VnReview
Hà Nội

Apple đang nhìn về những “mỏ vàng” như Việt Nam?

Những ngày hoảng loạn của Apple đã qua đi nhưng cơn bĩ cực vẫn chưa hết. Mới nhất, iPhone tại Trung Quốc đã được công ty bán lẻ Runing giảm giá đối với mẫu iPhone XR 128GB lên tới 1.200NDT, tương đương khoảng 4 triệu đồng Việt Nam. Vậy nên Apple đang hướng về thị trường Việt…

"Giá rẻ"… lại bị ghẻ lạnh

Mục đích ra iPhone XR của Apple là để hớt phân khúc khách hàng có hầu bao khiêm tốn hơn không thể mua iPhone Xs và Xs Max với giá quá cao. Chính vì mẫu "giá rẻ" trong sêri iPhone 2018 này, có lúc người dùng đã tưởng được bù đắp ít nhiều nếu không mua được hai mẫu cao tiền hơn. Và cũng đã có lúc, sức tiêu thụ vài ngày đầu đã khiến những dự báo sai lệch rằng iPhone XR sẽ là mẫu bán chạy nhất vì có giá chỉ từ trên 600-trên 700USD (về Việt Nam tùy phiên bản giá cũng xấp xỉ hoặc trên 20 triệu đồng).

Nói iPhone XR là "giá rẻ" là so "với chị với em" của nó. Chứ trên thực tế, iPhone XR có mức giá bằng một siêu phẩm Android mà chúng ta có rất nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nếu so về cấu hình, các tính năng mới hay sự sáng tạo về công nghệ, rồi thậm chí về kiểu dáng thiết kế, thì iPhone XR chẳng có gì mới ngoài bộ sưu tập màu sắc. Ban đầu, các màu đỏ, vàng có vẻ hấp dẫn kha khá người dùng. Nhưng sau đó, với ống kính đơn trong trào lưu camera kép hỗ trợ đắc lực cho việc chụp ảnh, lại chính là điểm trừ lớn nhất của mẫu iPhone này.

Chỉ 1-2 tháng sau khi chính thức được bán ra, iPhone XR dần trở thành… đắt đỏ. Không đắt đỏ sao được với một cấu hình tầm tầm và cũng không mới mẻ gì. Chính vì thế, iPhone XR dần bị ghẻ lạnh kéo theo các dự báo đen tối: Apple phải cắt giảm tới 20% sản lượng iPhone XR, tiếp đó là cắt giảm tới 1/3. Tình hình bán buôn iPhone Xs và Xs Max đã chẳng sáng sủa gì, trong khi iPhone XR lại càng thảm.

Hết thị trường Nhật tới thị trường Trung Quốc, mẫu iPhone "lên thớt" giảm giá trước tiên đều là XR chứ không phải hai mẫu "hao tiền tốn của" hơn kia. Và suy cho cùng, iPhone XR cuối cùng rồi cũng đi theo vết xe đổ của những dòng iPhone giá rẻ mà Apple đã ra mắt những năm trước dù có khơi lên dư luận bàn tán hơn ở 1-2 tháng đầu ra mắt.;

Tại thị trường Trung Quốc vốn là "mỏ vàng" của Apple nhiều năm qua, người dân đã tỉnh ngộ và khước từ iPhone mới với lập luận rằng không đáng "đồng tiền bát gạo" và quá đắt đỏ để mua sử dụng trong khi chẳng có tính năng gì nổi bật và hấp dẫn. Còn ở Ấn Độ, iPhone 2018 thậm chí còn bị xem là điện thoại xa xỉ đối với nhiều tập khách hàng. Chính vì thế, những kì vọng của Apple tại thị trường này chỉ đạt được 50%. Còn đa phần, người tiêu dùng hướng về các thương hiệu điện thoại Trung Quốc mà đứng đầu chính là Xiaomi.

Hướng đến những "mỏ vàng" mới như Việt Nam…

Trong khi sa sút nặng nề tại Trung Quốc và thất bại tại Ấn Độ được xem là 2 trong 3 thị trường lớn nhất toàn cầu thì Apple hiện vẫn hi vọng vào Mỹ là thị trường nhà, cùng với Canada ở Bắc Mỹ, một vài nước Châu Âu, hay Mexico, Ba Lan. Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chính là thị trường được Apple lưu ý trong một lá thư gửi cho cổ đông mới đây.

Tất nhiên, trong lúc lao đao thì ban điều hành phải kể ra tất cả những thị trường có thể giúp họ vẽ ra bức tranh sáng sủa hơn hay chí ít cũng ít bi quan hơn để trấn an cổ đông. Chứ kì thực, thị trường Việt Nam còn khá nhỏ bé cho nên nếu có được xem là "mỏ vàng" thì mang ý nghĩa trong tương lai hơn là thời điểm này.

Hiện iPhone cũng chỉ chiếm từ 5-6% thị phần tại Việt Nam, thậm chí có thể đã bị gạt ra khỏi "Top 3" bị thay thế bởi những cái tên như Xiaomi, Huawei…

Sự trấn an của ban điều hành Apple khi nhắc tới thị trường nhỏ bé như Việt Nam chắc chắn xuất phát từ thực tế: Việt Nam là thị trường mà Apple từng đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc và khá ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Hơn thế nữa, người tiêu dùng Việt Nam dù chưa thật nhiều người sử dụng iPhone song không đến nỗi chê bai hay bài xích như tại thị trường Trung Quốc hiện nay.

iPhone dù đắt đỏ, nhưng người tiêu dùng Việt không có tiền mua thì chịu chứ ít so sánh giá đắt rẻ đặt bên cạnh các thương hiệu điện thoại Android. Chính vì thế, khả năng ngoảnh mặt với iPhone của iFans Việt nếu có cũng không mạnh mẽ thành làn sóng như tại Trung Quốc (tất nhiên tại Trung Quốc còn có yếu tố tác động là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung).

Song có một điều: iPhone có mức giá đắt nhất trong các thương hiệu smartphone; Việt Nam cũng là thị trường chịu mức giá iPhone thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Thị trường Việt Nam chính là "mỏ vàng" của iPhone còn là ở góc độ đó, mà iFans có lẽ chẳng mấy khi tỏ ra không hài lòng hay bực dọc vì sự tăng giá quá mạnh và quá cao của iPhone vài năm trở lại đây.

Dạ Thảo

Chủ đề khác