VnReview
Hà Nội

Những liên minh và “nỗi niềm” người tiêu dùng…

Vài tháng gần đây liên tiếp ra đời những liên minh taxi truyền thống nhằm đấu với Grab. Vào giữa tháng 8/2018, liên minh G7 taxi được công bố với sự hợp tác giữa ba hãng taxi là Thành Công, Sao Hà Nội, Ba Sao, với lượng xe lên tới con số 3000 và trở thành hãng taxi có số lượng xe lớn nhất tại thị trường Hà Nội…

G7, G17 và cuộc đấu… "tất cả chọi 1"

Liên minh thứ hai ra đời vào đầu tháng 12/2018 có tên gọi là Liên minh taxi Việt, với sự qui tụ đến 17 hãng (tạm gọi là G17), số đầu xe lên đến khoảng 4.000 chiếc. G17 có tham vọng phủ khắp 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, trên thực tế, liên minh này chủ yếu đang kinh doanh tại Hà Nội và các tỉnh thành phía bắc chứ tại miền Trung hay Nam bộ - đặc biệt là tại thị trường lớn nhất nước TP.HCM – thì lưa thưa, thậm chí có nhiều hãng trong G17 còn chưa hiện diện.

G17 dùng chung ứng dụng EMMDI phát triển trong nước, được cho rằng cũng nhằm đấu với Grab.

Như vậy có thể thấy, sau khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á trong đó gồm cả Việt Nam, thì Grab bỗng trở thành đối thủ cạnh tranh tâm điểm trên đấu trường dịch vụ taxi tại Việt Nam. Tất cả đều muốn đối trọng với Grab và ngược lại – Grab đã trở thành đối trọng của tất cả. Cho dù cuộc đấu trên pháp đình giữa Vinasun đến giờ đã được "dời" từ tòa sang bàn thương lượng nhưng nó đã kịp "tiêm chích" vào thị trường chất xúc tác khiến các hãng cùng hướng về phía Grab để cạnh tranh.

liên minh taxi

Grab dường như đang gánh hầu hết cái nhìn không thiện cảm từ các hãng taxi truyền thống cho dù ngoài hãng này trên thị trường Việt hiện còn có Go-Viet đang ngày càng bành trướng mạnh dù mới chỉ khai cuộc ở dịch vụ xe ôm, giao hàng và giao thức ăn; tiếp đến là các ứng dụng Việt như FastGo, VATO, và mới nhất là Be…

Tuy nhiên, vẫn còn hai hãng taxi lớn nhất nước là Vinasun và Mai Linh không màng đến việc gia nhập liên minh. Có lẽ thứ nhất là hai hãng này có số lượng xe lớn, có thương hiệu và vai vế trên thị trường khá mạnh rồi không muốn vào liên minh để bị thêm "gông xiềng". Thứ hai, sự gia nhập các liên minh thì cũng chưa chắc giúp họ mạnh thêm mà chỉ thêm phiền phức với các ràng buộc. Thứ ba, Vinasun và Mai Linh đã có những tính toán chiến lược riêng dù thời gian qua bị Uber và Grab làm cho ngày càng thất thế.

Trong lúc đang chờ giấy phép để được chính thức cung cấp dịch vụ taxi, Go-Viet đang thoát được "mũi dùi" từ các hãng taxi truyền thống dù đây là một doanh nghiệp đáng gờm vì có "đại gia" Go-Jek của Indonesia đứng phía sau hậu thuẫn mọi mặt.

Cân sức hay không cân sức?

Đến lúc này chưa thể khẳng định với thế cục cơ bản "kiềng 3 chân" gồm G7, G17 và Vinasun, Mai Linh có thể đả bại được Grab hay không và ngược lại, Grab có phá thế và chiến thắng được các đối thủ trên hay không.

Cho dù "kiềng 3 chân" có sức mạnh và sự vững chãi thế nào, thì vẫn còn một "chân" nữa có tính quan trọng và quyết định, đó chính là trong lòng người tiêu dùng. Trên thực tế, các hãng taxi truyền thống nói chung và nhiều hãng lớn nói riêng trong suốt hàng chục năm qua đã đánh mất cái "chân" này, khiến niềm tin của người tiêu dùng đối với họ ngày càng vơi đi, thay vào đó thế chỗ là những Grab, Uber.

Ở một góc nhìn khác, cũng có những ứng dụng đặt xe Việt ra đời khá sớm như VATO (trước đó có tên là VIVU, FaceCar) nhưng dường như không chiếm lĩnh được nhiều tình cảm trong lòng người tiêu dùng, qua đó đánh mất đi cơ hội lan tỏa mạnh trên thị trường. Tất nhiên về nguyên nhân có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng nếu chỉ xét ở góc độ truyền thông, sự thiếu chuyên nghiệp của một số ứng dụng Việt đã khiến họ tự mình đánh mất đi cơ hội. FastGo gần đây, có tranh thủ tốt hơn được thiện cảm của giới truyền thông, nhưng cú "thọc sườn" Grab khi góp tiếng nói ủng hộ Vinasun trong vụ kiện đã khiến dư luận nhìn về FastGo đầy "cơ hội chủ nghĩa" dù rằng chính họ cũng là một ứng dụng đặt xe và hiện nay đang cung cấp dịch vụ ứng dụng gọi taxi khi chưa được Bộ GTVT cấp phép.

Liên minh có thể mang tới sức mạnh, nhưng không phải liên minh nào cũng tạo ra sức mạnh.

Cần biết rằng, mô hình kinh doanh dịch vụ ứng dụng gọi xe thuộc phạm trù kinh tế Internet, là loại dịch vụ O2O (online to offline), nói theo trào lưu thì đây là mô hình kinh tế số. Với kinh tế số, sức mạnh càng không hẳn đến từ sự liên minh số đông người nhiều và xe lắm. Bằng chứng cho thấy, khi Grab mới vào thị trường Việt Nam, họ cũng không hẳn có nhiều tiền để chi và cũng chưa có ngay nhiều chủ xe/tài xế đến hợp tác. Ông Nguyễn Tuấn Anh khi còn là CEO của Grab Việt Nam từng bày tỏ: "Vấn đề không phải là tiền nhiều mà là cách tiêu tiền như thế nào mang lại hiệu quả. Khi thấy chúng tôi tiêu tiền hiệu quả thì các nhà đầu tư sẽ mang tiền đến cho chúng tôi thôi".

Vấn đề mấu chốt trên thị trường taxi hiện nay không phải chỉ xét về tương quan lực lượng, mà cần xét đến ưu thế ở tương quan về sức mạnh công nghệ hỗ trợ và khả năng ứng dụng công nghệ vào kinh doanh như thế nào, cùng với khả năng quản trị, phương thức kinh doanh đạt hiệu quả cho doanh nghiệp đồng thời cũng mang đến lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Mạnh hơn về lực lượng về số đầu xe hay đội ngũ tài xế chưa chắc quyết định đến phần thắng. Phần thắng sẽ được quyết định từ phương thức kinh doanh với sự hỗ trợ của công nghệ nhằm tiết giảm chi phí, mang chi phí đó để chăm sóc người tiêu dùng tốt hơn.

Dạ Thảo

Chủ đề khác