VnReview
Hà Nội

Cạnh tranh khốc liệt thách thức “ghế nóng” tại những start-up ứng dụng

Mới vừa rời khỏi Facebook khu vực Đông Nam Á được vài tháng, Lê Diệp Kiều Trang - cái tên khá nổi tiếng trong giới startup tại Việt Nam - lại vừa tiếp nhận "ghế nóng" CEO tại Go-Viet, nơi mà chưa lâu người tiền nhiệm Nguyễn Vũ Đức rời khỏi vị trí này cùng với bà Nguyễn Bảo Linh – Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển.

"Ghế nóng" tại các start-up ứng dụng

Khi thị trường ứng dụng đặt xe, giao hàng, gọi thức ăn… tại Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, dư luận trong giới startup cho rằng những vị trí CEO tại các start-up này như Grab, Go-Viet, Be, FastGo, Ahamove.v.v… chính là những chiếc "ghế nóng", thậm chí rất nóng.

Sức nóng không chỉ đến từ sự cạnh tranh giữa các ứng dụng với nhau vốn đã đến mức khốc liệt tại thời điểm hiện nay, mà còn phân ranh giới giữa một bên là các ứng dụng nội địa như FastGo, Be, Ahamove, VATO, Zalo… với một bên là các ứng dụng đến từ nước ngoài đến như Grab, Go-Viet (được Go-Jek của Indonesia hậu thuẫn mạnh nhiều mặt), Lalamove... Trong đó, tương quan cho thấy thế yếu hơn thuộc về phía các ứng dụng nội địa trước các đối thủ cực kì nặng kí như Grab hay Go-Jek đang được gọi là những "siêu kì lân" (công ty startup được định giá từ 10 tỉ USD trở lên).

Tuy nhiên các "siêu kì lân" không phải là không có những điểm yếu hay khó khăn, cản ngại tại thị trường Việt Nam. Trước hết đó là yếu tố am hiểu thị trường nội địa, nhiều ứng dụng như Grab, Go-Viet đã chọn bộ máy nhân sự từ cao cấp đến những nhân viên bình thường nhất là người Việt Nam. Thế nhưng, nguồn nhân lực của nền kinh tế số hay còn gọi là kinh tế O2O (online to offline) cũng đang trong trạng thái áp lực cầu lớn hơn cung. Một vấn đề "gai góc" hơn nữa chính là các thông lệ và qui định pháp lí tại Việt Nam, luôn gây ra "sóng gió" có thể gây bất lợi thậm chí thiệt hại đối với các start-up nước ngoài.

Xa một chút nếu tính từ thời điểm tháng 4/2018, CEO của Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cũng phải ra đi khỏi công ty khởi nghiệp này trước khi nó được bán lại cho Grab. Vị trí ông Dũng đảm nhiệm trong khoảng ba năm ấy, đã liên tục phải đối mặt với hết cơ quan chức năng, cơ quan thuế, đối thủ và cả dư luận. Cơ quan thuế cho rằng Uber Việt Nam trốn tránh thuế và các đối thủ cũng "đồng thanh tương ứng" theo khiến hình ảnh Uber Việt Nam lao dốc theo hình ảnh Uber toàn cầu một cách trầm trọng nhất.

Đến tháng 4/2019, Nguyễn Xuân Trường - CEO của Ahamove - cũng rời khỏi start-up này. Ahamove xuất thân cung cấp dịch vụ giao hàng, sau đó lấn sang lĩnh vực gọi đồ ăn. Nhưng chẳng bao lâu, ngay khi ông Trường còn đang trên "ghế nóng" CEO thì Ahamove phải tuyên bố rút khỏi thị trường dịch vụ gọi đồ ăn cạnh tranh quá khốc liệt. Đến tháng 4/2019, vị CEO rời khỏi vị trí điều hành tại start-up này.

Ngồi trên "ghế nóng" - thách thức tăng nhiệt

Tiếp nhận "ghế nóng" từ CEO tiền nhiệm khi tới nay vẫn chưa thể cung cấp hai dịch vụ rất quan trọng là Go-Car và Go-Pay tại Việt Nam, tân CEO của Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang sẽ phải đối mặt với chính bài toán làm sao để cung cấp hai dịch vụ này ra thị trường càng sớm càng tốt khi một trong những đối thủ lớn nhất của họ là Grab đã đi được một quãng rất xa và nhanh ở hai dịch vụ này.

"Hãy để tôi làm được nhiều điều hơn tại Việt Nam rồi hãy nói về tôi", bà Lê Diệp Kiều Trang từng thổ lộ trước khi đến với Go-Viet. Thời gian qua, truyền thông có lẽ đã đi hơi xa trong việc "công kênh" Lê Diệp Kiều Trang ngoài ý muốn của bà khiến cho bà cảm thấy ngại ngần.

Lê Diệp Kiều Trang

Bà Lê Diệp Kiều Trang vừa nhậm chức CEO Go-Viet

Trên thị trường dịch vụ ứng dụng di chuyển (taxi và xe ôm công nghệ), hai tháng trở lại đây tại TP.HCM màu áo vàng của xe ôm công nghệ Be xuất hiện với mật độ dày hơn trước trên đường phố.

Không phải cứ "ông lớn" là sẽ chắc chắn thành không và không bao giờ thất bại. Uber đã rơi vào thế khó và chọn con đường bán lại mảng dịch vụ tại khu vực Đông Nam Á cho Grab. Sau khi Uber ra đi, rất nhiều ứng dụng đặt xe nội địa cũng như các liên minh đặt xe nội địa lại "mọc" lên. Dù không phải là đối thủ đáng gờm nhất nhưng những Be, FastGo hay VATO cũng có thể chia sẻ bớt thị phần bất cứ lúc nào mỗi khi Grab, Go-Viet chủ quan để xảy ra những kẽ hở cơ hội cho đối thủ "tấn công".

Cựu CEO của Ahamove sau khi rời khỏi doanh nghiệp này đã nhảy sang một start-up khác là MoMo đang ở vị trí số 1 trên thị trường các ứng dụng về tài chính nói chung và ví điện tử nói riêng tại Việt Nam. Ngồi trên "ghế nóng" với thách thức tăng nhiệt, chính các vị CEO chứ không phải ai khác mới hiểu hết những khó khăn và gánh nặng mà họ luôn phải đối mặt để giải rất nhiều bài toán tại thị trường Việt Nam. Về mặt này, tân CEO của Go-Viet có lẽ còn là "lính mới tò te" hơn so với những CEO tại các start-up ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế O2O tại Việt Nam hiện nay. Chưa thể khẳng định được gì về sự thể hiện khả năng của vị tân CEO này cũng như không thể vội đánh giá về năng lực của bà, song đó mới chính là sự thú vị đối với giới quan sát về vị trí CEO tại một "đứa con" của "siêu kì lân" Go-Jek.

Dạ Thảo

Chủ đề khác