VnReview
Hà Nội

“Cây gậy” chuyển mạng giữ số: đã quá kì vọng nhưng đừng thất vọng!

Thị trường thông tin di động Việt Nam đã chính thức triển khai chương trình chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability - MNP) một cách hoàn toàn khi ngày 1/1/2019 hơn 120 triệu thuê bao di động trả trước được phép tiến hành MNP. MNP là điều từng được chờ đợi với bao kì vọng sẽ tạo ra cuộc thay đổi. Song trên thực tế, MNP chỉ là MNP…

Tỉ lệ chuyển mạng không lớn

Còn nhớ ngày 16/11/2018, thời điểm khoảng 5% thuê bao di động tại Việt Nam là thuê bao trả sau được phép tiến hành MNP. Sau một ngày ròng, toàn thị trường chỉ xảy ra 266 trường hợp thuê bao chuyển mạng. Một con số quá nhỏ trong tổng số hơn chục triệu thuê bao trả sau, như muối bỏ bể…

Và suốt một tháng rưỡi sau đó, cũng chẳng có con số thuê bao chuyển mạng nào gây đột biến tạo được sự chú ý. Vẫn rất ít thuê bao di động trả sau rời bỏ mạng này gia nhập mạng kia. Hoàn toàn không phải vì lí do bị nhà mạng làm khó, hay vì các qui định, thủ tục rườm rà gây cản trở. Tất cả chỉ phụ thuộc vào ý muốn và ý chí của khách hàng -thuê bao.

Đến thời điểm ngày 1/1/2019, hơn 120 triệu thuê bao trả trước được tiến hành MNP. Số thuê bao thực hiện chuyển mạng cũng không nhiều. Lí do đầu tiên vì ngày này rơi vào dịp lễ nhiều người cũng về quê, đi du lịch, nghỉ ngơi tại quê, nhà. Nhưng lí do quan trọng nhất vẫn là thuê bao có nhu cầu chuyển đổi mạng hay không và đến đâu. Nhu cầu thì tất nhiên là có, nhưng vào thời điểm nào, ít hay nhiều, mới là vấn đề.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, thống kê từ các quốc gia đã triển khai MNP thì tỉ lệ thuê bao tham gia chỉ khoảng dưới 5%. Có nghĩa là, nếu thực sự xảy ra với tỉ lệ này thì cũng không phải là "cú đánh trời giáng" vào nhà mạng khiến họ rơi vào suy sụp. Nhưng ngược lại, đó là dấu hiệu để nhận biết những khiếm khuyết, điểm yếu phải thay đổi và cải thiện việc cung cấp dịch vụ và cung cách phục vụ.

Đã quá kì vọng nhưng đừng thất vọng!

Vào khoảng thời gian thị trường thông tin di động Việt Nam sắp bước vào thời điểm triển khai MNP, không ít ý kiến cho rằng nó sẽ tạo ra những thay đổi. Nhưng có vẻ như, sự kì vọng đó lại xuất phát từ tâm lí, quan điểm nhìn về thị trường thông tin di động một cách tiêu cực hơn là tích cực.

Nhưng giờ đây, 45 ngày đã qua và thực tế thị trường đã trả lời. Các nhà mạng cũng chẳng lấy gì phải lo lắng khi xuất hiện MNP. Thậm chí khi đến các điểm giao dịch, nhà mạng tiếp nhận thuê bao với đề nghị rời mạng cũng xem như một ca giao dịch rất đỗi bình thường chứ chẳng có sự khó chịu hay thiếu nhiệt tình gì cả.

Chúng ta đã quá kì vọng vào MNP cũng một phần tâm lí muốn trừng phạt nhà mạng sau khi người tiêu dùng có "cây gậy" MNP trong tay. Nhưng rõ ràng là, có trừng phạt hay không là quyền của người tiêu dùng chứ không phải những ai đó, hay công luận lên tiếng muốn là được.

Một số chuyên gia am hiểu vấn đề cho rằng, MNP là "cây gậy" cho người tiêu dùng nhưng không có nghĩa cứ có nó trong tay là… "quất". Vì như thế, chính "người quất" cũng mệt chứ đâu chỉ nhà mạng không thôi?

Cần biết rằng, người tiêu dùng trước đây muốn trừng phạt nhà mạng vì một vấn đề gì đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ nhưng không có công cụ thuận tiện để thực hiện mà công cụ trừng phạt đó không ảnh hưởng mấy đến họ. Thì nay, người tiêu dùng đã có MNP trong tay, có thể trừng phạt nhà cung cấp dịch vụ một khi làm họ quá thất vọng mà không gặp phiền phức trong việc phải thay đổi số điện thoại liên lạc khi chuyển mạng.

MNP sẽ vẫn là "cây gậy", cần thiết và hữu ích đối với người tiêu dùng; và cũng có tác dụng giúp cho nhà mạng nhìn vào con số thuê bao rời bỏ mình mà không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng các tiện ích để níu chân người dùng để họ gắn bó dài lâu với mình.

Trong một thị trường thông tin di động đang phát triển ổn định và nền tảng chung về chất lượng của các nhà mạng ở mức khá trở lên, MNP không thể hiện được nhiều tác dụng. Song với một thị trường mà trong đó các nhà mạng bắt đầu sao nhãng chất lượng dịch vụ, khiến cho khách hàng liên tục thất vọng, hoặc nhà mạng để xảy ra các sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng nặng tới quyền lợi của người tiêu dùng, MNP sẽ phát huy tác dụng "cây gậy" trừng phạt của mình.

Thẳng thắn mà nói, thời điểm Việt Nam triển khai MNP vào cuối năm 2018 vừa qua thì thị trường thông tin di động Việt Nam đã trải qua hàng chục năm hình thành và phát triển. Thời kì dịch vụ chập chờn cũng đã qua. Chính vì thế, nếu số lượng thuê bao tiến hành MNP có ít thì cũng không nên lấy đó làm thất vọng, ngược lại nên lấy đó làm phấn khởi vì sự phát triển ổn định của thị trường.

Hoàn toàn có quyền kì vọng vào MNP, nhưng cũng đừng thất vọng nếu số thuê bao tiến hành MNP không được như kì vọng. Hãy để MNP chính là MNP, là "cây gậy" luôn có trong tay người tiêu dùng được sử dụng một cách hữu hiệu và thông minh nhất, chứ đừng biến MNP trở thành một loại công cụ theo ý chí của bất cứ ai.

Dạ Thảo

Chủ đề khác