VnReview
Hà Nội

Cần một cuộc điều tra làm rõ về Asanzo!

Những bài điều tra rất công phu của báo Tuổi Trẻ cho rằng "Asanzo – hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt" đã khiến dư luận người tiêu dùng đầy hoang mang về sản phẩm thương hiệu này. Thực hư Asanzo là hàng Việt hay hàng Trung Quốc? Hàng Trung Quốc sao lại từng được trao danh hiệu "hàng Việt Nam chất lượng cao"...

Danh hiệu HVNCLC không thể từ trên trời rơi xuống!

Danh hiệu HVNCLC là một sự chứng nhận, nói một cách khích lệ hơn đó là một sự vinh danh, song từ phía doanh nghiệp phải đăng kí, lập hồ sơ thì ban tổ chức mới dựa vào đó xét duyệt và có đồng ý chứng nhận cho danh hiệu đó hay không.

Trường hợp Asanzo, trong vài năm qua, toàn bộ đều nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp mà cũng gọi là "hàng Việt Nam" đã là khó có thể chấp nhận được, còn để lọt vào danh sách được công nhận là HVNCLC thì càng không thể chấp nhận!

Song từ danh hiệu đó, gần đây thương hiệu này đã đi quá trớn, không những chẳng lắp ráp tại Việt Nam mà còn nhập thẳng từ Trung Quốc với mác đóng là Asanzo, thay đổi xuất xứ thành "xuất xứ Việt Nam". Đây không còn là vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận từ dư luận người tiêu dùng, mà đúng hơn đó là hành vi gian dối. Cho dù hành vi sai trái này do công ty con của Asanzo hay ;công ty bên ngoài được Asanzo nhượng quyền thương hiệu đi nữa thì Asanzo cũng phải chịu trách nhiệm chính hoặc trách nhiệm liên đới rất lớn.

Danh hiệu HVNCLC không thể từ trên trời rơi xuống cho Asanzo. Ngược lại là khác, Asanzo đã có chủ ý lấy danh hiệu này để làm marketing cho thương hiệu và sản phẩm. Đây hoàn toàn là có toan tính một cách rành mạch, lợi dụng danh hiệu HVNCLC gây thiện cảm với người tiêu dùng Việt để bán hàng.

Sản phẩm "made in China" thì chắc chắn không phải là hàng Việt Nam. Song sản phẩm được lắp ráp từ linh kiện 100% nhập khẩu từ Trung Quốc, được dán mác thương hiệu Asanzo và ghi "xuất xứ Việt Nam" có phải là "hàng Việt Nam" hay không vẫn còn là tranh cãi.

Hàng chục năm qua, chúng ta từng quen với cách gọi "máy tính thương hiệu Việt", "điện thoại thương hiệu Việt", là những sản phẩm nhập linh kiện về lắp ráp và dán thương hiệu riêng của doanh nghiệp, hoặc nhập thẳng từ Trung Quốc về dán mác thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những trường hợp như thế cũng không thể gọi là "hàng Việt Nam".

Đối tượng đã "bị lộ" hiện nay là Asanzo nhưng dư luận thừa biết rằng còn nhiều doanh nghiệp khác nữa cũng hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử, điện gia dụng như cách Asanzo đã và đang làm, chỉ có điều là "chưa bị lộ" ra với các bằng chứng rành rành mà thôi.

Cần một cuộc điều tra toàn diện!

Như đã nói ở trên, cách làm bằng cách nhập linh kiện về lắp ráp rồi "đội lốt" là "hàng Việt Nam" không chỉ có Asanzo, mà còn đang là tình trạng nhức nhối với nhiều doanh nghiệp tham gia. Sự không rõ ràng này gây bất lợi cho người tiêu dùng, hay nói một cách nghiêm khắc thì người tiêu dùng đang bị lừa dối.

Ngay cả khái niệm "xuất xứ Việt Nam" cũng rất nhập nhèm và không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm thành sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam). Khái niệm xuất xứ ở đây suy cho cùng cũng chẳng nói lên được điều gì ngoài một sự thật là lắp ráp giản đơn, thiếu các dây chuyền công nghệ có trang thiết bị tiên tiến với sản phẩm ra lò phải trải qua hàng trăm khâu kiểm định chất lượng theo qui trình nghiêm ngặt.

Asanzo chẳng thể có tài thánh mà chỉ trong vài năm có thể sáng tạo ra "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" để sản xuất ra được HVNCLC khi chẳng có gì về nghiên cứu phát triển (R&D), còn nhà xưởng cũng chỉ ở cấp độ lắp ráp đơn giản từ các bộ phận linh kiện nhập khẩu (CKD).

Ngay lúc này, các hành vi của Asanzo liệu có phải là gian lận thương mại hay không cần các cơ quan chức năng nhập cuộc điều tra để làm rõ. Hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn sản phẩm thương hiệu Asanzo bán ra thị trường trong những năm qua đã được người tiêu dùng tin rằng đó là hàng Việt Nam và còn là HVNCLC cho nên dành cho một tình cảm ủng hộ nhất định. Thế nhưng, sự thật bây giờ đã được làm rõ với bằng chứng rành rành đó là những sản phẩm được lắp ráp từ 100% linh kiện nhập từ Trung Quốc và thậm chí nhập từ Trung Quốc "nguyên con" đóng sẵn thương hiệu Asanzo.

Các cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ về Asanzo và cần có kết luận rõ ràng về các hành vi của thương hiệu này. Người tiêu dùng cần được bảo vệ trong trường hợp họ bị lừa dối. Và hơn thế nữa, phải làm rõ Asanzo ghi "xuất xứ Việt Nam" có đúng với các qui định hiện hành hay không cũng còn nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Việt và thương hiệu Việt "chuẩn" đã dày công tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo với sự tiêu tốn biết bao công sức, chi phí để đặt nền móng cho những sản phẩm trí tuệ Việt thực sự.

Năng lực công nghệ và sáng tạo, sản xuất sản phẩm công nghệ của Việt Nam chưa mạnh nhưng cũng không chấp nhận hàng hóa của những quốc gia khác "đội lốt" hàng Việt nhằm lợi dụng tình cảm của người tiêu dùng Việt mà trục lợi.

Dạ Thảo

Chủ đề khác