VnReview
Hà Nội

“Táo” – “Sung” và cuộc đua “vét” túi tiền khách hàng

Cứ tưởng chỉ có "Táo khuyết" mới là kẻ muốn đẩy giá lên mức nghiệt ngã gần 44 triệu đồng tiền Việt cho mẫu iPhone đắt nhất trong lịch sử - iPhone Xs Max phiên bản bộ nhớ trong 512GB. Nhưng, với sự ra mắt của Galaxy S thế hệ mới nhất, nhà "Sung" cũng cho thấy sự sẵn sàng thiết lập đỉnh giá mới.

Apple chạy trước nâng giá

Từ cuộc suy giảm giá cổ phiếu cách đây vài tháng, Apple đã lần lượt rơi hạng khỏi vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới và cũng rời khỏi mốc doanh nghiệp ngàn tỉ USD mà trước đó "Táo khuyết" đã đạt được.

Thậm chí còn hơn thế, mới đây theo xếp hạng của tạp chí danh tiếng chuyên về lĩnh vực này - Fast Company, Apple từ vị trí công ty sáng tạo số 1 thế giới đã rơi xuống vị trí thứ 17 trong năm 2018. Trong lịch sử tăng trưởng ngành hàng điện thoại của mình, "Táo khuyết" hầu hết chỉ có đi lên chứ ít đi xuống. Nhưng giờ đây, họ phải nếm trải vị đắng… do chính họ tạo ra một cách thấm thía nhất.

Tất cả bắt nguồn từ một vấn đề cốt lõi: iPhone 2018 ít tính sáng tạo nhưng giá cao ngất. Đơn cử, phiên bản iPhone XR "thường thường bậc trung" nhưng giá bán lên đến hơn 700USD (lúc mới về Việt Nam giá trên 20 triệu đồng). Còn phiên bản iPhone Xs Max bộ nhớ trong 512GB, giá 1.499USD chỉ là tại thị trường Mỹ, chứ về các thị trường khác thì mức giá lại bị nâng lên hàng chục phần trăm (%).

Dễ thấy nhất là tại Việt Nam, giá bán phiên bản này tại chuỗi Thế Giới Di Động hay FPT Shop là 43,99 triệu đồng, tương đương khoảng 1.890USD. Trong khi tại Trung Quốc – thị trường béo bở hàng đầu của iPhone hàng chục năm qua, mức giá phiên bản này lên đến hơn 1.900USD, cao hơn giá tại Mỹ đến 26%.

Sau khi dư luận dần phản ứng gay gắt và tiêu cực với mức giá iPhone 2018 một cách rõ rệt thể hiện ở sức mua giảm, CEO của "Táo khuyết" Tim Cook buộc phải nhìn nhận việc định giá iphone là cao, nhưng lại đổ lỗi do chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và tỉ giá USD với các đồng nội tệ ở các nước sở tại.

Nhưng giám đốc điều hành Wedbush Securities - ông Daniel Ives – lại có cách lí giải khác khi trả lời CNBC qua email. Theo ông "căng thẳng thương mại là một lí do tốt để che đậy", còn "nguyên nhân thực sự đến từ nhu cầu thấp của người dùng với mẫu iPhone XR và cách định giá sai của Apple tại thị trường Trung Quốc".

Đâu phải Apple chỉ định giá iPhone sai tại thị trường Trung Quốc. Như đã đề cập ở trên, điển hình nữa là tại Việt Nam, và còn nhiều thị trường khác nữa, mức giá iPhone 2018 đều cao hơn so với tại Mỹ hàng chục phần trăm. Táo luôn có vị ngọt, nhưng "Táo khuyết" giờ lại mang vị đắng, do chính họ gây ra cho mình.

Samsung nhấn ga chạy theo…

Đúng là giá smartphone ngày càng đắt đỏ thấy rõ nếu chỉ xét trên hai thương hiệu iPhone và Galaxy S/Note. Những năm qua giá của điện thoại Samsung Galaxy S/Note cứ đời sau ra mắt thường có giá cao hơn đời trước (tất nhiên có phụ thuộc vào yếu tố cấu hình) nhưng chung qui lại cũng chưa tới mức gây sốc.

Nhưng đến thế hệ Galaxy S10 thì mức giá đã vượt ngưỡng 30 triệu đồng - chính xác là 30,99 triệu đồng - với mẫu Galaxy S10+ phiên bản cao cấp có mặt lưng bằng ceramic màu đen và RAM 8GB cùng bộ nhớ trong 512GB.; Mức giá này cao hơn phiên bản Note 9 bộ nhớ trong 512GB 2,5 triệu đồng được chính thức bán ra tại Việt Nam vào tháng 9/2018.

Song tất cả, từ iPhone 2018 đến Galaxy S10+, đều lu mờ về mức giá so với mẫu điện thoại Galaxy Fold mà Samsung ra mắt cùng tại sự kiện ra mắt Galaxy S10. Galaxy Fold là điện thoại có màn hình gập đầu tiên của Samsung trong trào lưu smartphone và cũng là mẫu máy đầu tiên được Samsung công bố mức giá lên tới 1.980USD, tức tương đương khoảng 46 triệu đồng. Một mức giá sốc thực sự với những ai lâu nay vẫn cứ phải "nâng lên đặt xuống" đối với những chiếc iPhone Xs Max vì cảm thấy giá quá cao.

Có thể Galaxy Fold mang đến những sáng tạo mới, những nét riêng độc nhất vô nhị tại thời điểm này, nhưng với mức giá cũng "độc nhất vô nhị" của nó thì rõ ràng đã "loại từ vòng gửi xe" vô số người tiêu dùng.

Mức giá của Galaxy Fold làm chúng ta nhớ đến những thương hiệu điện thoại hạng sang như Vertu hay Mobiado một thời, có mức giá tính bằng đôla và hàng ngàn đôla mỗi chiếc. Nhưng ngày nay, những thương hiệu điện thoại hạng sang đó đều dần lụi tàn. Vì trên thực tế, xu hướng phát triển và tiêu dùng "tất cả trong 1" hội tụ trong chiếc điện thoại cầm tay và người ta ít quan tâm đến yếu tố sang chảnh hơn các yếu tố là sự hiệu quả, đa chức năng, khả năng kết nối mạnh mẽ và thậm chí có thể làm việc được trên điện thoại.v.v…

Vị đắng mà "Táo" đang nếm liệu có chuyển sang vị chát chờ đợi nhà "Sung" ở phía trước? Sự trông chờ về doanh số của Samsung có lẽ sẽ tập trung nhiều ở ba mẫu Galaxy S10e, S10 và S10+ chứ khó mà kì vọng doanh số lớn từ Galaxy Fold.

Khi "Táo" và "Sung" bám đuổi nhau trong cuộc đua đẩy mức giá điện thoại liên tiếp lên những đỉnh mới, đó cũng chính là con dao hai lưỡi quay lại cắt vào họ. Trong trường hợp này dần lộ ra những "ngư ông đắc lợi" là các thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, OPPO, Vivo… với số tiền bỏ ra từ 15-18 triệu đồng người tiêu dùng đã có thể sở hữu những siêu phẩm từ các thương hiệu này.

Vậy thì tăng giá hay là chết, hay là tăng giá để mà chết?

Dạ Thảo

Chủ đề khác