VnReview
Hà Nội

Huawei trong vòng xoáy của chiến tranh thương mại

Huawei đã bị Mỹ "tăm tia" nhiều năm trước khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thứ nhất là vì nghi án tình báo Trung Quốc ẩn sau giải pháp, thiết bị mạng viễn thông Huawei để đánh cắp thông tin. Thứ hai, trong chiến lược "Made in China 2025", Trung Quốc đẩy mạnh các mũi nhọn công nghệ cao cốt lõi đụng tới sự tự tôn của Mỹ thì Huawei chính là một trong những mũi nhọn đó.

Huawei vừa là "nghi phạm", vừa là "nạn nhân"

Xét từ góc độ nghi vấn đánh cắp thông tin qua các cửa hậu (backdoor) cài trong các thiết bị mạng viễn thông của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là một "nghi phạm" đối với Mỹ và một số nước phương Tây.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh thương mại đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, Huawei chỉ là một con cờ của nước đi công phá mà Mỹ áp dụng để hòng ép Trung Quốc phải chịu lép chấp nhận các điều khoản mà chính quyền Trump đưa ra. Nhìn từ góc độ này, Huawei cũng có thể là một "nạn nhân" của bàn cờ chính trị - kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các công nghệ mà Trung Quốc muốn phát triển mạnh trở thành dẫn dắt thế giới là siêu điện toán, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới, công nghệ in 3D, mạng 5G... hầu hết đều là những mũi nhọn công nghệ của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, riêng công nghệ mạng viễn thông 5G, thì các công ty Mỹ đang bị Huawei bỏ khá xa. Điều đó không ít thì nhiều đánh vào lòng tự tôn của các nhà chính trị và doanh nhân Mỹ. Đồng thời, phía Mỹ cũng thấy một nguy cơ tranh chấp trực tiếp và khả năng bị lấn át ở các mũi nhọn công nghệ còn lại. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra một khi các công ty Mỹ đang thua sút Huawei về công nghệ mạng 5G.

Thậm chí, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi; còn tuyên bố rằng các nước (tất nhiên tâm điểm vẫn là phương Tây) phải mất từ 2-3 năm nữa mới bắt kịp mạng 5G của Huawei, vốn vừa có chất lượng công nghệ tốt và giá cả lại rẻ, đạt hiệu quả kinh tế cao cho các đối tác triển khai.

Có thể nói hai vai "nghi phạm" và "nạn nhân" trong một chủ thể Huawei thực sự rất khó phân tách.

Việc Mỹ chặn đường sống của Huawei là bước đi leo thang bài bản có toan tính trước một cách rất kĩ lưỡng. Đầu tiên là khơi mào các phát ngôn về nghi vấn Huawei đánh cắp thông tin với mức độ ngày càng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng để tạo dư luận, tiếp đó là bắt Mạnh Vãn Chu – con gái của nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi và đồng thời là giám đốc tài chính của Huawei.

Sau khi hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ không đi đến kết quả trong vòng đám phán cuối cùng gần đây, chính quyền Trump ngay lập tức tăng mức thuế lên 25% đối với lượng hàng hóa 250 tỉ USD nhập từ Trung Quốc vốn trước đó mới áp ở mức 10%. Rồi tiếp theo, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" cấm các công ty Mỹ bán công nghệ, giải pháp, thiết bị, linh kiện cho tập đoàn Trung Quốc sau một sắc lệnh được Tổng thống Trump kí ban hành trước đó.

Nếu Huawei có thể vượt qua sóng gió này...

Quá rõ ràng chính quyền Trump chặn đường sống của Huawei không chỉ là quyết định vì an ninh quốc gia, mà nó chính là "đòn vờn" kinh tế - chính trị giúp cho Trump và nước Mỹ đạt được nhiều mục tiêu.

