VnReview
Hà Nội

“Ông lớn” không “sạch”, đừng đổ trách nhiệm lên người dùng!

Mới đây trong một cuộc phỏng vấn với CNN, CEO Sundar Pichai của Google đã phải thừa nhận rằng không thể lọc "sạch" 100% các nội dung độc hại trên YouTube.

Miễn phí ư? Thu đủ và thu quá thì có!

Điều này cho dù trước đây, khi vị CEO này chưa thừa nhận, thì chúng ta cũng đã thừa biết được rằng, sẽ chẳng bao giờ YouTube có thể lọc "sạch" các nội dung độc hại 100% được. Cho dù, những năm trở lại đây, việc lọc nội dung không chỉ làm thủ công bằng nhân lực mà còn tận dụng cả "trí lực" từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Giả dụ rằng, vì mục tiêu cao cả cho một YouTube "sạch" và lành mạnh tuyệt đối, Google phải tuyển nhân sự cho YouTube để làm công việc kiểm duyệt và hậu kiểm, thì đó sẽ là một đội ngũ khổng lồ, với hai hệ lụy rất rõ sẽ đến: Thứ nhất là tốc độ đăng tải các video clip sẽ bị chậm lại rất nhiều. Thứ hai, Google sẽ "ốm đòn" vì quĩ lương tăng lên khủng khiếp. Tất nhiên chỉ là giả dụ, vì chẳng phải Google mà chả "ông lớn" mạng xã hội nào như Facebook, Twitter, SnapChat, Instagram, Tik Tok… làm như vậy cả.

nội dung xấu trên youtube

Thay vào đó, bao năm qua, Google/YouTube sử dụng không trả lương nhân công từ người dùng qua chế độ báo cáo các nội dung xấu, không phù hợp. Bộ máy này thì cực khổng lồ không được YouTube trả lương nhưng làm việc rất nhiệt tình, vừa đóng góp lượng view khổng lồ cho YouTube, vừa giúp YouTube có nguồn thu hàng chục tỉ USD mỗi năm từ quảng cáo, vừa canh cửa hậu về nội dung cho mạng xã hội này.

Đó là cái cách các mạng xã hội trong những năm qua đang vận hành, tưởng là miễn phí cho người dùng bao thứ, nhưng kì thực thì thu đủ, thậm chí thu quá. Thế mà, người dùng vẫn lãnh đủ khi bị những nội dung độc hại gây ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là đối với các em các cháu thiếu nhi bị các nội dung không lành mạnh tấn công.

Một lần tôi có đọc được những dòng chat của người phụ trách truyền thông khu vực của Google, người này nói với phóng viên rằng, YouTube đã có chế độ cảnh báo rồi, người dùng cứ theo đó mà báo cáo, cắm cờ các kiểu đi chứ… Cứ như đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người dùng khi được sử dụng dịch vụ miễn phí!

Chúng ta hay nói rằng, tại Việt Nam xưa nay nặng cơ chế xin – cho. Nhưng xin thưa, cái tư duy đổ trách nhiệm "gác cổng" cho người dùng như kia, còn khủng khiếp hơn cả cái cơ chế xin – cho nữa. Vì nó chính là loại tư duy ban phát. Hay nói chính xác hơn, sau khi xây dựng nền tảng và thu hút người dùng, các "ông lớn" Internet như YouTube, Facebook… lấy nội dung, thông tin mà không trả xu nào cho những người làm ra nó (chỉ được hưởng chia sẻ nguồn thu quảng cáo) ban phát cho người dùng nhưng lại gắn bao nhiêu thứ trách nhiệm cho họ.

Châu Âu đã tiên phong

Đó là một kiểu chính sách, tư duy của thời đã qua và hiện thời, nó không chắc chắn còn đứng vững mãi trong tương lai.

Hơn bất cứ khu vực hay quốc gia nào khác, Liên minh Châu Âu (EU) đã đi đầu trong việc đưa ra các chế tài đối với các "ông lớn" Internet như Google và Facebook, đặc biệt là ở các khía cạnh như nội dung tiêu cực, bảo vệ dữ liệu người dùng..v.v… Điển hình, tháng 3/2019, Ủy ban Cạnh tranh của EU đã quyết định phạt Google 1,7 tỉ USD vì cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Facebook cũng đã bị phạt 500.000USD tại Anh vì vụ bê bối dữ liệu người dùng Cambridge Analytica…

Cách đây vài tháng, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu tán thành các "ông lớn" như Google, Facebook sẽ phải trả phí cho các báo online khi dẫn lại thông tin trên công cụ tìm kiếm hoặc để cho người dùng dẫn lại trên các trang cá nhân trên mạng xã hội. Quyết định đã được thông qua, vấn đề là cách triển khai ra sao mà thôi.

Còn hiện nay, hội nghị G20 đang diễn ra và ở phiên thảo luận của các bộ trưởng tài chính, Mỹ đã buộc phải nhượng bộ trước số đông gây áp lực đòi thông qua qui tắc chung là thu thuế các công ty công nghệ như Google, Facebook, Amazon khi chuyển các kênh đăng kí bán hàng sang những quốc gia được gọi là "thiên đường thuế" khiến Châu Âu thất thu. Đa phần các quốc gia Châu Âu có tiếng nói mạnh mẽ đều cho rằng đó là cách lách thuế và không công bằng của các "ông lớn" Google, Amazon, Facebook, Apple hay còn gọi là nhóm GAFA (viết tắt từ chữ đầu của các hãng trên). Hi vọng rằng trong tương lai, vấn đề đánh thuế đối với dịch vụ/bán hàng xuyên biên giới của các "ông lớn" trên cũng được xem xét tới.

Vấn đề liên quan tới Google và Facebook hàng chục năm qua thường được nhắc tới tại Việt Nam chính là việc hai "ông lớn" này có doanh thu quảng cáo trực tuyến vài trăm triệu USD mỗi năm nhưng không hề đóng bất cứ khoản thuế nào. Và thậm chí, trách nhiệm giữ "sạch" nội dung tránh những thứ xấu, độc, phản cảm, sến sẩm, ấu dâm, hút chích… cũng bị thả nổi.

Còn nhớ, dạo Nghị viện Châu Âu thông qua quyết định Google, Facebook phải trả phí khi dẫn lại nguồn từ báo chí, hai "ông lớn" này đã phản ứng bằng cách dọa dẫm rằng sẽ "cắt cầu" với các báo, đồng thời sẽ thu phí người dùng. Dọa thế thôi chứ để thu được phí người dùng hay "cắt cầu" các nguồn tin đâu dễ. Việc thu phí có thể khiến người dùng bỏ đi không bao giờ quay lại nữa. Khi đó, cái nền tảng công nghệ còn gì ngoài khung trơ là cái giao diện trống rỗng cùng với các phần mềm, thuật toán.v.v… chẳng còn để làm gì.

Dạ Thảo

Chủ đề khác