VnReview
Hà Nội

Chuyển mạng giữ số: Khi nhà mạng muốn trói chân… tương lai

Rất nhanh, đã ba tháng tính từ ngày 16/11/2018 qui định về chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) được triển khai. Nhưng cũng rất bất ngờ, MNP tưởng là cậy gậy thần cho người tiêu dùng và cho cả những nhà mạng năng động, sáng tạo trong kinh doanh, lại có một kết quả đáng thất vọng.

Những con số biết nói…

Cũng không có cách nào khác là phải nêu lại những còn số.

Tính từ ngày 16/11/2018-13/2/2019, tỉ lệ đăng kí chuyển mạng giữ số nhìn chung thành công thấp. Đơn cử, MobiFone có 25.587 người dùng đăng ký MNP, nhưng chỉ có 6.906 trường hợp thuê bao chuyển đi thành công, đạt 23,09%; VinaPhone có 19.425/28.451 trường hợp thuê bao chuyển đi thành công, đạt tỉ lệ 68,28%; Viettel có 27.941/33.438 trường hợp chuyển đi sang mạng khác thành công, đạt tỉ lệ 83,56%...

chuyển mạng giữ số

Không quá khắt khe bắt bẻ thì cũng phải nghiêm túc nói rằng: MobiFone làm coi không được! Có thể nhà mạng này sẽ đưa ra rất nhiều lí do, nguyên nhân lí giải cho con số 23% ở trên, nhưng cũng sẽ đa phần thuê bao thấy không thuyết phục.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị Giao ban quản lí Nhà nước tháng 1/2019 của Bộ này đã yêu cầu các nhà mạng phải loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng kí dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số MNP. Ông Bộ trưởng cũng đưa ra tỉ lệ tối thiểu phải thực hiện MNP thành công tại ba nhà mạng trên trong 3 tháng tới là 90%.

Rào cản!

Những con số biết nói, và ông bộ trưởng cũng đã nói, tập trung ở hai từ: Rào cản!

Rào cản từ nhà mạng thì đã rõ quá rồi. Mấy tháng qua, đã có quá nhiều phản ánh từ các thuê bao cho rằng, khi tới điểm giao dịch của nhà mạng đăng kí dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thì được tiếp đón vui vẻ. Nhưng sau đó hai, ba ngày, những cú điện thoại của nhân viên chăm sóc khách hàng gọi tới, ban đầu là hỏi han lí do, giải thích các bất cập và hứa cải thiện, tiếp sau là tư vấn nhằm giữ chân khách hàng ở lại, không được thì mới tới chiêu "chẻ sợi tóc làm tư" bắt lỗi từ thông tin không khớp đến chữ nghĩa, dấu câu.v.v… nhằm bằng mọi cách để khách hàng chán nản từ bỏ ý định thực hiện MNP.

Tất nhiên ở đây cần thẳng thắn và công bằng nói rằng, không phải nhà mạng nào cũng dựng lên những rào cản hoặc cố tình bắt lỗi khách hàng muốn thực hiện MNP như nhau. Nhà mạng có tỉ lệ thực hiện MNP thành công cao hơn như Viettel (83,56%), VinaPhone (68,28%) thì hẳn nhiên ít rào cản hơn so với MobiFone (23,09%). Rào cản còn đó, nhưng mỗi nơi một khác và mỗi nhà mạng một chiêu với cùng một mục tiêu là cố giữ chân khách hàng.

Nhưng còn một rào cản khác chính là qui định về chuyển mạng giữ số MNP của Bộ TT&TT, hiện khá nhiêu khê. Phải thú thật rằng, người viết bài này khi nhìn vào tờ tài liệu hướng dẫn chuyển mạng giữ số các nhà mạng in ra trên tờ giấy A4 phát cho khách hàng tham khảo cũng thấy rối tung rối mù. Đó là chưa kể bao điều kiện để thuê bao được làm MNP trong Thông tư qui định về vấn đề này.

"Đọc vị" những qui định này, có thể thấy rằng vẫn còn vì nhà mạng, e sợ làn sóng MNP sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhà mạng. Rào cản này, có lẽ là một phần trách nhiệm của Cục Viễn thông, đã không đủ mạnh mẽ và dứt khoát theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính làm cho nó đơn giản, tinh gọn hơn giúp cho thuê bao muốn được làm MNP thuận tiện hơn.

Trói chân tương lai…

Tương lai đâu có chân đâu mà trói - một cách nói ví von ẩn dụ ám chỉ rằng nhà mạng đang làm một việc phản tác dụng, chẳng đạt được hiệu quả và cũng chẳng có ích gì.

Dân gian có câu: "Giữ người ở lại chứ ai giữ người ra đi". Khi thuê bao muốn rời mạng mà nhà mạng cố dùng mọi chiêu thức giữ họ thì chỉ tổ gây thêm bực bội, bức xúc và dư luận không hay. Vậy thì chi bằng, nhà mạng hãy cải thiện dịch vụ, làm tốt những gì đang có và sắp tới để giữ chân thuê bao còn ở lại đồng thời hướng tới thu hút thuê bao mới trong đó có những thuê bao đến từ nhà mạng khác.

Trói chân tương lai là không thể cho dù tương lai đó có thuộc về mình, huống chi tương lai không thuộc về mình thì càng không thể. Những thuê bao đã muốn ra đi, là tương lai ở nhà mạng khác. Nhà mạng nào muốn trói chân thuê bao thì chỉ có hai loại: Thuê bao đang ở lại và thuê bao sẽ đến trong tương lai. Các chính sách kinh doanh và phục vụ đều phải tính đến hai tập khách hàng/thuê bao này.

Trên thực tế, nếu nhà mạng nào chấp nhận thực trạng nhiều thuê bao rời đi thì chính nhà mạng đó có thêm động lực mạnh mẽ để khắc phục các sai sót, cải thiện chất lượng kĩ thuật, dịch vụ và cung cách phục vụ; hướng đến phát triển những dịch vụ mới hấp dẫn và tiện ích hơn để thu hút khách hàng. Còn nếu cứ ỷ vào thủ tục hành chính, các rào cản kĩ thuật hay sự sơ suất trong đăng kí, kê khai thông tin của khách hàng, thì cũng chẳng thể giữ chân khách hàng được lâu.

Dám chấp nhận sự mất đi để có thêm động lực làm lại và lấy lại những gì đã mất và hơn thế nữa. Nếu biết tận dụng thời cơ từ MNP, nhà mạng sẽ không mất mà ngược lại còn được.

Dạ Thảo

Chủ đề khác