Huawei trong vòng xoáy của chiến tranh thương mại

Thứ nhất là nhằm chiếm thế thượng phong buộc Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán thương mại với thế nhượng bộ. Thứ hai là chặn đà phát triển thương mại của Huawei từ đó sẽ ảnh hưởng tới tiến trình phát triển công nghệ của tập đoàn này, qua đó các công ty công nghệ Mỹ có thêm thời gian để bứt phá xa hơn với những công nghệ đã dẫn dắt và kéo hẹp khoảng cách với những công nghệ đã bị Huawei bỏ xa. Thứ ba, Tổng thống Trump và chính phủ Mỹ khẳng định nước Mỹ vẫn là cường quốc số 1 về kinh tế, chính trị và công nghệ, ngay cả nền kinh tế số 2 thế giới nếu bị Mỹ ép thì cũng nghẹt thở.

Không chỉ ra các quyết định, chính quyền Trump còn lôi kéo các đồng minh "chặn cửa" hoặc tẩy chay thiết bị mạng viễn thông cũng như không cung cấp linh kiện cho Huawei. Vài ngày qua, Huawei đã hứng chịu nhiều đòn thấm thía hơn, đơn cử như một số nhà mạng Nhật ngừng bán mẫu điện thoại mới đột phá nhất P30 series. Tại một số quốc gia Châu Á, Châu Âu, một số chuỗi bán lẻ ngừng nhập điện thoại Huawei về bán vì lo ngại tương lai của việc Google đã "cắt cầu" cung cấp hệ điều hành Android và các ứng dụng phổ biến.

Chưa hết, nguồn tin được "rò rỉ" ra truyền thông rằng chính quyền Trump cũng đang xem xét đưa thêm 5 công ty công nghệ của Trung Quốc vào "danh sách đen" trừng phạt khiến giá cổ phiếu của các công ty này trên sàn chứng khoán liên tục giảm mạnh.

Có thể nói, các đòn đánh của chính quyền Tổng thống Trump khá đồng bộ, trên nhiều bình diện nhằm lấy được thế thắng tạo đà cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà Trump tiếp tục tranh cử với ứng viên Đảng Dân chủ.

Câu hỏi đặt ra là: Chính quyền Trump liệu có ép chết được Huawei hay không? Chắc chắn là không. Bởi trên thực tế, "cùng tắc biến, biến tắc thông". Khi Huawei bị ép như vậy cũng chính là lúc chính quyền và người dân Trung Quốc càng bênh vực và ủng hộ tập đoàn công nghệ vốn là niềm tự hào của họ. Thiết bị mạng viễn thông của Huawei vẫn sẽ bán được ở những thị trường như Châu Âu, Châu Á, Trung Đông và Châu Phi cho dù doanh thu sụt giảm. Trên thực tế, nhiều quốc gia ở những khu vực này có mối quan hệ kinh tế sâu và khá sâu với Trung Quốc mà không vì những kêu gọi hay dọa dẫm của Mỹ họ sẽ nghe theo hay khuất phục, vì chính quyền các quốc gia này về cơ bản phải vì lợi ích quốc gia là hàng đầu.

Thứ hai, mảng smartphone của Huawei hiện tại thực sự là tốt và có các sáng tạo công nghệ đột phá đã dần chinh phục được người dùng tại nhiều thị trường. Đáng chú ý gần đây là các dòng P20 series, Mate 20 series, P30 series... Chính vì thế mà Huawei đã leo lên vị trí thứ 2 toàn cầu về smartphone. Người dùng từ bỏ nó thì cũng vì lí do liên quan đến Google chứ không phải vì chất lượng máy Huawei.

Quá dễ để nhìn thấy Huawei có thể phải hứng chịu đợt suy thoái về doanh số, thậm chí là cuộc đại khủng hoảng cả về sản xuất và thương mại, nhưng Huawei sẽ không dễ dàng chết như thế.

Ngược lại, nếu Huawei "sống sót" được qua cuộc đại khủng hoảng này, họ sẽ rút ra được rất nhiều bài học quí giá, sẽ biết cách chuẩn bị dự phòng trước mọi thứ một cách chu toàn hơn hướng đến khả năng tự chủ công nghệ cao hơn. Đây chính là lúc Huawei học được nhiều nhất, mà nếu họ vượt qua được, thì sẽ tiến nhanh và xa hơn cả so với trước đây. 

Dạ Thảo

Chủ đề khác