VnReview
Hà Nội

Bước gập ghềnh được dự báo khi Go-Viet “thay ngựa giữa dòng”

Thông tin về việc cặp nhân sự quan trọng nhất là ông Nguyễn Vũ Đức – đồng sáng lập, CEO của Go-Viet và bà Nguyễn Bảo Linh (Linh Nguyễn) - Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển Go-Viet đều cùng từ chức tại công ty này thật sự gây bất ngờ. Thông tin này được trang tin nước ngoài Deal Street Asia tung ra trước nhưng cả Go-Jek và Go-Viet đều không xác nhận.

"Thay ngựa giữa dòng"

Cho đến khi báo chí, truyền thông tại Việt Nam rộ lên thông tin ông Đức và bà Linh cùng từ chức tại Go-Viet từ trưa đến đầu giờ chiều ngày 29/3 thì phía Go-Viet mới phát đi thông cáo báo chí cho biết ông Đức và bà Linh tiếp nhận vị trí cố vấn cho Go-Viet và là đối tác chiến lược của Go-Jek. Trong khi đó, vị trí CEO tại Go-Viet của ông Nguyễn Vũ Đức trước đây giờ do ông Phùng Tuấn Đức đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh cùng xuất hiện trong ngày Go-Viet ra mắt tại Hà Nội vào tháng 9/2018. Cả hai vừa từ chức khỏi Go-Viet.;   

Tất nhiên, chi tiết do Deal Street Asia hé lộ là những nhân sự cao cấp này rời khỏi Go-Viet đòi khoản bồi thường lên đến 800.000 USD đã không được thông cáo của Go-Viet đề cập tới.

Việc phải "thay ngựa giữa dòng" khi Go-Viet mới "chân ướt chân ráo" tại thị trường Việt Nam (chính thức khai trương từ tháng 9/2018) cùng với thông tin đòi khoản bồi thường cho thấy vấn đề nội bộ giữa nhóm nhân sự cao cấp rời đi với ban lãnh đạo Go-Jek là bên hậu thuẫn Go-Viet về tiền, công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh, có thể đã xảy ra những bất đồng. Bởi nếu không, một ứng dụng còn đang "chân ướt chân ráo" cần những nhân sự giỏi và am hiểu thị trường như ông Đức và bà Linh thì sao có thể để hai nhân sự chủ chốt này ra đi…

Go-Viet tuyên bố đã chiếm được 35% thị phần di chuyển bằng xe máy. Ở mảng giao thức ăn, Go-Viet vừa chấm dứt giai đoạn khuyến mãi miễn phí giao hàng. Trong khi đó, mức chiết khấu vừa được Go-Viet nâng lên 20% khiến không ít tài xế không hài lòng. Nhưng còn một điểm nữa Go-Viet đang tụt lại so với các đối thủ là mảng di chuyển Go-Car đến nay họ vẫn chưa có được giấy phép cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam như mong đợi.

Nếu phải so sánh về mảng nhân sự, thì ngay trong giai đoạn đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam, Grab đã có ngay một sự ổn định và gắn bó lâu dài từ những nhân sự chủ chốt nhất quyết định đến sự thành bại. Trong khi Go-Viet, với sự ra đi của CEO Nguyễn Vũ Đức cũng là đồng sáng lập, và nhân vật quan trọng thứ hai là Phó tổng giám đốc phát triển Linh Nguyễn, rồi đến người đứng đầu bộ phận truyền thông cũng thay đổi trong một thời gian ngắn sau khi khai trương, đã cho thấy sự thiếu ổn định nhân sự từ cấp cao đến cấp trung. 

Tham vọng, "đốt tiền", và thực lực…

Theo DeelStreetAsia, Go-Jek đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào thị trường Việt Nam thông qua Go-Viet tính đến cuối năm 2018. Chẳng thể giấu được thực tế rằng, một khi Go-Jek hậu thuẫn từ tài chính, công nghệ đến nghiệp vụ kinh doanh là những yếu tố quan trọng nhất tại Go-Viet thì họ cũng có quyền quyết định lớn nhất tại doanh nghiệp này.

Go-Jek đang là "kì lân công nghệ" tại Indonesia, đã và đang gọi vốn được hàng tỉ USD, rõ ràng không chỉ có tiềm lực tài chính, thế mạnh thương hiệu mà còn là niềm tự hào. Việt Nam là thị trường quan trọng đối với Go-Jek và có sự tương đồng lớn về việc sử dụng xe máy phổ biến trong giao thông.  Chính vì thế chiến lược kinh doanh khi triển khai tại Go-Viet đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn tài xế tham gia và người dùng. Thương hiệu Go-Viet cũng nhanh chóng được nhận diện phổ biến, chỉ sau Grab trong lĩnh vực đặt xe qua ứng dụng trên điện thoại.

Tuy nhiên, ngoài những lợi thế trên Go-Viet hiện không có "con át chủ bài" nào khác để tung ra trong kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Việc không thu chiết khấu hay thu thấp, mức ưu đãi cao cho tài xế.v.v… chỉ là các chính sách bước đầu thâm nhập thị trường. Còn về lâu dài, các chính sách như vậy sẽ được điều chỉnh, siết lại hoặc bãi bỏ dần. Lợi thế cuối cùng phải được thể hiện ở khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng và thái độ phục vụ từ đối tác tài xế; nhưng trước đó cần có chiến lược kinh doanh năng động, linh hoạt và đa dạng. Điều này lại phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt. Khi đội ngũ này thiếu ổn định thì bước gập ghềnh trong kinh doanh sẽ dần lộ ra.

Go-Jek bước ra nước ngoài và đã chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên trong tham vọng lấn ra Đông Nam Á để cạnh tranh với Grab. Tuy nhiên chính tại thị trường đầu tiên mà họ xem trọng lại xảy ra "trục trặc" đầu tiên về nhân sự quan trọng nhất chỉ sau khoảng sáu tháng chính thức khai trương. Bản chất của thực lực gồm cả tiền và thế, thương hiệu, nhưng trên tất cả phải là con người với những bộ não điều hành giỏi giang và thông minh.

Go-Jek đang chậm chân hơn Grab về mọi mặt tại thị trường Việt Nam, nay lại thêm "trục trặc" về nhân sự cao cấp nhất tại Go-Viet. Xem ra, trong cuộc đấu giữa hai "kì lân công nghệ" này của Đông Nam Á, Go-Jek khó mà san bằng được tương quan trong một tương lai gần.

Dạ Thảo

Chủ đề khác