế mềm dẻo được đề ra là cho phép mua bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án đầu tư giảm phát thải. Như vậy cần hiểu ý hướng sâu xa của ông Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành là "20 nhà máy in tiền trong 20 năm tới" chính là thêm nguồn thu từ đây.

Như vậy có thể thấy, khi chính sách thông thoáng thì ngay lập tức có thể trở thành bệ phóng cho doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư dự án ĐMT nói riêng phát triển hướng đến nhiều nguồn lợi, trong đó có việc hội nhập vào thị trường mua phát phát thải trên thế giới.

Nguyên nhân của "phong trào" làm điện mặt trời đã rõ. Tuy nhiên, để cơn sóng thần điện mặt trời không mang lại những hệ luỵ vì có quá nhiều dự án, thiết nghĩ việc xét duyệt và cấp phép cho điện mặt trời cần thận trọng và tính toán kỹ.

Dạ Thảo

Chủ đề khác