VnReview
Hà Nội

Loạt báo cáo thị trường chứng minh Sony không hề ngắc ngoải “chờ chết”

Không khó để bắt gặp đâu đó những bình luận cho rằng Sony "chỉ còn là quá khứ" hay "đang chờ chết",... Vậy sự thật có đúng như vậy?

Rất nhiều người vẫn tin rằng công ty Nhật Bản giờ chỉ còn là "ánh đèn" lay lắt. Tuy nhiên, nếu bạn có cùng suy nghĩ này thì loạt báo cáo thị trường dưới đây sẽ thay đổi suy nghĩ "lạc hậu" đó. Năm 2019 rồi, không còn là Sony của vài năm trước sống trong thua lỗ triền miên, đến nỗi phải bán tháo tài sản, công ty,... mà điển hình là bán mảng kinh doanh Vaio.

Giống như các công ty khác, Sony cũng tham gia nhiều thị trường khác nhau như truyền hình, điện thoại, tai nghe, máy ảnh,...

Công ty có rất nhiều nguồn thu khác nhau từ danh mục sản phẩm đa dạng, cũng có vị thế riêng trên từng thị trường tham gia. Do vậy, những suy nghĩ kiểu như trên giống như bạn đang dùng trình duyệt IE chưa tải đến năm 2019, trong khi chúng bạn đều đã dùng Chrome, Opera hay Firefox mới nhất. Dưới đây là tập hợp báo cáo thị trường của nhiều công ty điều tra, phân tích độc lập trên các lĩnh vực khác nhau, qua đó, giúp các những ai còn "mắc kẹt với IE" cập nhật tình hình về công ty mà họ nghĩ là "sắp chết".

Top 10 nhà phát hành ứng dụng di động, game di động top 3 doanh thu thế giới

Bạn và nhiều người chắc không biết đến Sony với vai trò là một nhà phát hành ứng dụng di động. Thực tế chúng ta rất ít nghe đến một ứng dụng nào của Sony trở nên nổi tiếng. Thế nhưng, sự thật là Sony đang kiếm rất nhiều tiền từ người dùng smartphone, mà chẳng cần phải thông qua bán phần cứng di động.

Đứng thứ 6 về doanh thu phát hành ứng dụng di động năm 2018

App Annie chuyên điều tra về thị trường ứng dụng di động đã công bố danh sách các nhà phát hành hàng đầu năm 2018. Dựa trên tiền mua ứng dụng hoặc trò chơi, mua gói vật phẩm trong ứng dụng hoặc trò chơi, không bao gồm tiền xem quảng cáo, kết hợp cả hai nền tảng iOS và Android, đây là nhóm 10 hãng phát hành kiếm được nhiều tiền nhất năm qua. Cái tên Sony xuất hiện ở vị trí thứ 6 toàn cầu.

Sony có thứ hạng như vậy chủ yếu dựa vào một tựa game mobile là 'Fate/Grand Order' (FGO). Trò chơi được phát hành bởi Aniplex, công ty con của Sony Music Entertainment Japan. Đây là "gà đẻ trứng vàng" ít ai biết, vì đa phần mọi người cho rằng Sony chủ yếu kiếm tiền qua nền tảng PS4 với các hit như 'God of War', 'Spider-Man',...

Sony sở hữu game mobile có doanh thu cao thứ 3 toàn cầu

Theo thống kê từ SensorTower, FGO đạt doanh thu thứ 3 toàn cầu về doanh thu, trong đó App Store đứng thứ 4 và Google Play xếp thứ 3. Ước tính kể từ khi phát hành năm 2015 đến nay, trò chơi đã kiếm về 3 tỷ USD cho công ty.;

Hãng game lớn thứ 2 thế giới

Ngành công nghiệp trò chơi năm 2018 đạt doanh thu khổng lồ 134,9 tỷ USD từ ba nền tảng PC, console và mobile. Top 25 công ty có doanh thu cao nhất chiếm đến 80% tổng doanh thu. Ở top 3, ghi nhận vị trí dẫn đầu lần lượt là Tencent, Sony và Microsft, theo báo cáo mới nhất từ Newzoo.

Doanh thu ước tính không bao gồm bán phần cứng (Xbox, PlayStation, Switch,...), chỉ từ bán trò chơi và thuê bao dịch vụ. Qua đó Sony kiếm được 14,2 tỷ USD cả năm, trung bình mỗi quý thu khoảng 350 triệu USD từ các trò chơi và dịch vụ. Họ đạt mức tăng trưởng hàng năm lên đến 41%, cao nhất trong top 10.

Công ty cũng kiếm được hơn 14 tỷ USD từ thị trường game năm 2018, xếp thứ 2 về doanh thu

Đứng thứ ba về doanh thu ở thị trường truyền hình

Mảng kinh doanh truyền hình của Sony trong năm 2018 đã đạt kết quả khả quan. Theo báo Business Korea trích dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu IHS Markit, năm qua hãng tiếp tục trụ hạng trên thị trường bên cạnh các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Về khối lượng bán hàng, công ty đã bán được 11,6 triệu chiếc, đứng thứ 5 về doanh số sau Samsung, LG, TCL và Hisense. Về doanh thu, số TV trên đã mang về 11,69 tỷ USD cho công ty, xếp sau Samsung và LG. Đáng chú ý, giá bán trung bình TV Sony cao gấp đôi so với các công ty Trung Quốc như TCL và Hisense. Nhờ vậy dù thua về doanh số, họ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn.

Tại thị trường truyền hình, hãng đứng thứ 3 về doanh thu

Theo GfK, tại thị trường Việt Nam Sony cũng là thương hiệu có thị phần lớn thứ 2, sau Samsung.

Dẫn đầu khối lượng bán hàng ở thị trường tai nghe

Sony từ lâu đã là một ông lớn ở thị trường tai nghe, với nhiều dòng thành công như EXTRA BASS, 1000X,... Theo hãng tư vấn Futuresource Consulting, kết quả quý 4 năm 2018 tiếp tục cho thấy sự dẫn đầu của ông lớn Nhật Bản, song hành cùng Apple chi phối thị trường tai nghe toàn cầu.

Trong quý 4 năm 2018, có 130 triệu tai nghe đã được bán, mang về 8,5 tỷ USD doanh thu cho các công ty. Trong đó thì Sony là thương hiệu dẫn đầu về khối lượng bán hàng. Còn Apple là công ty kiếm được nhiều tiền nhất, nhờ vị thế thống trị của AirPods ở loại tai nghe true wireless (không có dây nối giữa hai bên tai). Báo cáo cũng cho biết tai nghe không dây tăng trưởng mạnh, đã áp đảo loại cắm dây chiếm trên 50% doanh số bán hàng. Những mẫu bán chạy chính là Bose QC35 II và Sony WH-1000XM3.

Đứng đầu về khối lượng bán hàng tại thị trường tai nghe

Dẫn đầu thị trường linh kiện bán dẫn O-S-D

Tại thị trường linh kiện bán dẫn bao gồm quang điện tử (optoelectronics), cảm biến (sensor), bộ truyền động (actutor), và thành phần rời rạc (discretes: diode, transistor), Sony cũng là tên tuổi hàng đầu. Chúng ta đã không còn lạ gì với việc họ là hãng cảm biến hình ảnh CMOS lớn nhất thế giới, điều đó giúp Sony kiếm được rất nhiều tiền. Theo IC Insights, 10 công ty bán dẫn có doanh thu lớn nhất năm 2018 chiếm đến 37% toàn ngành. Vị trí dẫn đầu thuộc về Sony với xấp xỉ 7,1 tỷ USD.

Đà tăng trưởng của Sony năm qua chỉ là 3%, chủ yếu do nhu cầu của cảm biến cho smartphone đi xuống, và thành phần đọc laser của các ổ đĩa quang giảm sút. Tuy vậy, doanh thu của họ vẫn chiếm đến 8,6% trong tổng doanh thu 82,4 tỷ USD, thị trường linh kiện bán dẫn O-S-D năm 2018. Với cách biệt lên đến 3,1 tỷ USD so với vị trí thứ hai của Sharp, IC Insights nhận xét Sony vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu trong năm 2018.

Hãng đã kiếm được gần 7,1 tỷ USD từ các linh kiện bán dẫn năm 2018

Kết luận

Giống như nhiều công ty khác, Microsoft, Apple, Google, Samsung,... Sony cũng tham gia nhiều thị trường khác nhau, với nhiều sản phẩm khác nhau. Đó không nhất thiết phải là phần cứng như chúng ta gắn liền với họ - TV, điện thoại, máy tính (đã bán), máy ảnh,...

Nhiều người nhìn qua tình hình bết bát của những chiếc Xperia để từ đó khái quát lên tình hình toàn bộ. Đây là một cái nhìn phiến diện, thiếu cơ sở. Bởi thực chất, chưa bao giờ tỉ trọng đóng góp của smartphone chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Sony. Bản thân đơn vị này liên tục tụt dốc trên thị trường di động, nhưng ở các thị trường khác, doanh thu Sony vẫn đi lên.

Họ có thể thất bại với những chiếc smartphone, nhưng điều đó cũng chẳng thể dẫn công ty đi đến sụp đổ. Vậy tại sao chúng ta cứ mãi lấy điều đó ra để đánh giá tình hình kinh doanh của tập đoàn?

Ambitious Man

Chủ đề khác